Chuyên gia Mỹ nêu điều kiện quan trọng để Omicron chấm dứt đại dịch
Biến chủng Omicron được kỳ vọng là tín hiệu cho thấy thế giới sắp thoát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng.
Nhiều chuyên gia dự đoán, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2020 (Ảnh: USNews). |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chương trình nghị sự Davos của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 17/1, Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Mỹ, chuyên gia dịch tễ Anthony Fauci, nói rằng còn quá sớm để nói liệu làn sóng lây nhiễm Omicron có phải là làn sóng Covid-19 cuối cùng hay không, liệu đà lây lan nhanh chóng của biến chủng này có giúp biến Covid-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu.
Hơn hai tháng kể từ khi được phát hiện lần đầu tại châu Phi, biến chủng Omicron đang cho thấy khả năng trội hơn nhiều so với các chủng trước kia của SARS-CoV-2, nhưng gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Điều này làm dấy lên hy vọng đại dịch Covid-19 sắp chấm dứt , hay ít nhất thế giới có thể sống chung với nó như một bệnh đặc hữu - bệnh lây lan liên tục trong cộng đồng nhưng không gây mối đe dọa đáng kể, không làm gián đoạn đời sống kinh tế, xã hội.
"Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta không phải đối mặt với một biến chủng khác có thể né được phản ứng miễn dịch của biến chủng trước đó", ông Fauci nói.
Chuyên gia này cho biết thêm: "Chúng ta may mắn là Omicron không có các đặc điểm giống như Delta, nhưng khi có quá nhiều người nhiễm bệnh, đó sẽ là một vấn đề đáng lo ngại. Câu hỏi hiện nay là liệu Omicron có trở thành vaccine sống giống như những gì nhân loại đang hy vọng hay không, bởi nhiều khả năng sẽ có thêm các biến chủng mới".
Annelies Wilder-Smith, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Dược Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, cũng nhận định: "Còn quá sớm để gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu bởi chúng ta có thể sẽ đối mặt với biến chủng mới. Theo chuyên gia này, biến chủng mới có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước, nhưng thế giới vẫn cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cảnh báo, Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước, nhưng coi Omicron là biến chủng nhẹ là một sai lầm lớn. "Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn nhưng cho rằng nó chỉ gây bệnh nhẹ là sai lầm. Chớ nhầm lẫn. Omicron vẫn dẫn đến nhập viện và tử vong, ngay cả ca bệnh ít nghiêm trọng cũng đang khiến các cơ sở y tế quá tải", ông Tedros nhấn mạnh lại hôm 18/1.
Ông cho rằng, các dấu hiệu cho thấy, Omicron đã đạt đỉnh ở một số quốc gia và mang lại hy vọng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua, song "chưa quốc gia nào thoát khỏi mối đe dọa".
Ông nhấn mạnh, các vaccine hiện thời vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19 mặc dù kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Omicron. Để ngăn chặn biến chủng mới xuất hiện, các hãng dược đang nỗ lực phát triển các vaccine thế hệ tiếp theo, trong đó có vaccine dành riêng cho Omicron.
Theo Dân trí