Lặng thầm những công nhân xử lý sự cố
(PetroTimes) - Khi nắng nóng tăng cao, lượng điện tiêu thụ nhiều cũng là lúc những người thợ điện phải căng mình làm việc. Khi mưa to, bão lớn, cũng là lúc những người thợ điện vất vả hơn. Đối với họ - những công nhân Đội Quản lý đường dây và trạm dường như đã quá quen thuộc với việc này. Bên cạnh họ, sự cảm thông, sẻ chia từ những khách hàng và người thân khiến họ muốn gắn bó lâu dài với nghề.
Công nhân Đội Quản lý đường dây sửa chữa điện giữa trời nắng trưa |
Ngày phơi nắng...
Mảnh đất Sơn Hòa – Phú Yên luôn là vùng đất tâm điểm nắng nóng vào mỗi mùa hè. Một trưa hè, cái nắng chói chang cùng với hơi nóng bốc lên từ mặt đường khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Nhiệt độ đo ngoài trời lên tới gần 50 độ C. Tại xuất tuyến 471 thuộc các xã Sơn Hội – Cà Lúi – Phước Tân, cả Đội Quản lý đường dây và trạm Điện lực Sơn Hòa đang thi công sửa chữa đường dây lưới điện dưới cái nắng gần 40 độ C. Mỗi người một vị trí cột tay nhanh tay không ngừng nghỉ. Tiếng í ới gọi nhau của anh Tuyến – Cán bộ An toàn chuyên trách giám sát hiện trường: “Kiểm tra tiếp địa nha anh em!”. Người làm trên cao đã vất vả nhưng người dưới mặt đất vất vả cũng không kém phần. Anh Cao Đắc Việt và Phạm Văn Toàn đều là công nhân mới vào nghề, hai anh loay hoay đưa túi đồ nghề lên trụ cho đồng nghiệp hết khoảng trụ này đến khoảng khác, mồ hôi lả tả rơi thấm ướt chiếc áo màu cam rực rỡ giữa mùa hè oi bức. Đã tới giờ cơm, bữa ăn vội vã trên đỉnh cột hòa tan những giọt mồ hôi như muối mặn có mấy ai hiểu được. Anh Đào Tấn Phát nói vọng từ trên cao xuống: “Hai chú em ở dưới ăn cơm có ngon không? Vào làm công nhân điện thấy có khổ không?”. Hai anh công nhân trẻ dần thấu hiểu nỗi vất vả mà các chú, các anh đi trước phải trải qua.
Làm việc gần 5 tiếng đồng hồ, ngồi nghỉ chưa kịp ráo mồ hôi, Đội lại nhận được thông tin có sự cố tại xuất tuyến 473 cấp điện cho khu vực 3 xã Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định. Đây là khu vực có nhiều điểm du lịch phục vụ cho du khách nên việc tìm ra sự cố và khôi phục lại điện là rất cấp bách. Di chuyển quãng đường gần 40 km đến điểm sự cố, lúc này đã là giữa trưa. Nắng nóng khiến cho gương mặt những người thợ điện thêm mồ hôi, những chiếc áo lấm tấm ướt.
Gần nửa giờ đã tìm ra nguyên nhân sự cố do chú rắn quấn vào dây gây sự cố, vừa thao tác khắc phục sự cố, anh Quốc Đạt vừa kể, vào ngành điện cũng cả chục năm, số lần đi xử lý sự cố về điện đếm không xuể. Cứ đến mùa nóng, mấy anh em lại chạy không hết việc. Vì nắng nóng, người dân sử dụng điện tăng, hiện tượng chập, nhảy áp... liên tục. Nắng nóng như vậy, nhưng nhiều khi cũng thành quen, dần dần thích nghi và yêu nghề lúc nào không hay.
Có những ngày nắng nóng bỏng rát mặt, nhưng chỉ cần nghe có thông báo mất điện tại nhà dân, những người thợ điện lại tay xách nách mang, nào thang, kìm, đồ bảo hộ lên đường...
Về đến nhà đã gần 8 giờ tối, gia đình đã dùng xong bữa cơm, lũ trẻ lên phòng học bài. Anh Nguyễn Thanh Hải ngồi vào mâm cơm một mình. Trước khi cưới nhau, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Nguyễn Thanh Hải) luôn nghĩ, chồng mình làm thợ điện sẽ an nhàn, làm hành chính và có nhiều thời gian cùng vợ chăm sóc cho gia đình. Nhưng đến nay, sau hơn 18 năm sống chung mái nhà và có đến 2 mặt con, chị Hoa lại càng thấm và thương hơn nỗi vất vả của chồng.
“Mùa nắng nóng, anh em đi trực ngày, trực đêm để đảm bảo cấp điện cho dân. Công việc của người công nhân điện là phục vụ người dân, lúc nào anh cũng sẵn sàng, kể cả 2-3 giờ sáng. Có những lần, anh ấy đi sửa điện cho người dân cùng anh em, bị thủng săm xe nửa đêm, phải dắt bộ hàng cây số, đến hơn 1 giờ sáng mới về. Mình nghĩ, vừa tức vừa thương. Nhưng là vợ mà còn không thông cảm được, hỗ trợ được thì làm sao các anh í bám nghề được” - chị Hoa chia sẻ.
...Đêm dầm mình trong mưa
Để ứng trực mùa mưa bão, Điện lực Sơn Hòa cũng như nhiều đơn vị khác đều phân công ca trực, thường xuyên kiểm tra đường dây, trạm biến áp để tránh mọi tình huống xấu gây mất điện cho người dân.
Ông Huỳnh Hiếu Nghĩa - Phó Giám đốc Điện lực Sơn Hòa cho hay, về ca đêm, anh em luôn sẵn sàng 50% quân số trực để đảm bảo người xử lý sự cố kịp thời nhất.
Len lỏi kiểm tra, phát quang hành lang lưới điện trước mùa mưa bão |
Ngồi phòng trực ca, anh Lê Nguyên Khôi nhớ lại, nhớ nhất là thời điểm lũ lụt năm 2009 và bão năm 2017. Lần đó, toàn huyện Sơn Hòa nói riêng và toàn tỉnh Phú Yên nói chung, tất cả trạm điện hầu hết đều mất điện. Đường chạy của dây dẫn điện sau công tơ của khách hàng bị đứt hàng loạt. Để có thể làm nhanh nhất, chúng tôi phải huy động toàn bộ nhân lực ca trực đêm cùng các đội khác hỗ trợ lên đến gần 30 người. Trời mưa to dần tạnh hạt, nước rút tới đâu anh em chúng tôi xử lý đến đó để kịp cấp điện lại cho khách hàng. Anh em phải làm việc và xử lý xuyên đêm, từ 1 giờ tới hơn 5 giờ sáng. Có những anh em do đã làm cả ngày, lại được gọi tăng cường thêm ca đêm, nên trong lúc chờ đợi vật tư đưa đến, rải dây trên cột, đã chợp mắt trên mái nhà. Làm khu vực nào chúng tôi đều có sự hỗ trợ của người dân nhiệt tình đến đó. Họ cùng chúng tôi dựng trụ, khuân vác vật tư, kéo dây,… cứ như người cùng một nhà, càng gần gũi hơn. Chỉ trong 3 ngày toàn huyện Sơn Hòa đã có điện lại 100%. Bà con ai nấy cũng vui mừng phấn khởi, cuộc sống thường ngày đã trở nên nhộn nhịp.
Anh Huỳnh Hiếu Nghĩa kể thêm, hôm đó bão rất lớn, người dân không ngủ được, nhiều nhà dân cũng hỗ trợ chúng tôi nước, soi đèn, trò chuyện. Thực sự đó là những kỷ niệm bản thân cảm thấy rất vui và có động lực để tiếp tục làm việc. Không có những tiếng bức xúc, chửi bới vì mất điện mà người dân đã hiểu và chia sẻ vất vả cùng anh em ngành điện chúng tôi.
Từ nhiều năm nay, ngành điện đã có sự đầu tư vào công nghệ, nâng cấp thiết bị để đảm bảo điện ổn định, an toàn cho người dân. Việc cắt điện đột xuất, mất điện đã không còn. Nhưng điều dễ thấy nhất, đó chính là sự đổi mới trong cung cách phục vụ và hỗ trợ khách hàng.
Nhờ những vất vả không quản ngại ngày cũng như đêm sửa chữa, khắc phục sự cố, những công nhân ngành điện đã gần người dân hơn, phần nào giúp cho người dân hiểu hơn về tính chất công việc của mình, của ngành. Họ làm việc hết mình, như những sứ giả ngành điện với tinh thần phục vụ và hi sinh...
Phạm Hằng (EVNCPC)