Ba Lan lại vận động EU điều tra chống độc quyền đối với Gazprom
(PetroTimes) - Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moska (09/12) cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) cần khởi động vụ kiện chống độc quyền mới đối với Gazprom vì đã đủ căn cứ pháp lý.
EC có rất nhiều công cụ điều tra chống độc quyền. Quan chức Ba Lan cũng phàn nàn rằng, không hiểu vì lý do gì mà EC vẫn chưa khởi động tiến trình kiện tụng, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Ba Lan đã gửi tài liệu bổ sung phục vụ quá trình khởi kiện của EC, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 12/2021. Đại diện Chính phủ Ba Lan cũng dự định gặp Cao ủy châu Âu về năng lượng Kadri Simson trong thời gian tới để tái khẳng định lập trường của nước này. Trang tin Vedomosti mới đây đã có bài viết xung quanh việc Ba Lan đang tích cực vận động Liên minh châu Âu (EU) khởi động vụ kiện chống độc quyền mới nhằm vào Gazprom - nhà cung cấp khí đốt chính cho thị trường này.
Đây không phải là lần đầu tiên Ba Lan đề xuất lên EC cáo buộc chống lại Gazprom vi phạm các tiêu chuẩn chống độc quyền của châu Âu. Vào năm 2012, theo đề xuất của một số thành viên EU, trong đó có Ba Lan, EU đã tiến hành một trong những cuộc điều tra chống độc quyền lớn nhất trong lịch sử. Năm 2015, EC đã đưa ra cáo buộc chính thức đối với Gazprom sau cuộc kiểm toán năm 2015. Theo đó, nhà cung cấp khí đốt Nga bị cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị trên thị trường khí đốt châu Âu, áp đặt giá khí đốt tăng cao. Theo ước tính của EC, mức tăng giá khí lên tới 40%. Gazprom sau đó bị cảnh cáo, có thể bị phạt 10% doanh thu (tương đương khoảng 5 tỷ USD) nếu tái phạm, đồng thời chi phí khí đốt của hãng bị ràng buộc vào các tiêu chuẩn châu Âu.
Năm 2018, vụ việc khép lại. Phía Gazprom đã tìm cách tránh bị trừng phạt. Phía EU thì đặt giới hạn các quy định mà tập đoàn khí đốt của Nga có nghĩa vụ tuân thủ trong vòng ít nhất 8 năm. Ngoài ra, Gazprom còn có nghĩa vụ dỡ bỏ các hạn chế trong hợp đồng để đảm bảo khí đốt tự do luân chuyển giữa người tiêu dùng ở khu vực Trung Âu và Đông Âu, cũng như kết nối các thị trường khí đốt bị cô lập ở Bulgaria, Estonia, Latvia và Litva với những thị trường khí đốt lân cận trong EU. Điều này giúp các nước thành viên EU dễ dàng mua, bán khí đốt với nhau. Tại thời điểm đó, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gazprom A.Medvedev cho biết, hãng hài lòng với quyết định của EU và coi đây là kết quả có thể chấp nhận được đối với toàn bộ thị trường khí đốt châu Âu.
Một năm sau vào tháng 9/2019, tòa án EU đã tiếp nhận đơn kiện của công ty dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG. Phía PGNiG đã tìm cách hủy bỏ quyết định của EC năm 2016 về việc cho phép Gazprom tải tới 90% công suất của đường ống dẫn khí đốt OPAL đi qua địa phận của Đức và Cộng hòa Séc. Đường ống cũng là một nhánh của Dự án North Stream. EC đã cho phép Gazprom tham gia đấu giá 40% công suất vận chuyển đường ống OPAL (khoảng 12,8 tỷ m3), đồng thời giữ độc quyền sử dụng 50% công suất còn lại của đường ống này. Đơn kiện của phía Ba Lan nhằm hủy bỏ quyết định này. Năm 2020, Tòa trọng tài Stockholm đã ra phán quyết có lợi cho PGNiG. Theo đó, PGNig đạt được bản sửa đổi các điều khoản của “Hợp đồng Yamal” (một thỏa thuận năm 1996 về cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Yamal - Europe) với Gazprom. Giá khí nhập khẩu từ Nga được tính toán lại kể từ năm 2014.
Bước vào năm 2021, châu Âu bước vào mùa đông với sự thiếu hụt khí đốt kỷ lục trong các cơ sở lưu trữ ngầm và giá khí tăng kỷ lục. Theo số liệu của Gas Infrastructure Europe (GIE) ngày 07/12/2021, các cơ sở lưu trữ khí ngầm ở EU mới chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 65% (tương đương 70 tỷ m3), thấp hơn nhiều so với mức 94% cùng kỳ năm 2020. Theo sàn giao dịch liên lục địa ICE, giá hợp đồng khí đốt tháng 01/2022 tại trung tâm TTF, Hà Lan được giao dịch ngày 09/12 vừa qua ở mức 1230 USD/1000m3.
Trong tình hình này, việc yêu cầu liên kết các hợp đồng khí dài hạn với Gazprom và chuyển từ giá khí neo giá dầu sang giá khí đốt giao ngay của EU đã dẫn đến việc giá khí tăng vọt thời gian qua. Cuộc khủng hoảng khí đốt ở Moldova vào mùa thu 2021 có nguyên nhân chính là do chính quyền Moldova chưa sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn với Gazprom vì giá khí giao ngay đã tăng nhiều lần. Kết quả là, Moldova đã thuyết phục Gazprom giữ mức giá hỗn hợp trong hợp đồng mới với việc hạch toán một phần hợp đồng trên cơ sở giá khí neo giá dầu.
Việc giá khí đốt tăng mạnh từ cuối tháng 8 đã kéo theo giá các loại nhiên liệu tăng mạnh, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đồng thời, phía Gazprom vốn đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ trong những hợp đồng dài hạn, không vội vàng tăng nguồn cung thông qua hệ thống đường ống trung chuyển qua Ukraine cũng như đường ống dẫn khí Yamal-Europe. Phía Gazprom đã từ chối tăng thêm công suất bổ sung trong khuôn khổ các cuộc đấu giá. Tập đoàn cũng ngừng giao dịch trên trang điện tử của mình.
Vào tháng 10/2021, trong bối cảnh giá khí giao ngay tại EU tăng lên gần 2000 USD/1000 m3. Cao ủy châu Âu về năng lượng K.Simson cho rằng, các cơ quan chức năng của EU đã nghiên cứu kỹ vấn đề về mối liên hệ có thể xảy ra giữa việc giá năng lượng tăng và vi phạm các quy định chống độc quyền của các nhà cung cấp khí đốt chính cho EU, trong đó không đề cập đến Gazprom.
Với tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyền Ba Lan đang nỗ lực sử dụng tất cả đòn bẩy của mình để gây áp lực lên Gazprom. Bằng các đề xuất điều tra Gazprom, PGNiG đang cố gắng ép Gazprom phải cung cấp khí đốt cho mình với giá chiết khấu như phía Ba Lan đã đề nghị vào tháng 10/2021. Đáng chú ý là Ba Lan đã bỏ qua vấn đề ảnh hưởng của các nhà cung cấp khí đốt khác cho EU, nhất là Na Uy và các nhà cung cấp khí hóa lỏng.
Giới chuyên gia luật của Nga nhận định, ngoài việc hướng đến phạt tiền, Ba Lan sẽ có thể hối thúc EC thực hiện các biện pháp phạt hành chính để đáp trả việc vi phạm các tiêu chuẩn chống độc quyền của liên minh. Đó là bất kì hạn chế nào liên quan cung cấp khí đốt, làm phức tạp thêm hoạt động của Gazprom. Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan hiện chưa đủ cơ sở để bắt đầu một cuộc điều tra chống độc quyền mới. Phía Ba Lan không có bằng chứng xác thực Gazprom có những vi phạm quy định chống độc quyền.
Chính quyền Ba Lan vốn thường xuyên đưa ra những cáo buộc chống lại Gazprom. Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc điều tra được mở ra, khả năng xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga là rất thấp.
Tiến Thắng