Ông Vũ Khoan: Từ việc "phá rào" vì… đói tới chuyện ngoại giao làm kinh tế
Trực tiếp chứng kiến cả sự ra đời của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp lẫn sự hình thành cơ chế mới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến giờ vẫn giữ những ký ức sinh động về 35 năm đổi mới…
Tự nhận là người "có cơ may trực tiếp chứng kiến cả sự ra đời của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp lẫn sự hình thành cơ chế mới, cả về đối nội lẫn đối ngoại ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đến giờ vẫn giữ những ký ức sinh động về 35 năm đổi mới…
PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông về những năm tháng, về hành trình dài không thể quên đó.
Phóng viên: 2021 đánh dấu 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Thời gian nửa sau thập niên 1980 tới nay cũng là trọn vẹn quá trình công tác của ông, kinh qua nhiều vị trí, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước gắn với tiến trình đổi mới. Quan sát toàn bộ quá trình đó, ông có cơ hội nhìn nhận bao quát các vấn đề?
- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đúng là thấm thoắt đã 35 năm kể từ khi Đại hội VI của Đảng họp, khởi động công cuộc đổi mới! Thời gian đã lùi xa, đến nay trong tâm trí tôi vẫn còn đọng lại những điều tai nghe mắt thấy vào thời điểm ấy.
Năm 1982 tôi từ Liên Xô về nước sau 5 năm làm việc tại Đại sứ quán nước ta ở Mátxcơva, đúng vào lúc đất nước gặp khó khăn trăm bề. Thời điểm ấy, nước ta đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng với tỷ lệ lạm phát lên tới trên 800% vào năm 1986. Sau đận đổi tiền, tôi nhớ, giá trị chiếc xe đạp vợ chồng tôi gom góp suốt mấy năm đi làm mới mua được, đem về bán đi gửi tiết kiệm để làm "lương khô" chỉ còn đủ mua nhõn… chục quả trứng gà!
Đất nước bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế. Anh chị em cán bộ ngoại giao làm việc ở Liên Hợp Quốc thời kỳ đó rất cực vì thường xuyên phải căng mình chiến đấu phản bác những luận điệu vu khống thô bạo đối với nước nhà. Cá nhân tôi không bao giờ quên cảnh thân cô thế cô tại hội nghị do Liên Hợp Quốc triệu tập ở Kuala Lumpur để tìm giải pháp cho vấn đề "thuyền nhân" Việt Nam rời quê hương ra đi và bị "tắc" lại tại các trại tị nạn ở các nước và vùng lãnh thổ lân cận.
Trong khi đó, các nước đồng minh của Việt Nam là Liên Xô - Đông Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Cuối cùng, Liên Xô đã tan rã vào tháng 12 năm 1991, tức là tròn 30 năm trước.
Trong bối cảnh như vậy, cả nước sục sôi không khí tìm đường thoát khỏi tình thế "ngàn năm treo sợi tóc" mới. Về câu chuyện đầy kịch tính này đã có nhiều bài viết. Cá nhân tôi tâm đắc nhất là các công trình của Giáo sư Đặng Phong làm việc tại Viện kinh tế và Giáo sư Đào Xuân Sâm giảng dạy tại Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Có thể hiểu thế hệ cán bộ các ông trưởng thành trước đổi mới và cũng chính là những người phải thực hiện hành trình trên con đường mới, xóa bỏ những lề lối cũ đã đi trong hàng chục năm trước đó?
- Cá nhân tôi từng có cơ may trực tiếp chứng kiến cả sự ra đời của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp lẫn sự hình thành cơ chế mới, cả về đối nội lẫn đối ngoại ở nước ta.
Số là sau hơn hai năm học tiếng Nga rồi ra làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, năm 1957 tôi về nước đúng vào lúc trong nước chuẩn bị xây dựng kế hoạch ba năm khôi phục và phát triển kinh tế. Vừa ra khỏi chiến tranh, chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh tế, nên ta đã mời các đoàn chuyên gia cao cấp của Liên Xô và Trung Quốc sang góp ý kiến xây dựng kế hoạch. Tôi là một trong số phiên dịch được huy động phục vụ sự kiện này. Các chuyên gia bạn đã đi nghiên cứu thực tế ở nhiều cơ sở và làm việc nhiều buổi với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, do Bác Hồ trực tiếp chủ trì.
Đoàn Trung Quốc tập trung giới thiệu về đề tài "cải tạo xã hội chủ nghĩa" là công việc đang được đẩy mạnh ở Trung Quốc, còn Đoàn Liên Xô chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm xây dựng cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đánh dấu sự ra đời cơ chế này ở miền Bắc nước ta.
Ngày nay nhiều người cứ "nguyền rủa" cơ chế kế hoạch hóa tập trung - bao cấp mà quên mất hoàn cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó và những hiệu quả nó đem lại cho Liên Xô và cho cả miền Bắc nước ta. Chính nhờ cơ chế này mà Liên Xô đã từng thực hiện thành công công nghiệp hóa với tốc độ thần kỳ và nhờ vậy mới đủ sức chống trả cuộc tiến công của phát-xít Đức. Cơ chế ấy cũng đã giúp miền Bắc nước ta huy động tổng lực để làm trọn nghĩa vụ hậu phương lớn vững chắc đối với công cuộc giải phóng miền Nam, chống trả cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ đánh phá miền Bắc.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bình thường, việc duy trì quá lâu cơ chế ấy thì lại triệt tiêu động lực phát triển, thậm chí đưa đất nước rơi vào khủng hoảng. Học tập và làm việc ở Liên Xô gần hai chục năm trời tôi từng chứng kiến và "tận hưởng" những đợt khủng hoảng tới mức cửa hàng trống trơn không còn gì để ăn cũng như những nỗ lực cải cách nhưng đều không thành, thậm chí gây thêm tai họa do đã sử dụng những biện pháp tập trung - quan liêu để đổi mới cơ chế tập trung - quan liêu!
Ông từng phân tích, quá trình đổi mới ở Việt Nam có đặc điểm rất khác với Liên Xô, Đông Âu khi các nước này chú trọng đổi mới chính trị còn Việt Nam đi theo quan điểm rất biện chứng "có thực mới vực được đạo", đi từ đổi mới kinh tế?
- Khác với Liên Xô và cả Trung Quốc, nơi mà công cuộc cải cách do ở trên đưa xuống, ở Việt Nam, động lực đổi mới ban đầu là do bên dưới cực chẳng đã buộc phải "phá rào" để tìm đường sống rồi bên trên nắm bắt và đưa ra quyết sách. Khác với Liên Xô - Đông Âu lao vào cải cách chính trị đưa tới náo loạn, chúng ta đã ưu tiên đổi mới kinh tế trước, đồng thời từng bước đổi mới về chính trị trên cơ sở giữ vững ổn định và định hướng của đất nước.
Sau bao nhiêu năm sống trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thật không dễ gì có ngay tư duy mới và có sự đồng thuận ngay tắp lự. Do đó, quá trình tìm đường đã phải trải qua những sự trăn trở khó khăn, tranh luận gay gắt. Lúc ấy tôi là Vụ trưởng tổng hợp kinh tế rồi Trợ lý Bộ trưởng phụ trách cả lĩnh vực kinh tế của Bộ Ngoại giao nên nhiều lần được bồi đồng ông Nguyễn Cơ Thạch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổ trưởng tổ tài chính - tiền tệ trong Ban chỉ đạo của Bộ Chính trị về chống lạm phát, tham dự một số cuộc họp của lãnh đạo. Tôi đã được chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa, thậm chí có lần phải biểu quyết bằng cách giơ tay - điều mà hầu như chưa thấy trước đó.
Trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế đối ngoại, như ông nói, công cuộc đổi mới gắn liền với yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ những ngày dè dặt "mở cửa" tới nay, ngoại giao kinh tế, theo ông, đã đem lại thay đổi đột phá gì cho đất nước?
- Như trên đã nói, nhiều công trình đã mô tả khá kỹ quá trình tìm tòi và thực hiện đổi mới về kinh tế, tôi xin không nhắc lại. Tuy nhiên vế thứ hai là "mở cửa" lại ít khi được đề cập. Để góp phần bổ sung câu chuyện này tôi xin đề cập một số khía cạnh.
Ông Nguyễn Cơ Thạch là người có công đầu trong việc chuyển hướng ngành ngoại giao sang "làm kinh tế" - điều lúc đầu chưa được nhiều người, ngay cả trong ngành và nhất là nhiều cơ quan ngoài ngành tán thành, thậm chí còn cho là lấn sân. Tuy nhiên ông Thạch vẫn kiên quyết tạo bước ngoặt về phương diện này và cá nhân tôi đã trở thành "nạn nhân" của quyết sách ấy khi bỗng được điều làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế rồi Trợ lý Bộ trưởng, cũng phụ trách cả lĩnh vực kinh tế đối ngoại.
Tại một cuộc giao ban, có cán bộ đề nghị Bộ trưởng thu xếp thời gian đi thăm nước ngoài thì ông Thạch sẵng giọng vặn lại: "Đi thì được cái gì trong khi kinh tế thì khủng hoảng, bên ngoài lại bị bao vây, cấm vận? Chẳng nhẽ quỳ gối van xin à? Muốn đi với tư thế đàng hoàng thì phải giải quyết 2 việc chính lúc này là đẩy lui siêu lạm phát, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia đã. Các đồng chí để tôi dồn sức làm hai chuyện này. Mọi việc khác đề nghị không hỏi tôi mà xin ý kiến các anh Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng".
Với nhận thức cho rằng, là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của thiên hạ để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình chứ không thể "đường ta ta cứ đi" được, ông Thạch đã tìm kiếm nhiều cuốn sách về kinh tế của nước ngoài, tiếp xúc với nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, kể cả những nhà kinh tế từng giữ chức Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn như ông Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Hảo. Ông Thạch cũng mời Tiến sỹ Vũ Quang Việt - một chuyên gia về thống kê của Liên Hợp Quốc về để giúp đổi mới hệ thống thống kê của ta. Ông cho dịch cuốn "Kinh tế học" của Samuelson để phổ cập trong nước, cử chúng tôi sang Liên Xô, Hungary và cả UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc) để tìm hiểu phương cách người ta xử lý siêu lạm phát ra sao…
Với các kiến thức ấy, ông là một trong những người hăng hái đề xuất chủ trương tăng lãi suất ngân hàng để thu hồi tiền mặt về, thực hiện cơ chế một giá theo giá thị trường, xóa bỏ cơ chế "mua như cướp, bán như cho" để vừa khuyến khích sản xuất, vừa hạn chế bao cấp để từ đó từng bước thoát khỏi tình trạng lạm phát phi mã.
Đồng thời, ông Thạch cùng một nhóm chuyên gia, trong đó có luật sư Lưu Văn Đạt ở Bộ Ngoại thương, soạn thảo Luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua năm 1987, mở đầu quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nói đến quan điểm "ngoại giao làm kinh tế", đổi mới gắn liền với hội nhập mở cửa, giờ nhìn lại thì ai cũng có thể thấy là nguyên lý đúng đắn nhưng ở thời điểm mấy chục năm trước, như ông đề cập, nhiều người không tán thành. Thành quả của một "con đường mới" mở ra, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát, đã giúp cho Việt Nam một vị thế, cơ đồ "chưa từng có" hiện nay…
- Liên quan tới những quyết sách ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch cùng một số anh em tập trung công sức xây dựng một nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị tháng 5 năm 1988 nhằm triển khai nghị quyết Đại hội VI, trong đó nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước là tranh thủ điều kiện hòa bình để phát triển kinh tế, tận dụng xu thế quốc tế hóa và cách mạng khoa học - kỹ thuật; tích cực gia tăng sự phối hợp với các bạn Lào và Campuchia; tiến hành rút quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia, thúc đẩy đàm phán khu vực về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia thông qua cơ chế Coctail Party (tiệc rượu), JIM-1, JIM-2 giữa 3 nước trên bán đảo Đông Dương với ASEAN… Sau này 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nắm lấy câu chuyện này để "mặc cả" với nhau! Bản Nghị quyết nói trên đã nêu lên chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước phát triển khác cũng như với ASEAN… Những câu chuyện này cũng rất ly kỳ hồi hộp; tiếc rằng khuôn khổ cuộc trao đổi này không cho phép chia sẻ cùng bạn đọc được.
Có thể nói, những nội dung của nghị quyết đã đặt nền móng đầu tiên cho đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới với nhiều điểm bổ sung, chỉnh sửa qua các Đại hội tiếp sau cũng như các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan tới đối ngoại suốt mấy chục năm qua.
Kết quả ra sao thì mọi người đều biết và cũng đã được nêu rõ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về đối ngoại gần đây.
Năm năm trước, nói về tiến trình 30 năm đổi mới, ông bày tỏ mong muốn việc đổi mới đi theo hướng ưu tiên về đổi mới tổ chức, xây dựng Đảng. Có chuyên gia thì đề cập, mốc thời điểm 35 năm này, đã đến lúc tiến hành "công cuộc đổi mới lần 2". Ý kiến của ông về việc này?
- Có người muốn phát động "công cuộc đổi mới lần 2" song cá nhân tôi nghĩ cuộc sống biến đổi không ngừng, có những chuyện hôm qua là mới, hôm nay đã không còn phù hợp. Đổi mới, sáng tạo phải là yêu cầu thường xuyên, không ngừng nghỉ.
Các thế hệ trước đã có công thực hiện 4 bước nhảy vọt mang tính lịch sử ở nước ta trong 75 năm qua: từ thuộc địa trở thành nước độc lập, tự do; từ một nước bị chia cắt và giành thắng lợi trong 4 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nối tiếp nhau và thu giang sơn về một mối và tranh thủ hòa bình cho đất nước; từ một nước nghèo nàn, lạc hậu nay Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình tính theo đầu người; từ một nước bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế trở thành một nước hội nhập sâu rộng với thế giới và luôn thể hiện vai trò một thành viên tích cực, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế.
Thế hệ ngày nay và sắp tới sẽ gánh vác sứ mạng xây dựng nước ta thành một nước phát triển sánh vai cùng bè bạn 5 châu như Bác Hồ hằng mong đợi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phương Thảo - Thế Kha (thực hiện)
Ảnh: Mạnh Quân - Ngọc Thắng - Đinh Trọng Hải - TTXVN, Getty, Sputnik
Thiết kế: Khương Hiền
Dân trí
Người được chọn cho sứ mệnh mở đường đặc biệt của Chính phủ Việt Nam |
Con trai cố TBT Lê Duẩn kể chuyện suýt bị khai trừ Đảng vì đi làm kinh tế tư nhân sau đổi mới |