Con trai cố TBT Lê Duẩn kể chuyện suýt bị khai trừ Đảng vì đi làm kinh tế tư nhân sau đổi mới
Năm đó, khi Đảng ủy TPHCM muốn đưa tôi ra khỏi Đảng, tôi đã đứng trước bàn thờ ba mình và nói: "Thưa ba, nếu TPHCM không cho con làm Đảng viên, con sẽ xin chuyển sinh hoạt Đảng về Cà Mau, về Cần Thơ, về Tây Ninh… bất cứ nơi nào cho phép con vừa làm Đảng viên vừa làm kinh tế. Chừng nào không còn nơi đâu trên đất nước này cho con làm Đảng viên thì lúc đó con mới ra khỏi Đảng".
Lê Kiên Thành có thể không phải một doanh nhân quá thành công nếu so với những doanh nhân thế hệ ông, nhưng ông là một trong vài người con của các nhà lãnh đạo Đảng đã mạnh dạn đi làm kinh tế tư nhân sau Đổi Mới và đấu tranh đến cùng cho quyền được đi làm kinh tế tư nhân của Đảng viên. Cũng bởi thế mà ông trở thành cái tên không thể không nhắc tới khi nói đến thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên sau Đổi Mới.
Ba tôi mất vào năm 1986, trước Đại hội Đổi Mới chỉ một thời gian ngắn. Khi ông mất, người ta đồn ông để lại cho con cái 15 tấn vàng. Bao nhiêu năm sau này, mỗi lần ai đó nhắc lại tin đồn đó, tôi chỉ cười.
Những năm 80, có lần ba tôi được tiêu chuẩn mua một cái xe máy. Ông về hỏi anh rể tôi (GS Hồ Ngọc Đại - PV): "Đại có tiền mua xe thì ba cho cái phiếu này. Chứ ba không có". Ngày ba tôi mất, ông dặn dò: "Ba chết chẳng có tiền để lại cho các con, chỉ để lại cho các con cái danh là con ba".
Động lực khiến tôi trở thành doanh nhân là vì nghèo!
Khi còn ở bộ đội, mỗi năm tôi nhận được hai bộ quân phục mới. Để có tiền mua sữa cho con, tôi thường chỉ giữ lại một bộ, một bộ sẽ đem ra đầu phố Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn) bán. Sau khi tốt nghiệp Phó Tiến sĩ ở Liên Xô, tôi trở về nước làm ở phòng Vật lý Ứng dụng của Viện Khoa học Việt Nam, lương tháng được 60 nghìn đồng. Phòng Vật lý Ứng dụng của chúng tôi năm đó có một cái bàn uống nước cũ, một bộ ấm chén sứt sẹo, để mỗi ngày cán bộ trong phòng (toàn Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ) đến ngồi uống nước rồi nhìn nhau. Nếu ai tham gia vào nhóm làm ngoài giờ ép dầu bưởi để bán thì sẽ kiếm thêm được 20 nghìn nữa.
Tôi biết tôi nghèo khi sau bao năm ăn học khắp Đông - Tây, tôi không nuôi được chính mình chứ đừng nói đến việc nuôi vợ con. Tôi biết tôi nghèo khi có lần đi ăn sáng với người bạn cũ làm thủy thủ tàu viễn dương, thấy một bữa sáng họ ăn bằng tiền sinh hoạt của cả gia đình tôi một ngày. Vì nghèo, nên tôi sẽ đếm mỗi lần đổ xăng trong tháng và luôn cảm thấy xăng xe hết quá nhanh. Một ông bán hàng tạp hóa ngoài chợ, không cần học hành cũng có thể kiếm nhiều tiền hơn tôi.
Cho nên cuối năm 1989, đầu năm 1990, khi Nhà nước có chính sách cho phép mở các công ty đời sống trong các Viện Nghiên cứu, nhóm chúng tôi lập ra công ty TMC (nằm trong Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), trở thành viên chức loại B: Chúng tôi mượn trụ sở của Viện để làm văn phòng, nhưng đồng ý không nhận lương nữa, để số tiền đó lại cải thiện đời sống cho anh em trong Viện. Lúc đó, vợ tôi cho tôi thời hạn 2 năm. Cô ấy nói: "Nếu 2 năm mà không làm được gì, anh hãy an phận làm khoa học".
Khi thành lập công ty đời sống trực thuộc Viện, tôi có lên gặp ông Hồ Sỹ Thoảng - Viện trưởng: "Gọi là công ty cho oai, chứ ngoài con dấu ra, tụi em có gì đâu" - tôi nói. Và ông ấy trả lời: "Vốn Nhà nước cho các cậu chính là nằm trong đầu cậu. Đó là tiền Nhà nước đầu tư cho các cậu ăn học bao năm qua".
Công việc đầu tiên mang lại tiền cho chúng tôi là tổ chức cho người đi du học Liên Xô. Dù chìm trong khủng hoảng thì nền giáo dục của Liên Xô trước và sau đó vẫn được công nhận là một trong vài nền giáo dục tốt nhất thế giới - cái nôi của nhiều danh nhân nhân loại.
Những năm đó, Liên Xô rất thiếu ngoại tệ. Chúng tôi ký được với các trường Đại học với mức phí 200 USD/năm/du học sinh, bao gồm tiền học, tiền phụ cấp, tiền ăn. Ở Việt Nam, chúng tôi thu của ứng viên đăng ký 500 USD/người và có trách nhiệm tổ chức, đưa đón, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ khi đến Liên Xô học. Năm đầu tiên, có 20 người đăng ký. Sau khi trích lại cho các trường 4.000 USD, chúng tôi còn 6.000 USD. Những năm sau, mỗi năm có 30 - 40 người đăng ký. Đó là những đồng tiền đầu tiên và vô cùng giá trị, giúp chúng tôi khởi nghiệp.
Sau này, khi Nhà nước có những chính sách mới, công ty của chúng tôi tách ra khỏi Viện Khoa học Công nghệ, trở thành công ty TNHH, đổi tên thành công ty Thiên Minh. Chúng tôi làm nhiều nghề, kinh doanh đủ thứ. Đầu tiên là tư vấn du học, sau đó là buôn bán các thiết bị máy bay lưỡng dụng, đưa các công nghệ công nghiệp nặng vào Việt Nam, sản xuất mì tôm, rồi trở thành Chủ tịch của Ngân hàng Techcombank trong một thời gian dài sau Chủ tịch đầu tiên là anh Hoàng Quang Vinh.
Đầu những năm 1992-1993, sau khi Liên Xô tan rã, hai nước không còn liên hệ với nhau, nhưng tôi vẫn duy trì được rất nhiều mối quan hệ ở nước Nga từ bạn bè cũ của mình. Lúc đó, Không quân Việt Nam vốn sử dụng 100% máy bay do Liên Xô sản xuất, rơi vào cảnh thiếu thốn phụ tùng thay thế như lốp máy bay, hay bơm xăng cho động cơ. Tôi lại có nguồn mua các loại lốp máy bay và bơm xăng lưỡng dụng đã qua sử dụng (dùng được cho cả máy bay dân dụng và máy bay quân sự). Một lốp máy bay nếu nước Nga chào hàng qua con đường chính thống là 200 USD. Nhưng chúng tôi có thể tìm kiếm những loại tương tự với giá 10 USD. Khi mang về tới Việt Nam, chúng tôi bán cho Không quân Việt Nam với giá 20 USD.
Thực ra lúc mới bắt đầu đi làm kinh tế tư nhân, tôi chỉ ao ước kiếm đủ tiền nuôi gia đình. Mỗi khi trong tài khoản công ty có 100 triệu, đủ tiền để duy trì vài tháng trả lương cho anh em là đã đủ khiến tôi hạnh phúc. Vài năm sau, có một ngày, khi tôi đi đổ xăng mà ngẩn người không nhớ ra lần cuối mình đổ xăng là khi nào, đó là lúc tôi biết mình đã hết nghèo.
Tôi có lẽ là một trong vài người đầu tiên thuộc thế hệ con cái lãnh đạo Đảng đi làm kinh tế tư nhân. Công ty của chúng tôi ngày đó còn có Nguyễn Duy Tộ (con trai Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh) và Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Mặc dù sau Đổi Mới, Nhà nước đã cho phép xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích tư nhân làm kinh tế để thúc đẩy kinh tế thị trường, nhưng định kiến dành cho Đảng viên đi làm kinh tế tư nhân, nhất là những Đảng viên "đặc biệt" như chúng tôi, thì không dễ thay đổi.
Giữa những năm 1990, Đảng Bộ TPHCM ra chỉ thị cấm Đảng viên làm Kinh tế tư nhân. Dù là con trai cố TBT Lê Duẩn, tôi vẫn nằm trong danh sách những Đảng viên bị buộc phải ra khỏi Đảng. Lúc biết tin đó, đứng trước bàn thờ ba mình, tôi đã hứa: "Thưa ba, nếu TPHCM không cho con làm Đảng viên, thì con sẽ xin chuyển sinh hoạt Đảng về Cà Mau, về Cần Thơ, về Tây Ninh… bất cứ nơi nào cho phép con vừa làm Đảng viên vừa làm kinh tế. Chừng nào không còn nơi đâu trên đất nước này cho con làm Đảng viên, thì thưa ba, đến lúc đó con mới ra khỏi Đảng".
Nhưng sau đó, không hiểu sao có người lại nói với chú Đỗ Mười (khi ấy là Tổng Bí thư) rằng tôi viết đơn xin ra khỏi Đảng. Ông gọi tôi ra Hà Nội, gặp ông ở ngôi nhà số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Buổi chiều hôm đó, câu đầu tiên ông hỏi tôi là: "Thành, tại sao cháu lại xin ra khỏi Đảng?". Tôi đáp: "Thưa chú, giống như ba cháu, cháu cũng là một người Cộng sản. Cháu không xin ra khỏi Đảng và cũng chưa bao giờ có ý định đó. Thực ra là ngược lại, người ta đưa cháu vào danh sách những Đảng viên phải ra khỏi Đảng vì cháu lựa chọn đi làm kinh tế tư nhân".
Thành ủy quy định Đảng viên không được đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân có quá 13 người. Đảng viên cũng không được tham gia quá 30% cổ phần của công ty đó. Tôi rơi vào cả hai trường hợp đó.
Tôi đã chia sẻ những điều tôi trăn trở với chú Đỗ Mười: "Nếu mà bóc lột, thì bóc lột một người cũng là xấu. Mong chú cho cháu biết, tại sao người ta lại cho rằng bóc lột 13 người thì được? Và tại sao bóc lột 13 người thì lại ít xấu hơn bóc lột 14 người? Công ty cháu thực hiện mọi quy định về bảo hiểm, về lương cơ bản, về giờ làm theo Luật Lao động. Công ty Nhà nước cũng chỉ thế mà thôi. Thậm chí, ở công ty cháu, cùng một công việc, người lao động sẽ được trả gấp đôi so với công ty Nhà nước. Thế thì tại sao Đảng lại cho rằng cháu đang bóc lột người lao động của mình? Những lý lẽ này không thuyết phục được cháu"!
Sau cuộc gặp đó, chú Đỗ Mười chỉ đạo cho lãnh đạo Thành ủy TPHCM gặp tôi. Trở về TPHCM, tôi có thêm một cuộc trò chuyện rất lâu với chú Sáu Phong (Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết). Và tôi lại một lần nữa chia sẻ với ông Sáu Phong những quan điểm của tôi về chuyện Đảng viên đi làm kinh tế tư nhân.
Tôi nhớ chú Sáu Phong đã rất chăm chú lắng nghe tôi nói suốt buổi hôm đó. Lúc tiễn tôi ra về, ông nói rất chân thành:
- Cậu cứ yên tâm đi làm kinh tế tư nhân. Nếu như còn có ai ép cậu ra khỏi Đảng thì khi đó tôi sẽ ra khỏi Đảng cùng cậu!
Cuối cùng, sau tất cả những chuyện đó, tôi vẫn là Đảng viên và vẫn là doanh nhân!
Khi tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền và có thể thực sự coi là doanh nhân, có chú bảo vệ cũ từng theo ba tôi nhiều chục năm đã trách móc tôi: "Cháu làm gì thì làm, đừng để cha viết sách mà con đốt sách". Tôi nghe, thấy buồn, nhưng không giận, vì hiểu sâu thẳm trong lòng ông ấy yêu thương và tôn kính ba tôi. Cũng có rất nhiều người hỏi tôi, rằng liệu tôi có đang phản bội lại sự nghiệp mà ba tôi theo đuổi?
Thật ra tôi không bao giờ có cơ hội hỏi ý kiến ông về việc liệu tôi có thể trở thành một doanh nhân hay không. Ông mất rất lâu trước khi tôi bắt đầu đi làm kinh tế. Nhưng tôi tin tôi hiểu ba mình - sau rất nhiều cuộc trò chuyện của ba con tôi với nhau trong những năm ông còn sống. Lúc còn sống, ba tôi từng kể, ông đi làm cách mạng vì thương những người dân như bà nội tôi - cả đời chỉ mơ ước có một rổ khoai lang để ăn cho thỏa thích. Sau này, ông từng khóc khi nhìn thấy hòa bình rồi, thống nhất rồi mà nhiều người dân không đủ ăn. Tôi nhớ sau ngày thống nhất đất nước, ba tôi rất mong có thể được làm bạn với nước Mỹ. Có những người băn khoăn liệu có nên làm bạn với một đất nước vốn là kẻ thù lớn nhất của Việt Nam hay không? Nhưng ba tôi cương quyết!
Ông nói: "Sau lưng một người bạn, đôi khi có thể là một kẻ thù. Sau lưng một kẻ thù, đôi khi có thể là một người bạn". Có rất nhiều việc ba tôi không làm được khi ông còn sống, nhưng tôi tin rằng nếu ông biết con trai mình đang làm những việc có thể giúp những người xung quanh ngày càng no đủ, ông nhất định sẽ tự hào.
Vào năm 1993 - 1994, tôi đã suýt có cơ hội trở thành tỷ phú. Khi ấy tôi có mối quan hệ khá thân thiết với Phó Thủ tướng một quốc gia thuộc Cộng hòa Liên bang Xô Viết. Trong một lần tôi mời ông ấy sang Việt Nam, ông ấy đã đề nghị tôi một vụ làm ăn lớn: Giúp nước họ phân kim và chế tác vàng.
Quốc gia này có những mỏ vàng lớn, nhưng lại không có khả năng phân kim. Các thợ chế tác vàng của họ cũng có tay nghề kém. Sau khi quặng vàng được khai thác, họ sẽ chuyển toàn bộ về Moscow, nhờ Moscow phân kim, rồi chuyển trở lại Tajikistan với mức hao hụt được tính là 7%, chưa tính tiền công. Sau lời đề nghị đó, tôi mang theo hai chuyên gia giỏi trong lĩnh vực phân kim sang đất nước đó và được Tổng thống tiếp đón tại Dinh Tổng thống.
Tôi vẫn nhớ, ngay từ lúc bước chân vào Dinh Tổng thống, ngài Tổng thống đã vui vẻ chào tôi bằng một câu Tiếng Việt: "Chào đồng chí". Ông ấy tiết lộ từng là chuyên gia Liên Xô đến làm việc tại Việt Nam nhiều năm trước. Sau khi xem thử những sản phẩm phân kim do các chuyên gia tôi mang từ Việt Nam sang chế tác, vị Tổng thống đề nghị mở một công ty liên doanh với Việt Nam để giúp họ phân kim và chuyển giao kỹ thuật chế tác vàng trong 5 năm.
Nếu lần hợp tác đó thành công, số tiền chúng tôi nhận được sẽ là 10% sản lượng vàng mỗi năm của quốc gia đó (200 kg), bằng với giá trị của 130 căn biệt thự ở quận 3 (TPHCM). Mọi thỏa thuận cơ bản đã xong xuôi, nhưng khi tôi về nước để chuẩn bị cho việc hợp tác, thì ở đất nước đó xảy ra đảo chính.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết cuộc đảo chính diễn ra đúng thời điểm đó là may hay không may đối với tôi. Nói là không may cũng đúng, vì đã lấy đi mất của tôi một cơ hội làm giàu ngay trước mặt. Nhưng nói là may có lẽ cũng không sai, vì nếu cuộc đảo chính năm đó diễn ra muộn hơn một chút, khi hợp tác giữa chúng tôi đã bắt đầu, có lẽ tôi không còn sống để ngồi ở đây kể lại những câu chuyện này.
Cuộc đời của tôi đã chứng kiến rất nhiều cơ hội trôi qua như thế. Ví dụ như khi sang Liên Xô học lần đầu tiên, tôi mơ giấc mơ trở thành phi công, nhưng đến trước giờ lên máy bay thì người ta chuyển tôi sang học Chế tạo máy bay. Sau này, tôi làm Chủ tịch Ngân hàng Techcombank trong nhiều năm, đến thời kỳ ngân hàng bắt đầu phát triển nhất, thì tôi rời khỏi cương vị đó.
Bạn bè tôi thường nói, tôi quá mềm yếu để trở thành doanh nhân. Ví dụ như trong những năm qua, có những thời điểm nhà máy sản xuất mì tôm của tôi thua lỗ lớn. Về lý trí, tôi biết mình nên đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc. Nhưng khi nghĩ đến việc mấy trăm con người sẽ vì thế mà thất nghiệp, cuộc sống của mấy trăm gia đình sẽ bị ảnh hưởng, tôi lại không đành lòng làm việc đó. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi không thể trở thành tỷ phú.
Tôi luôn nhớ rằng, tôi không chỉ là một doanh nhân đơn thuần, mà còn là một Đảng viên, là con trai của một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đi làm kinh tế. Trong lời chia tay của tôi khi rời khỏi HĐQT Techcombank, tôi có chia sẻ về quan điểm làm kinh doanh của mình: "Là doanh nhân, tôi trân trọng từng đồng lẻ mình kiếm ra, nhưng cũng biết bước khinh rẻ cả triệu đồng". Đó cũng luôn là điều tôi dạy con trai mình khi con trai mình bước vào con đường kinh doanh.
Sau ngần ấy năm đi làm kinh tế, đến giờ, khi rút khỏi thương trường, tài sản của tôi không vượt quá con số vài chục tỷ. Nó rất nhỏ bé so với hình dung của nhiều người về những gì tôi có. Càng nhỏ bé hơn so với những người giàu Việt Nam bây giờ. Nên tôi không dám nhận mình là một doanh nhân thành công.
Nhưng nếu có điều gì mà tôi có thể đóng góp sau hơn 30 năm bước vào thương trường, trên chặng đường 35 năm Đổi Mới của đất nước, có lẽ đó chính là việc tôi đã nỗ lực hết mình để thay đổi tư duy của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam khi ấy trong việc "cởi trói" cho Đảng viên đi làm kinh tế tư nhân.
Nội dung: Tô Lan Hương
(Ghi theo lời kể của TS Lê Kiên Thành)
Ảnh: Minh Hòa
Thiết kế: Thủy Tiên
Kỳ 4: Năm 1984, sau khi nhận được lời mời của đại diện Việt Nam tại LHQ, ông Jonanthan Hạnh Nguyễn đã về Việt Nam. Một chuyến chuyên cơ riêng do Chính phủ Việt Nam sắp xếp, đón ông từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam đề nghị: "Cháu cố gắng giúp Việt Nam mở được đường bay với Philippines". Đó là đường bay quốc tế đầu tiên, ra các nước tư bản cũng là hoạt động thương mại đầu tiên của Việt Nam với các nước nằm ngoài hệ thống XHCN sau khi đất nước thống nhất, giữa muôn trùng bao vây và cấm vận.
Sau nhiều gian nan, ông Jonanthan Hạnh Nguyễn đã có được cuộc gặp "vô tiền khoáng hậu" với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Theo Dân trí
Đêm trước Đổi Mới: Sau cuộc đối thoại khiến Tổng Bí thư Đỗ Mười tức giận |
Đêm trước Đổi Mới: Từ Bản đề cương đột phá không được lựa chọn của TBT Lê Duẩn |