Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ
(PetroTimes) - Đây là nội dung được đề cập tại hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, ngày 4/12.
Các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì hội thảo.
Các đồng chí chủ trì hội thảo |
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Hội thảo tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, quản trị tại doanh nghiệp nhà nước; thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, lãnh đạo, điều hành, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống,…
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích rõ thực trạng công tác quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Các đại biểu cũng nêu rõ sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách và quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030.
Các ý kiến tại hội thảo cho thấy, trong thời gian qua, phát huy vai trò quan trọng của các cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, thời gian qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước được nâng lên về chất lượng: Đa số cán bộ giữ vững lập trường tư tưởng, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cán bộ có tư duy, kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp; nắm vững chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và luật pháp, thông lệ quốc tế; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; nắm bắt được xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ thế giới.
Nhiều cán bộ chủ động, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; có khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, cũng có một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách của Nhà nước để cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, mưu lợi ích riêng và gây thất thoát lớn, thiệt hại lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng. Về tính chất, mức độ vi phạm xảy ra dưới nhiều dạng thức, mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực, từ công tác tài chính, đầu tư, quản lý, điều hành doanh nghiêp đến công tác cán bộ.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong kết luận hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, góp phần làm sáng tỏ thực trạng công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay; đồng thời cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện công tác cán bộ tại các doanh nghiệp nhà nước.
Đây cũng là các cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Chương trình với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).
N.H