Người Sài Gòn hào hiệp
Tình người là vô giá, thế nhưng người nông dân, ngành nông nghiệp Việt sẽ khó mà phát triển bền vững nếu vẫn mãi dựa trên sự hào hiệp của các "Mạnh Thường Quân", vẫn mãi trông chờ vào "giải cứu"…
Phóng viên Hải Long của Dân Trí ngày 14/1 đã có những bức ảnh chân thực và đầy cảm động về hoạt động "giải cứu" quả thanh long đang diễn ra ở TPHCM.
Hoạt động này được thực hiện bởi một số người dân tại TPHCM. Họ về tận ruộng của người dân ở miền Tây để mua trợ giá và vận chuyển hàng chục tấn thanh long lên TPHCM bán giúp nông dân.
Mức giá người dân bán thanh long tại vườn được cho biết là đã xuống tới 500 đồng/kg tuy nhiên, các "Mạnh Thường Quân" này đã trả 3.500 đồng/kg, mang lên TPHCM bán, tặng miễn phí cho người dân hoặc tặng lại cho các bếp cơm từ thiện để phát miễn phí.
Cảnh tượng người dân lao động ở TPHCM xếp hàng để nhận cơm và thanh long từ thiện khiến người đọc, người xem không khỏi rưng rưng, cảm động. Một bên là giải cứu "dư cung", một bên là hỗ trợ người thiếu thốn.
Bức tranh xã hội thời Covid với hai mảng màu tưởng chừng như đối lập, nhưng lại cũng chân thực đến xót xa, bởi rằng, không phải không có nhu cầu với lương thực, thực phẩm, mà có một bộ phận người dân thu nhập đi xuống, công việc ngưng trệ vì dịch bệnh, nên sức mua với trái cây, đặc sản cũng trở nên… xa xỉ hơn.
Dẫu vậy, đến cuối cùng, điều đọng lại trong chúng ta vẫn là tình người nồng ấm, là sự hào hiệp luôn thường trực của những người dân TPHCM - những người Sài Gòn - trong khó khăn, nghịch cảnh luôn đứng ra hỗ trợ, chăm lo cho người yếu thế với tinh thần hào hiệp và trượng nghĩa.
Dù trước đến nay, người viết chưa từng mong rằng hoạt động "giải cứu" như thế này diễn ra thường xuyên mang tính… thường niên, thì đây có lẽ cũng là cách duy nhất để "cấp cứu" giúp người nông dân bớt khổ. Vì đã là "hoạt động thường niên" thì vấn đề đầu ra cho nông sản dẫu được bàn đi bàn lại nhiều vẫn có vẻ như vẫn rơi vào… bế tắc.
Bây giờ, chúng ta không cố tìm ra ai sai ai đúng, không cố gắng đổ lỗi nữa, vì ngẫm lại dẫu có "bức xúc nhưng không làm ta vô can".
Hồi tháng 9/2021, khi báo chí dẫn thông tin từ thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thanh long Việt Nam được bán tại siêu thị với giá 4,9 đô la Úc/quả (tương đương khoảng 81.000 đồng), tôi có phần sửng sốt nhưng thấy mừng cho nông sản nước nhà. Tại Hà Lan, mua thanh long không dễ. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng/một quả 400g. Sở dĩ có mức giá cao như vậy là do chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác.
Thế nhưng, sản lượng thanh long Việt xuất sang những thị trường như thế này được bao nhiêu, chiếm bao nhiêu % tỉ trọng xuất khẩu, bao nhiêu % tỉ trọng thu hoạch hàng năm?
Thanh long và nhiều loại nông sản Việt vẫn dựa vào thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó, dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện "zero Covid" (không có covid).
Dù không là "zero Covid" thì tôi nghĩ cũng sẽ có những lý do khách quan khác gây ra tắc biên hay nông sản "ế". Bởi sự kiện ùn ứ nông sản năm nay đã có tiền lệ. Phụ thuộc vào một thị trường rõ ràng là rủi ro rất cao. Mà đáng buồn là "phía ta" lại chỉ thích xuất theo đường tiểu ngạch! Vậy, lỗi này đổ cho ai được ?!
Người Sài Gòn hào hiệp, nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn luôn có những nhà hảo tâm sẵn lòng ra tay ứng cứu. Nhưng những cuộc "giải cứu" đó dẫu rất đáng trân trọng, rất đáng quý và thấm đẫm tình người, nhân văn song không thể là phao cứu sinh cho người nông dân hay nền nông nghiệp!
Theo Dân trí