Điện gió chậm tiến độ vì dịch Covid-19: Cần chính sách phù hợp với thực tiễn
(PetroTimes) - Trong vài ba năm trở lại đây, cùng với Nghị quyết 55-NQ/TW và các cơ chế khuyến khích về điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 đã tạo động lực cho doanh trong và ngoài nước phát triển nguồn điện gió. Thế nhưng chưa kịp vui thì các nhà đầu tư lại phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro từ dịch bệnh và chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.
Lý do bất khả kháng
Hưởng ứng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, thời gian qua, các doanh nghiệp đã dồn nguồn lực, nhân lực để thực hiện hóa quy hoạch điện VII, thực hiện đầu tư với tổng công suất đăng ký lên tới hàng chục nghìn MW. Tính đến hết tháng 10/2021, nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời, điện gió) đã đạt trên 16.000 MW, chiếm tới hơn 20% công suất và khoảng 8-10% sản lượng điện toàn quốc, góp phần quan trọng trong việc bù đắp nguồn điện thiếu hụt do các dự án nhiệt điện chậm tiến độ; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tạo ra hàng nghìn việc làm; tăng thu ngân sách cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhiều lợi ích khác.
Cánh quạt được nhập về cảnh |
Với quyết tâm, bằng nỗ lực vượt qua khó khăn, bất trắc khó lường của dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp đã đầu tư, ký kết hợp đồng thực hiện các dự án điện gió với tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Tuy nhiên với sự căng thẳng, leo thang của dịch bệnh trên diện rộng toàn cầu. Các quốc gia, vùng lãnh thổ căng mình chống dịch chấp nhận thiệt hại kinh tế để giữ ổn định xã hội, tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Do đó, mọi hoạt động kinh tế, các chuỗi cung ứng, các kế hoạch công tác đều bị đứt gẫy.
Công tác thi công tại hàng chục nhà máy điện gió bị ngưng trệ, không có công nhân đi làm, chuyên gia không sang được Việt Nam, thiết bị về đến cảng cũng không được vào nhận, vận chuyển đến công trường. Vì điều này mà hàng chục dự án điện gió đã không kịp hoàn thành công nhận vận hành thương mại (COD) trước thời hạn 1/11/2021 để được hưởng giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam (Quyết định 39).
Đại diện Tập đoàn Trung Nam cho rằng, các doanh nghiệp điện gió phát triển dự án đúng vào cao điểm của dịch bệnh, song phải tuân thủ luật pháp và quy định của các địa phương về phòng dịch, do đó ảnh hưởng đến tiến độ.
Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan quản lý mới đây, ông Đặng Mạnh Cường – Tổng Giám đốc công ty CP điện gió Hưng Hải Gia Lai cho biết, đến ngày 31/10/2021, Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 25/25 Trụ Tuabin; Hoàn thành toàn bộ đường dây và Trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia; Đang thực hiện thử nghiệm kỹ thuật toàn bộ và vận hành thương mại (COD) các trụ Tuabin. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Vì lý do bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng nhưng chỉ 1/25 Trụ (4% công suất) điện gió của Công ty được công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021, 24 Trụ (96%) còn lại đã hoàn thành nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió.
Sở dĩ, việc chậm hoàn thành các thủ tục để được công nhận COD là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới và một số nguyên nhân khách quan khác. Đơn cử như vào tháng 3/2021, tàu container Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez ở Ai Cập đã làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển toàn cầu, trong đó có thiết bị điện gió về Việt Nam.
Mặc dù đã chủ đầu tư đã cố gắng thu xếp để hàng về cảng Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) vào tháng 5/2021 nhưng ngay sau đó, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nên đến tháng 9/2021, thiết bị mới ra được khỏi cảng. Quá trình vận chuyển thiết bị từ Tp. Hồ Chí Minh đi Gia Lai, cũng như huy động nhân lực thi công, lắp đặt cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Chính vì vậy, nhà máy điện gió Hưng Hải không thể kịp hoàn thành COD 100% công suất trước ngày 31/10/2021 để được hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39, dẫn đến nhiều doanh nghiệp “ngắc ngoải”, thậm chí nguy cơ phá sản vì các chi phí phát sinh như giá cước vận tải tăng, phí lưu kho, bãi tăng, các chi phí cách ly, 3 tại chỗ, xét nghiệm cho lực lượng nhân sự tăng và nhiều khoản chi phí khác.
Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, nếu không gia hạn giá FIT theo quyết định 39, khoảng 50% các dự án điện không đáp ứng được điều kiện để hòa lưới, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản vì không có nguồn thu, không có tiền trả ngân hàng và các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện nhà máy Điện gió Sunpro Bến Tre và nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Điện gió Hoà Đông 2, Công ty Điện gió Lạc Hoà 2 ở Sóc Trăng cho biết, đầu tư vào dự án cả nghìn tỷ đồng, giờ tiền nằm chết ở đó. Các nhà đầu tư điện gió chân chính đối mặt nguy cơ phá sản nếu không được Chính phủ ban hành chính sách hợp lý, kịp thời.
Theo ông Mark Hutchinson, Trưởng nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Điện gió toàn cầu, nếu những dự án điện gió này đổ bể, thị trường điện gió ở Việt Nam có thể bị giáng một đòn mạnh và sẽ mất nhiều năm để phục hồi.
Nhà máy điện gió Hanbaram tại Ninh Thuận |
Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù?
Khi cả thế giới đang dốc lực trong cuộc đua phát triển điện gió thì COVID-19 ập đến và làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều dự án khó về đích đúng hẹn. Trước tình thế trên, các nước trên thế giới cũng có những chính sách "giải cứu" doanh nghiệp đầu tư điện gió.
Đơn cử như tại Đức, vào tháng 5/2020, Chính phủ nước này thông qua Đạo luật Bảo vệ Quy hoạch, theo đó các dự án năng lượng tái tạo có hạn COD trước hoặc vào ngày 30/6/2020 được hưởng gia hạn thêm 6 tháng. Hay tại Mỹ, tháng 5/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn kéo dài thời hạn hưởng tín dụng thuế cho các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời. Theo đó, những dự án điện gió trên bờ khởi công năm 2016 và 2017 sẽ có 5 năm, thay vì 4 năm như trước, để hoàn thành dự án và nhận ưu đãi từ chính sách tín dụng thuế sản xuất.
Tại Việt Nam, nhận rõ nguy cơ tác động của dịch bệnh, ngay từ tháng 7/2021, nhiều doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội, tổ chức chuyên nghành năng lượng gửi kiến nghị đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Quốc hội, các Ban, Bộ ngành trung ương xem xét gia hạn thời gian hưởng giá FIT theo Quyết định 39 thêm từ 3 đến 6 tháng.
Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho rằng, Covid-19 là lý do khách quan. Việc gia hạn thêm 3 – 6 tháng cho các chủ đầu tư sẽ hợp tình hợp lý và đảm bảo tính công bằng để những dự án làm thật có thời gian cố gắng.
Trước đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có chỉ đạo và giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền.
Vào tháng 11/2021, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát Quyết định 39 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giải quyết kiến nghị của Ninh Thuận theo quy định của pháp luật và sát với yêu cầu thực tế.
Liên quan đến vấn đề trên, cuối tháng 9/2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã nêu quan điểm, sẽ không đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 mà sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), dựa trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy để xác định giá mua điện đối với những dự án không thể cán đích. Định hướng là vậy, nhưng đã quá 2 tháng từ khi Quyết định 39 hết hạn vẫn chưa có văn bản chính thức và cũng chưa biết đến bao giờ mới có, khiến các nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Một số nguồn tin cho biết, các cơ quan quản lý dự kiến sẽ đưa ra giá mua điện từ các nhà máy điện gió từ sau ngày 31/10/2021 giảm khoảng 12-17% so với giá FIT tại Quyết định 39. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho rằng, với giá giảm này thì gần 40 dự án triển khai trong các năm vừa qua bị mất trắng lợi nhuận, cầm chắc phần lỗ.
Đại diện Tập đoàn T&T cho biết, để đầu tư dự án điện gió mất nhiều thời gian và dự toán chi phí đầu tư thường cao hơn nhiều so với thời điểm sau này vì giá thiết bị, công nghệ điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ngày càng có xu hướng giảm. Đó là chưa kể đến tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm mọi chi phí tăng lên.
Các chủ đầu tư cũng bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho mỗi dự án để đóng thuế nhập khẩu, thuế này sẽ không được hoàn lại nếu không có Giấy phép hoạt động điện lực (chỉ có sau khi có chứng nhận COD). Mặt khác, do không đạt được giá FIT, chưa có cơ chế giá quan hệ hợp đồng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu cũng thực sự là vấn đề có thể phát sinh khiếu kiện do không thể nghiệm thu, không thể thanh toán.
“Chúng tôi chỉ mong Nhà nước kéo dài thời gian 3 -6 tháng để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi gian giãn cách xã hội và các quy định phòng chống dịch của Chính phủ, địa phương” – Đại diện Tập đoàn T&T chia sẻ.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là thực tế, do đó chính sách của Nhà nước phải làm sao phù hợp với thực tiễn, đặc biệt những dự án năng lượng sạch này cũng đang góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải ròng bằng “0” theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc có một cơ chế “đặc thù” cho một ngành kinh tế trọng yếu như năng lượng cũng cần xem xét quyết định sớm. Bởi lẽ việc chậm ban hành cơ chế không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho chủ đầu tư mà còn lãng phí hàng nghìn MW điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ các loại thuế phí, nhất là các địa phương còn khó khăn, và lâu dài hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam và nhiều hệ luỵ khác.
Minh Châu