Điều cần biết về "mua trước, trả sau" để không thành "con nợ" thẻ tín dụng
Theo Worldpay, "mua trước, trả sau" sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
Đối với Marcus Khoo, việc thêm những món đồ vào giỏ hàng trực tuyến chỉ để thỏa mãn ước mơ mua sắm của bản thân. Có những lúc trong giỏ hàng anh có hơn 100 món đồ chưa thanh toán, mà cũng không dám thanh toán. "Thanh toán cùng một lúc nhiều món đồ khiến làm tôi cảm thấy "xót xa" vô cùng", Marcus Khoo chia sẻ.
Đã từng có rất nhiều người như Marcus, hàng hóa trong giỏ vẫn giữ nguyên, hoặc nếu những sản phẩm đó cho phép trả góp họ mới quyết định mua.
Nhưng giờ đây, với dịch vụ có tên Rely, Marcus đã chia hóa đơn mua sắm trị giá 56 đô Singapore (tương đương 41 USD) của mình thành 4 lần, trả góp 2 tuần một lần, không tính lãi suất.
Đây là phần mềm hỗ trợ thanh toán điện tử được phát triển bởi công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 2016. Rely là một trong số hàng chục nhà cung cấp cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng hay còn được biết đến với cái tên "Buy now, Pay later - BNPL", hay còn gọi là "mua trước trả sau".
Đây được xem là một hình thức tín dụng mới của thế kỷ 21, trong đó khách hàng không cần phải trả tiền ngay lập tức cho người bán mà có thể trả góp dần với nhiều lựa chọn mất phí hoặc không mất phí, hoặc trả lãi suất trong khoảng thời gian cho phép.
Sự khác biệt của dịch vụ "mua trước, trả sau" được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp sáng tạo so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và ngân hàng truyền thống ở chỗ họ cung cấp nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí. Người dùng cũng không phải đăng ký hay lập tài khoản. Khi thanh toán họ không mất quá nhiều tiền cùng một lúc mà số tiền đó sẽ được trừ dần từng tháng.
Bùng nổ trong đại dịch, "mua trước, trả sau" đang vô cùng được lòng giới trẻ hiện nay (Ảnh: SCMP). |
Warren Hayashi - Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Adyen, một công ty thanh toán từ Hà Lan - lý giải sức hút của hình thức thanh toán này: "Mặc dù việc thanh toán kỹ thuật số được áp dụng cao trên toàn cầu nhưng trước đây, các ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán hạn chế, người dùng có ít sự lựa chọn hơn hiện nay".
Theo thống kê cho thấy, các dịch vụ thanh toán cho phép "mua trước, trả sau" được sử dụng nhiều hơn từ sau khi bùng phát đại dịch. Các chính sách không tiếp xúc khi thanh toán khiến người tiêu dùng phải chuyển hướng từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, các nền tảng dịch vụ tài chính này được thúc đẩy nhờ khoản trợ cấp kích thích kinh tế và sự đảo lộn của thị trường tín dụng tiêu dùng.
"Mua trước, trả sau" cũng đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Giống như Marcus Khoo, nhiều người tiêu dùng trực tuyến có thói quen tải giỏ hàng và sau đó cân nhắc rồi từ bỏ ngay trước thời điểm thanh toán. Các giao dịch "mua trước, trả sau" sẽ giúp dễ dàng kích thích các khoản mua sắm lớn.
Lấy ví dụ, một khách hàng muốn có một chiếc tivi mới song chỉ có 300 USD tại thời điểm đó. Nếu được lựa chọn "mua trước, trả sau", người mua hàng có thể bị thuyết phục chuyển sang một mẫu đắt tiền hơn ở mức 600 USD.
Cũng theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ "mua trước, trả sau" sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Chi tiêu trên các nền tảng "mua trước, trả sau" cũng được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" vào năm ngoái.
NỞ RỘ Ở THỊ TRƯỜNG CHÂU Á
Hầu hết các ứng dụng thanh toán cho phép "mua trước, trả sau" đều thu được doanh thu từ việc gia tăng chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ, khiến người mua sắm được hưởng khoản tín dụng không lãi suất. Một số dịch vụ - như Maiya và Happay của LexinFintech - đang cung cấp các khoản vay "mua trước, trả sau" không lãi suất. Hồng Kông, Singapore và phần còn lại của châu Á cũng đang "nóng" lên với hình thức thanh toán này.
Theo ông Han Feng, đối tác của McKinsey - một công ty quản lý tư vấn toàn cầu chi nhánh Thượng Hải, cho biết các công ty công nghệ tài chính của Trung Quốc đang đổ tiền vào Đông Nam Á như Ant Group của tỷ phú Jack Ma sở hữu 6,3% Paytm của Ấn Độ và 39% Kakao Pay của Hàn Quốc.
Người mua sắm trực tuyến của Trung Quốc từ lâu đã quen với hình thức thanh toán này. Chỉ trong thị trường đại lục đã có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ như Huabei (của Alibaba) Baitiao (của JD.com),….
"Ngành công nghiệp "mua trước, trả sau" ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua, mặc dù mọi người thường coi đó là hình thức tín dụng cho vay trực tuyến. Xu hướng thanh toán này đang chậm lại ở Trung Quốc, nhưng đối với một số thị trường Đông Nam Á, vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt, đặc biệt là đối với Thái Lan và Ấn Độ, những nơi thiếu thẻ tín dụng. Những khu vực này bây giờ giống như giai đoạn đầu của thị trường Đại lục", ông Han nói thêm.
Gã khổng lồ công nghệ châu Á Tencent Holdings đã phát triển sản phẩm tín dụng riêng được gọi là Fenfu và tiêu tốn 3% số tiền đầu tư với mục đích đưa Fenfu thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Thậm chí Tencent đã mạo hiểm cung cấp "mua trước, trả sau" ở cả Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Một bảng hiệu ở Atome quảng cáo dịch vụ "mua trước, trả sau" (Ảnh: Bloomberg). |
Atome, một nhà cung cấp "mua trước, trả sau" của Singapore hoạt động tại chín thị trường châu Á, tính phí người bán cao hơn từ 1% đến 3% giao dịch. Tổng giám đốc của Atome Hồng Kông, Eric Yu, cho biết: "Chúng tôi chấp nhận rủi ro khi khách hàng không thanh toán. Được tích hợp vào khoản phí đó là các chi phí như tiếp thị, chứng từ và chi phí thẻ tín dụng mà chúng tôi phải chịu. Đổi lại cho việc trả tiền cho dịch vụ, số liệu đã chứng minh được người bán được hưởng doanh số bán hàng và quy mô giao dịch cao hơn lên đến 30%, đồng thời có được chi phí mua lại khách hàng thấp hơn so với các kênh truyền thống".
Theo dự báo của FIS-Worldpay, cơn sốt "mua trước, trả sau" cũng đã thu hút các ngân hàng truyền thống vào cuộc cạnh tranh, vì họ nhắm đến mục tiêu kiếm tiền trong một thị trường có thể tăng trưởng 43% hàng năm trong ba năm tới.
Standard Chartered, công ty tài chính 167 năm tuổi đời tại Anh, đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Atome Financial vào tháng 10. United Overseas Bank (UOB), một trong ba ngân hàng lớn nhất của Singapore, đã công bố kế hoạch giới thiệu dịch vụ "mua trước trả sau" tại Indonesia thông qua ứng dụng thanh toán của mình.
Tại Hồng Kông, Giám đốc tiêu thụ Ngân hàng ảo Livi - Carol Hung cho biết ngân hàng đã ra mắt sản phẩm PayLater vào tháng 7. Sản phẩm được đánh giá "dễ dùng và nằm trong tầm kiểm soát của khách hàng". Người dùng có thể chia nhỏ hóa đơn thành các khoản trả góp từ 3 đến 36 tháng, dựa trên tài khoản ghi nợ MasterCard. Khoảng 42.000 người dùng đã đăng ký ứng dụng tính đến thời điểm hiện tại và thời hạn sử dụng trung bình là 12 tháng.
KHÁCH HÀNG CHÍNH: GEN Z - MILLENNIALS
Arvin Singh, đồng sáng lập của dịch vụ "mua trước, trả sau" Hoolah, cho biết Millennials và thế hệ Z - những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010 - là nhóm đón nhận hình thức thanh toán này mạnh mẽ nhất. Hình thức thanh toán này đang được lòng thế hệ trẻ hiện nay với quan niệm "hưởng thụ là số một". Điều này khiến thị phần của các công ty phát triển phần mềm "mua trước, trả sau" được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trên thị trường thanh toán thương mại điện tử châu Á từ 0,6% đến 1,3%, theo Báo cáo Thanh toán Toàn cầu năm 2021 của FIS-Worldpa.
Ra mắt từ năm 2018, tại Hồng Kông, Malaysia và Singapore thông qua các cửa hàng như Zalora, Klipsch và GNC, Hoolaf đạt mức tăng trưởng 400% chỉ trong năm ngoái.
Arvin cho biết: "Khách hàng - từ 25 đến 35 tuổi - rất hiểu biết, họ coi trọng sự linh hoạt trong thanh toán và quản lý dòng tiền. Hơn nữa, đối với những người trẻ chưa có khả năng hoặc chưa đến tuổi làm thẻ tín dụng, hình thức thanh toán ghi nợ thích hợp với lối sống của họ hơn".
Trong bối cảnh đại dịch, không thể đi du lịch hoặc ra ngoài giải tỏa, hình thức mua sắm trực tuyến được rất nhiều người trẻ ưa chuộng. Nếu như trước đây, họ cần phải đắn đo khi mua một món hàng, giờ đây, bằng hình thức "mua trước, trả sau", người tiêu dùng trở nên nuông chiều đam mê mua sắm hơn, và đương nhiên không có nhiều đắn đo khi quyết định mua một món đồ.
Nguyên nhân thứ nhất do tâm lý trả thù sau đại dịch, ngoài ra, còn do người dùng không trực tiếp bị trừ đi một số tiền lớn mà sẽ bị trừ từng chút một cho tới khi thanh toán xong, vậy nên họ không cảm thấy mình đã tiêu quá hạn mức hoặc quá kế hoạch đã đưa ra.
Cũng vì hai lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ này cũng tiềm ẩn rủi ro như thẻ tín dụng, do đó, giới chuyên gia khuyến cáo người mua hàng cần cẩn trọng khi sử dụng, không nên để rơi vào tình trạng "nợ nần" chồng chất, đồng thời cần lưu ý đến các điều khoản khác nhau giữa các công ty dịch vụ này.
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Là một nhánh hoàn toàn mới được đẻ ra từ thương mại điện tử, ngành này chưa có những quy định chặt chẽ ngăn rủi ro cho người tiêu dùng cũng như người bán hàng khi sử dụng ứng dụng. Các nhà lập pháp vẫn trong quá trình xem xét và thắt chặt quy định đối với ngành này, trong đó nhiều nhà quản lý cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ "Mua trước, trả sau", được phân loại là các công ty công nghệ tài chính cần phải chịu nhiều quy định nghiêm ngặt hơn và phải chịu quản lý như các ngân hàng.
Có nên khuyến khích "Mua trước, trả sau"? (Ảnh: ThinkZone). |
Để đáp lại, các công ty cung cấp "mua trước, trả sau" cho biết sẽ không cung cấp cho khách hàng các khoản vay mới trừ khi họ đang trong quá trình thanh toán các khoản vay cũ, song không có điều khoản nào giới hạn việc khách hàng vay mới với công ty dịch vụ khác. Bên cạnh đó, trong trường hợp khách hàng muốn trả lại sản phẩm được mua theo dịch vụ "mua trước trả sau", việc hoàn tiền sẽ khá phức tạp.
Bà Lauren Saunders - Phó giám đốc tại Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia - cho biết mô hình dịch vụ này về cơ bản không khác với tín dụng truyền thống. Theo bà, mô hình thanh toán nào cũng cần đi kèm luật bảo vệ tiêu dùng cơ bản đối với tín dụng, để đảm bảo giao dịch có giá cả phải chăng, mang tính trách nhiệm, minh bạch và công bằng.
Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cho biết khách hàng nên lưu ý một số nhà cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" có thể không được quản lý chặt chẽ, thường là các tổ chức phi ngân hàng hoặc là những "công ty ma" không đăng ký. Đối với các ngân hàng, gói "mua trước, trả sau" thuộc các sản phẩm tín dụng cá nhân và phải tuân theo các quy định, chẳng hạn như "lời nhắc nhở kép" dành cho người dùng - nhấn mạnh các tính năng của sản phẩm và các chi tiết chính bao gồm lãi suất và thỏa thuận trả nợ.
Theo Dân trí