Pfizer dự đoán thời điểm thế giới thoát đại dịch Covid-19
Trong khi một số chuyên gia, tổ chức dự đoán Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào năm sau, hãng dược Pfizer cho rằng, đại dịch này có thể kéo dài đến năm 2024.
Thế giới có thể chưa thoát đại dịch vào năm 2022 như dự đoán ban đầu (Ảnh: Reuters). |
Theo Reuters, trong bài thuyết trình trước các nhà đầu tư, Giám đốc khoa học của hãng dược Mỹ Pfizer Mikael Dolsten cho biết, hãng này tin rằng một số khu vực trên thế giới sẽ còn chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm ở mức đại dịch trong một năm tới hoặc thậm chí hai năm tới.
Tuy nhiên, Pfizer dự đoán, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu toàn cầu vào năm 2024. "Khi nào và bằng cách nào kịch bản này xảy ra còn phụ thuộc vào mức độ thay đổi của đại dịch, vào mức độ hiệu quả của việc sử dụng vaccine cũng như các phương pháp điều trị, và sự phân phối công bằng đến những nơi mà độ phủ vaccine còn thấp. Sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng có thể tác động đến lộ trình đại dịch", ông Dolsten nói.
Trước đó, một số chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia khác trên thế giới lạc quan cho rằng, thế giới có thể thoát đại dịch vào năm 2022.
"Năm 2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch Covid-19. Hiện, giờ chúng ta đã có đủ công cụ. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách về vấn đề Covid-19 của WHO, nhận định hôm 15/12. Tỷ phú Bill Gates cũng tin rằng, giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào năm 2022.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron được cho là có khả năng lây lan, gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn nhiều so với biến chủng Delta cũng như khả năng né miễn dịch của nó khiến những hy vọng này phai nhạt dần.
Sự xuất hiện của Omicron buộc nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp từ thời đầu dịch như hạn chế đi lại, yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tránh hội họp đông người. Các chuyên gia cho rằng, thế giới cần tiếp tục tăng độ phủ vaccine hoặc tỷ lệ dân số có miễn dịch với Covid-19 mới có thể vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Theo số liệu của WHO, đến nay, khoảng 57% dân số thế giới đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19 và hơn 270 triệu người đã mắc Covid-19. Điều này giúp thế giới có miễn dịch tốt hơn với SARS-CoV-2 so với cách đây 2 năm, nhưng là chưa đủ để biến Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, kể cả khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, các biến chủng mới cũng có thể kéo theo các đợt bùng dịch theo mùa trong nhiều năm tới và việc sống chung với Covid-19 không có nghĩa là virus này không còn là mối đe dọa với con người. Do vậy, theo tiến sĩ Tom Frieden, giám đốc điều hành sáng kiến y tế toàn cầu Resolve to Save Lives và là cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho rằng thế giới cần sẵn sàng tinh thần để điều chỉnh chiến lược khi biến chủng mới xuất hiện bất cứ lúc nào.
Theo Dân trí