Đại biểu Quốc hội:
"Không chấp nhận bội chi, đi vay đầu tư cho mục tiêu chưa cấp bách"
Bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng cần trả lời là với hơn 346.000 tỷ đồng thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì?
Tung hơn 346.000 tỷ đồng được gì?
Sáng 7/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu ý kiến về gói hỗ trợ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng đề án cần cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn. Bà Mai nhấn mạnh cần có hiệu quả, cam kết sản phẩm đầu ra của đề án.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, vấn đề cốt lõi đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỷ đồng thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì? (Ảnh: Quốc Chính). |
Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. Theo đại biểu Mai, đây cũng là chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và cũng là yêu cầu bắt buộc trong phân bổ, chi tiêu ngân sách.
Bà Mai cho biết, mục tiêu cốt yếu của gói phục hồi này là chấp nhận bội chi, đi vay để sau thời hạn nhất định thu hồi được chi phí lớn hơn. Vì thế, vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?
Với mục tiêu như vậy đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra. Tuy nhiên, điểm này bà Mai nhận thấy chưa được cụ thể hóa trong đề án, dù dự thảo Nghị quyết đã có 3 mục tiêu khái quát: tăng trưởng GDP 6,5-7%; phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
"Nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Vì thế, cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng đều có thể tính toán được", bà Mai nói.
Về tiêu chí đầu tư nguồn lực, đại biểu Mai cho biết có một nguyên tắc quan trọng là nguồn lực phân bổ phải trên nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Lần này sẽ phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho các mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu phân bổ trực tiếp, gián tiếp như thuế, hỗ trợ lãi suất… Nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể về đầu tư nguồn lực.
Về danh mục dự án, bà Mai cho biết ý kiến cho rằng danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bà Mai lại cho rằng chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng, nên trên cơ sở này cần rà soát lại.
"Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách", bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Cuối cùng, bà Mai kiến nghị bổ sung thêm về đối tượng áp dụng chính sách; thời hạn hoàn thành; quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc; bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra với nội dung nghị quyết.
"Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng việc khó khăn là thử thách đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau; cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả", bà Mai nhấn mạnh.
Huy động nguồn lực - vay trong nước nên là chính
Thảo luận về gói hỗ trợ, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng cho biết, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến gần 350.000 tỷ đồng. Đại biểu cho biết đồng tình với phương án huy động vốn nhưng cũng cần làm rõ huy động trong nước là bao nhiêu, vay nước ngoài là bao nhiêu.
Theo quan điểm của ông Hải, vay trong nước nên là chính. Bởi vay nước ngoài với những điều kiện ràng buộc không hề dễ dàng.
Đại biểu cũng đề nghị với mục tiêu nâng cao năng lực y tế trong gói hỗ trợ nhưng cũng cần có trọng tâm trọng điểm, quan tâm đến nguồn lực con người. Hiện theo đại biểu có một bộ phận yếu về chuyên môn, người dân ít đến khám, do vậy việc đầu tư vào chất lượng là hướng đi cần thiết.
Về nâng cao cơ sở vật chất, đại biểu đồng tình nhưng cũng lưu ý cần có trọng tâm trọng điểm, cần rà soát những xã đặc biệt khó khăn để đầu tư trước. Đồng thời cần ưu tiên tập trung để đầu tư trang thiết bị, bệnh viện tuyến huyện.
Với nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với gói gần 40.000 tỷ đồng, đại biểu Hải cho biết đây là gói rất quan trọng để hỗ trợ cho họ phục hồi phát triển sản xuất. Song ông Hải cũng nhấn mạnh đến việc cần có trọng tâm trọng điểm. Hỗ trợ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn, việc làm… Đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Mặc dù đề nghị nên triển khai theo hướng thông thoáng song đại biểu Hải cũng lưu ý việc kiểm soát chặt dòng tiền. Bởi vay tiền nhưng không dùng để sản xuất mà đem đi đầu tư tài chính, bất động sản là "rất nguy hiểm".
Khẳng định ban hành gói chính sách là cần thiết, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng miễn giảm thuế là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng, doanh nghiệp nào, hay tất cả doanh nghiệp, có doanh nghiệp FDI hay không. Theo đó, ông đề nghị cần tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh…
Với việc hỗ trợ lãi suất, đại biểu cho rằng, cần tập trung ngành nghề có sức lan tỏa cao, lao động nhiều, cải tạo xây dựng nhà chung cư cũ nhưng quy định rõ điều kiện, đối tượng, tránh trục lợi chính sách, thủ tục rườm rà.
Nêu quan điểm trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh tới việc chú trọng công tác thanh kiểm tra khi triển khai Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Còn đại biểu Nguyễn Thu Dung - đoàn đại biểu Thái Bình thì lưu ý việc tính đến năng lực hấp thụ, kiểm soát rủi ro. Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ để tập trung nguồn kinh phí cho những dự án có khả năng hấp thụ cao.
Theo Dân trí