PTSC - Trọn giải pháp, Vẹn niềm tin, Hướng tới lĩnh vực điện gió ngoài khơi
(PetroTimes) - Ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - chia sẻ với PetroTimes: Tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi dịch vụ mà PTSC là đơn vị đã tiên phong tham gia, từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt đến bảo dưỡng các công trình điện gió gần bờ và trên đất liền. Việc hoàn thiện chuỗi dịch vụ này sẽ giúp cho PTSC phát huy được thế mạnh vốn có, hướng tới thị trường tương lai rộng lớn hơn. Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PTSC, phù hợp với định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.
PetroTimes: Thưa ông, năm 2021, PTSC gặp những khó khăn gì trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát?
Ông Lê Mạnh Cường |
Ông Lê Mạnh Cường: Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Với PTSC cũng không là ngoại lệ. Ở trong nước, các hoạt động dịch vụ của PTSC bị thu hẹp, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Bên cạnh đó, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng hết sức khó khăn, do khối lượng công việc ít và chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp địa phương của các nước sở tại ngày càng gia tăng.
Đối với dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm nhu cầu, khối lượng công việc, đơn giá cung cấp dịch vụ giảm mạnh, trong khi PTSC tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp trong và ngoài nước với sự phát triển mạnh cả về số lượng công ty và số lượng tàu, dẫn đến thị phần bị thu hẹp đáng kể. Hay như hoạt động cung cấp dịch vụ căn cứ cảng cũng có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước…
Các dự án đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác đánh giá, phân tích, cập nhật hiệu quả đầu tư do bối cảnh thị trường không thuận lợi, dẫn đến nhiều dự án đầu tư chưa thể triển khai, phải thực hiện giãn, dừng để đảm bảo hiệu quả, tiết giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn.
PetroTimes: Trong bối cảnh như thế, Petrovietnam nói chung và PTSC nói riêng vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), đạt được nhiều kết quả khả quan. Ông có thể chia sẻ những điểm sáng của PTSC trong năm qua?
Ông Lê Mạnh Cường: Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, PTSC đã huy động các giải pháp tổng thể, nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động SXKD, xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó phù hợp với từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh, thị trường để đảm bảo duy trì thực hiện ổn định, an toàn, hiệu quả các hoạt động SXKD. Kết quả thực hiện doanh thu hợp nhất năm 2021 là 14.300 tỉ đồng, đạt 143% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước thực hiện năm 2021 là 777 tỉ đồng, đạt 111% kế hoạch năm. Các dịch vụ do PTSC thực hiện luôn đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Điểm sáng của PTSC năm 2021 vẫn là dịch vụ cơ khí dầu khí và công trình công nghiệp. PTSC tập trung nguồn lực và áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án cơ khí dầu khí. Hoàn thành công tác chế tạo, vận chuyển, lắp đặt chân đế và khối thượng tầng giàn Đại Nguyệt trong tháng 9-2021; khởi công Dự án Shwe Phase 3 Jacket trong tháng 10-2021; thực hiện thiết kế chi tiết, mua sắm, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử giàn JA và KA với tổng khối lượng trên 19.000 tấn Dự án Gallaf 3 cho chủ đầu tư North Oil Company tại Qatar.
Đặc biệt, cuối tháng 9-2021, PTSC đã ký kết thỏa thuận ưu tiên với khách hàng để thực hiện các công tác liên quan đến thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận hành 2 trạm biến áp ngoài khơi thuộc Dự án Điện gió Hải Long 2 và Hải Long 3 tại Đài Loan. Đây là thành tựu vô cùng ấn tượng và là bước đột phá chiến lược của PTSC trong mảng dịch vụ năng lượng tái tạo.
2021 cũng là năm PTSC tập trung nguồn lực vào hoàn thành một số dự án ngoài ngành, dự án công nghiệp trên bờ. PTSC đang triển khai Gói thầu A1 - Nhà máy Olefins của Tổ hợp hóa dầu miền Nam, đây là dự án có giá trị rất lớn với tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỉ USD.
Trong giai đoạn cao điểm của Covid-19, nhiều nhà thầu gặp khó khăn do nguồn lực bị ảnh hưởng, nhưng PTSC với nguồn lực sẵn có, dồi dào, đã duy trì được tiến độ của các dự án đang triển khai như cam kết với khách hàng.
Bên cạnh đó, với lĩnh vực LNG và LPG, PTSC đã đưa 1 kho nổi chứa và xuất LPG vào hoạt động tại vùng biển phía Bắc, ngoài khơi tỉnh Thái Bình và cho PV GAS thuê để phục vụ công tác cung cấp khí gas tại thị trường miền Bắc.
Tại khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa, PTSC cung cấp các tàu dịch vụ để phục vụ vận hành cũng như hỗ trợ đón 31 chuyến tàu VLCC an toàn, hiệu quả cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; hỗ trợ thành công 1.100 chuyến hàng cập/rời cảng an toàn tuyệt đối cho khách hàng NSRP. Đặc biệt, ngày 22-8-2021, đội tàu lai và hỗ trợ hàng hải của PTSC đã hỗ trợ tiếp nhận thành công chuyến tàu VLCC thứ 100 cập phao rót dầu không bến (SPM) của nhà máy, qua đó thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa PTSC, NSRP và các đơn vị liên quan trong việc duy trì hoạt động liên tục của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Hạ thủy, vận chuyển và bàn giao 3 giàn đầu giếng Dự án Gallaf - Giai đoạn 1 của NOC |
Cũng trong năm 2021, PTSC và các đối tác đồng sở hữu đã thực hiện tốt dịch vụ cung cấp cho thuê FSO/FPSO đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của khách hàng (FPSO PTSC Lam Sơn cho Lô 01/97&02/97, FPSO Ruby II cho Lô 01/17&02/17, FSO PTSC Biển Đông 1 cho Lô 05-2&05-3, FSO Orkid cho Vùng chồng lấn PM3-CAA Malaysia, FSO Rong Doi MV12 cho Lô 11-2, FSO Golden Star Lô 05-1b&05-1c…), trong đó, PTSC đảm nhận phần việc O&M với tỷ lệ khai thác liên tục đạt gần 100% và cao hơn quy định của hợp đồng.
Việc thực hiện thành công các dự án ở nước ngoài đã tạo tiền đề cho PTSC tiếp tục trúng thầu nhiều dự án với giá trị hàng trăm triệu USD ở nhiều nơi như Trung Đông, Đài Loan, Ấn Độ và tại các thị trường khu vực như Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Brunei… Đến nay, thương hiệu PTSC đã được khẳng định, chúng tôi tự tin bước vào năm mới 2022 và các năm tiếp theo với tâm thế là một trong những tổng thầu năng lượng, dầu khí hàng đầu trong khu vực.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực truyền thống như khảo sát địa chất, khảo sát công trình ngầm bằng ROV cũng ngày càng vươn ra các thị trường quốc tế. Việc triển khai thành công dịch vụ cung cấp ROV ở Nhật Bản, các thiết bị khảo sát địa chất công trình làm việc ở hầu hết các nước trong khu vực đã đóng góp quan trọng vào doanh thu cũng như vào thành tích chung của PTSC.
Các liên doanh của PTSC ở Malaysia, Singapore cũng đóng góp rất lớn, tích cực vào thành tích của PTSC năm 2021, giúp PTSC hoàn thành, về đích trước 3 tháng chỉ tiêu kế hoạch Petrovietnam giao.
Cuối cùng, không thể không kể đến sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, người lao động PTSC đã cùng nhau tạo nên các thành tích, đáp ứng được kỳ vọng của Petrovietnam, cổ đông, đối tác, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập tương đương năm 2020 cho người lao động. Trong bối cảnh khó khăn chất chồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên PTSC càng khẳng định năng lực, quan điểm phát triển của PTSC với 4 thuộc tính, đó là chuyên nghiệp - uy tín - bền vững - sáng tạo, truyền tải được thông điệp “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”, giữ vững niềm tin từ khách hàng, đối tác, cổ đông và Petrovietnam.
PetroTimes: Ông có thể chia sẻ kế hoạch trọng tâm của PTSC trong năm 2022?
Ông Lê Mạnh Cường: PTSC tiếp tục tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh và phát triển các hoạt động SXKD, đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành chất lượng cao, uy tín, đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu dầu khí, năng lượng trong và ngoài nước.
PTSC duy trì, giữ vững thị trường dịch vụ hiện có; tích cực theo dõi, bám sát tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của Petrovietnam, cũng như các kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, các dự án đầu tư phát triển của các nhà thầu dầu khí trong nước và khu vực để kịp thời cung cấp và đáp ứng các nhu cầu dịch vụ; tận dụng triệt để tất cả các cơ hội để tăng cường chào thầu, đấu thầu cho các dự án công nghiệp trong và ngoài ngành Dầu khí; tập trung phát triển năng lực, tận dụng các thế mạnh của PTSC như thương hiệu, nguồn lực, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý, kinh nghiệm, lợi thế là thành viên của Petrovietnam để đảm nhận những công việc phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật và giá trị chất xám cao, có tính hệ thống; tăng cường đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực cốt lõi phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh; tối ưu hóa các nguồn lực, xây dựng các giải pháp dịch vụ theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô và đa dịch vụ của PTSC; đẩy mạnh phát triển năng lực thiết kế, kỹ thuật để nâng cao giá trị chất xám, giá trị gia tăng trong các sản phẩm, dịch vụ của PTSC. Những năm qua, PTSC tích cực và chủ động tham gia vào lĩnh vực LNG và LPG. Việc PTSC đưa vào vận hành kho nổi chứa và xuất LPG cho PV GAS ở vùng biển phía Bắc là một hướng đi mới, để PTSC bám sát, tận dụng tối đa tiềm năng thị trường trong nước, kết hợp nhiều loại hình, phát huy chuỗi giá trị dịch vụ của PTSC để cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực LNG/LPG được hứa hẹn sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới.
Bên cạnh đó, PTSC cũng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả, an toàn, chất lượng và đúng tiến độ các gói thầu thuộc Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt, Dự án Gallaf 3, Dự án Kho cảng LNG Thị Vải, các gói thầu Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam…; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng công trình biển, giàn khai thác dầu khí để áp dụng cho mỏ nhỏ/cận biên, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành dịch vụ cung cấp cho lĩnh vực này.
PTSC đang từng bước phát triển nguồn lực để đưa công tác đóng, hoán cải FSO/FPSO về Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ cung cấp dịch vụ tháo dỡ giàn khai thác, đường ống, kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường trong tương lai gần.
PTSC hiện là đơn vị duy nhất trong Petrovietnam có đầy đủ chức năng, năng lực, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. |
PetroTimes: Vừa qua, được sự chấp thuận của Petrovietnam, PTSC đã bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính, được thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 29-12-2021. Ông có thể chia sẻ về hướng đi mới này?
Ông Lê Mạnh Cường: Như anh đã thấy, PTSC được như hiện tại cũng là bắt đầu từ truyền thống tiên phong, dám tìm hướng đi, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ, hướng đến các thị trường mới. Thực tế trong cơ cấu doanh thu năm 2021, doanh thu trực tiếp từ Petrovietnam và các đơn vị thành viên chỉ còn chiếm khoảng 26% tổng doanh thu của PTSC. Như vậy, PTSC phải dựa rất nhiều vào các công trình, dự án, những công việc ở ngoài nước, ngoài ngành để nâng cao doanh thu, lợi nhuận. Những dự án ngoài ngành, những dự án ở nước ngoài cũng là các hướng đi mới của chúng tôi thời gian qua.
Tuy vậy, để tận dụng tối đa thị trường trong nước bên cạnh việc tiếp tục vươn ra thị trường nước ngoài, bằng cách kết hợp nhiều loại hình dịch vụ để phát huy chuỗi giá trị cũng như chuỗi dịch vụ của PTSC, chúng tôi cần thiết phải tiếp tục “mở lối” ngay lúc này. Và tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi dịch vụ mà PTSC là đơn vị trong nước đã tiên phong tham gia. Việc hoàn thiện chuỗi dịch vụ này sẽ giúp cho PTSC phát huy được thế mạnh vốn có, hướng tới thị trường tương lai rộng lớn hơn. PTSC phát huy được thế mạnh là một tổng thầu hàng đầu đã thực hiện rất thành công nhiều dự án ngoài khơi với chất lượng cao.
Giàn Sao Vàng - CPP |
Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PTSC. Chúng tôi may mắn được Petrovietnam ủng hộ, phù hợp với định hướng của Petrovietnam trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.
Mặc dù vậy, trước khi thực sự tham gia vào lĩnh vực này, PTSC đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng từ lâu. Cụ thể, PTSC đã triển khai nhiều dịch vụ, tham gia nhiều công việc liên quan đến điện gió ngoài khơi, từ khâu đầu như khảo sát địa chất, thủy văn, hải dương cho đến các công đoạn phát triển và vận hành dự án, như thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt các cấu kiện, vận chuyển nhân sự vận hành, bảo dưỡng các công trình. PTSC đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển thiết bị, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm…
Do đó, PTSC tự tin có nền tảng, nguồn lực, phương tiện, đội ngũ lao động dày dạn, đã “chinh chiến”, thực hiện thành công, có chất lượng cao nhiều dự án ngoài biển. Việc tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp PTSC phát huy được thế mạnh về năng lực, kinh nghiệm của mình để mở rộng phạm vi hoạt động, hướng tới những thị trường lớn hơn.
Như vậy, PTSC hiện là đơn vị duy nhất trong Petrovietnam có đầy đủ chức năng, năng lực, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Về tiềm năng, với chiều dài bờ biển hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực. Đặc biệt, theo nghiên cứu của Tổ chức BVG do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ, một số khu vực có tốc độ gió lên đến 7m/s, tương đương với tốc độ gió trung bình tại Hà Lan, nơi nổi tiếng về lĩnh vực điện gió. Chúng tôi tin rằng, năng lượng tái tạo sẽ là tương lai của các ngành dịch vụ năng lượng, ngành Dầu khí Việt Nam, cũng là tương lai của PTSC.
Chúng tôi tin rằng, từ những cơ hội, thị trường mới, các sản phẩm, dịch vụ mới sẽ giúp cho PTSC tiếp tục phát triển và phát triển bền vững trong thời gian tới.
PetroTimes: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thuận Thiên