Chuyện những người nông dân chơi đồ cổ
(PetroTimes) - Về xã Hải Minh của huyện Hải Hậu (Nam Định), chúng ta như lạc vào khung cảnh đa sắc màu của làng quê Bắc Bộ điển hình. Nó vừa mang nét hiện đại, vừa mang tính truyền thống của làng quê rất đặc trưng. Theo sự “rỉ tai” của nhiều người, ngoài những ngôi nhà dăm ba tầng đồ sộ “phơi” ra trước mặt, bên trong những căn nhà cấp bốn lập mái bổi truyền thống “lấp ló” xen kẽ là cả một “kho” những đồ vật cổ vô cùng quý giá được cất giữ bên trong.
Nhiều năm qua, người Hải Minh đã rất nổi tiếng với nghề đồ gỗ mỹ nghệ lối cổ cao cấp, danh tiếng lẫy lừng khắp trong nam, ngoài bắc. Bên cạnh đó, việc sưu tầm và thú chơi đồ cổ cũng chẳng thua kém.
Giống như bao làng quê khác, người dân nơi đây đã bôn ba khắp chốn thiên hạ để kiếm kế sinh nhai. Cái duyên đến với thú chơi đồ cổ cũng rất lạ so với những người khác. Với họ, từ nghề buôn đồng nát đã “khởi nguồn” và là nhịp cầu nối dẫn họ đến với nhiều món đồ cổ quý giá. Chính vì thế khi “dính” vào “nghiệp” mới này mà nhiều người đã đi từ sưu tầm đến đam mê và… thành nghề. Sự tinh tế, tỉ mỉ trong chế tác đồ gỗ lối cổ đã cộng hưởng cho sự am tường của những đồ vật theo dòng chảy của thời gian bị lãng quên. Không ít đồ vật đã được nâng lên thành giá trị lịch sử vô giá.
Anh Đỗ Văn Thiện, một tay chơi đồ cổ có tiếng ở Hải Minh cho biết, gia đình anh tính đến nay có ba đời chơi đồ cổ. Ông nội anh, cụ Lý Cả vốn là một thương gia từ những năm 1930 đã từng đi khắp Bắc - Trung - Nam săn lùng những món đồ cổ. Theo chân ông nội, bố anh Thiện cũng là một người có niềm yêu thích mãnh liệt với những món đồ cổ quý giá. Anh kể, từ hồi nhỏ, trong những cuộc “trà dư tửu hậu” của ông, bố và những tay chơi đồ cổ có tiếng trong vùng ngồi luận đàm về các món đồ mà họ yêu thích, qua đó mà anh cũng đã lĩnh hội được những kiến thức nhất định.
Khi dấn thân vào cuộc chơi đồ cổ, anh Thiện bảo, càng chơi càng “mê”! Mê đến mức, mua được hay chưa mua được món hàng ưng ý anh đều… bị mất ăn, mất ngủ. Chưa mua được, chưa mang về nhà được thì lòng bứt rứt không yên. Khi yêu, lúc xích mích với nhau mà chưa làm hòa được khiến đối phương cứ thao thức thế nào thì cảm giác chưa sở hữu được thứ mình nhắm đến nó cũng vậy. Ngoài ra còn lo sợ bị người khác mua mất, sợ mình đến mà không có… duyên! Khi mua được rồi thì bất kể giờ giấc, có khi đêm ngủ rồi cũng “bật dậy” để lôi ra ngắm nghía, vuốt ve.
Chính vì những đam mê ấy, tích lũy qua thời gian mà hiện nay trong nhà anh Thiện có hàng nghìn món đồ cổ mang nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần. Anh Thiện cho biết, đồ cổ được chia chủ yếu theo các mảng: gốm, sứ và đồ gỗ Tàu. Mỗi mảng lại có những món đồ quý khác nhau được định giá tiền tỷ, được giới nghề vị nể. Cặp đồ sứ song bình đời nhà Thanh, chiếc đồng hồ bằng ngọc của Pháp có trên 140 năm tuổi, là một trong những “báu vật” không dễ gì sở hữu được nó. Thậm chí có những món đồ mà không phải cứ dùng tiền là mua được! Anh Thiện cho biết thêm.
Ngoài ra, anh còn sưu tầm được chiếc phong cầm rất quý của một nghệ sĩ nổi tiếng với các phím đàn bọc bằng ngà voi. Theo anh Thiện, để bọc được hết các phím đàn, người thợ xưa có lẽ đã phải sử dụng tới 2 chiếc ngà của một con voi trưởng thành. Ngoài ra anh còn có hàng chục bộ trường kỷ làm bằng gỗ trắc thuộc sở hữu cung đình của bậc vua chúa quan lại đời Nguyễn.
Trong nhà, anh đặc biệt dành một chỗ trang trọng để bày chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2.000 năm mà anh phải mất nhiều công lặn lội mới mang về được. Nhiều người trong giới nghề cũng đánh giá rất cao món đồ cọc hồ lô đời nhà Thanh mà anh đang sở hữu... Đối với các món đồ cổ sưu tầm được, món nào anh cũng quý, cũng có những kỷ niệm riêng.
Sở hữu nhiều món đồ quý hiếm lại có kinh nghiệm và con mắt lựa đồ, chọn đồ, nhưng anh Thiện cũng mất khá nhiều “học phí” cho nghề. Không ít lần anh mua phải những món đồ “dởm”, đồ được “tút tát” lại. Để tránh những bài học “xương máu” khi săn tìm cổ vật, anh Thiện phải cố gắng hoàn thiện vốn kiến thức, tự học hỏi, nâng cao trình độ để nhìn ra men, màu sắc, hoa văn đặc trưng… của các món sành, sứ, gốm. Đối với đồ gỗ, các vân gỗ là “tiếng nói chuẩn xác” nhất xác định độ sâu tuổi của món đồ. Săn đồ cổ, ngoài con mắt nhìn đồ, theo anh Thiện quan trọng nhất còn phải có duyên. “Có khi mình nghe nói ở đâu đó có đồ quý nhưng đến xem thì không quý như mình tưởng. Hoặc có đồ quý thật nhưng chủ nhân nhất định không bán!".
Chuyện những người nông dân chơi đồ cổ |
Những người chơi đồ cổ Hải Minh không hề qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào, phần lớn phải tự học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau. Đối với người lâu năm, việc định giá còn tương đối chuẩn xác. Đối với người mới vào nghề, nhiều khi vẫn phải “ngậm trái đắng”.
Trong xã còn có những cái tay chơi “nổi tiếng” trong giới nghề như anh Bào, anh Tân, anh Thi xóm 37, anh Lương Văn Minh, anh Huy “điếu”, anh Kim… Mỗi người chơi đều có những món đồ quý hiếm khác nhau cho riêng mình. Đó là lô cổ vật đĩa Huế tích “Khánh xuân thị tả” của anh Kim, được giới nghề định giá tới 1,8 tỷ; hay anh Tân có chiếc tủ khảm bằng gỗ trắc Tàu đặc biệt quý hiếm thuộc dạng “vô giá”…
Người chơi đồ cổ ở Hải Minh chia làm “hai chiếu”. “Chiếu dưới” dành cho những người “mua chạy - mua đuổi - bán đuổi” ăn lãi mỏng. “Chiếu trên” là dành cho những thợ “dầm vốn” chuyên ôm, găm hàng chờ dịp “bung” hàng cho khách… bạo chi. Những người chơi hệ chiếu trên thường sở hữu trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ. Nhìn vào gia tài các món đồ mà họ sở hữu, ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Những bước chân của thợ săn cổ vật Hải Minh đã khẳng định được danh thế với giới nghề. Xuất phát điểm từ nghề buôn bán đồng nát, nhiều người trong số họ bằng sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi đã trở thành các “chuyên gia”, đại gia thực thụ ở một lĩnh vực không phải ai cũng có thể chơi được.
Minh Thứ