Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia: Tăng tốc để đưa dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích
(PetroTimes) - Dự án đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2) hiện đang vào giai đoạn nước rút. Toàn công trường đang huy động tối đa lực lượng để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Vậy tiến độ dự án đến nay như thế nào? PV có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT |
PV: Xin ông cho biết tổng tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2) đến thời điểm hiện nay (giữa tháng 11/2021)?
Ông Bùi Văn Kiên: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư Dự án đường dây 500kV mạch 3 với mục tiêu đầu tư xây dựng để tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV, liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc – Nam, tối ưu hóa sản xuất - truyền tải trong vận hành hệ thống điện quốc gia. Các dự án của đường dây 500kV mạch 3 gồm đoạn Vũng Áng – Quảng Trạch; Quảng Trạch – Dốc Sỏi và Dốc Sỏi – Pleiku 2.
Hiện nay đường dây 500kV đoạn Dốc Sỏi –Pleiku 2 đã hoàn thành và đóng điện vào cuối tháng 6/2021. 2 đoạn tuyến còn lại đang được chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường lực lượng, gấp rút thi công để hoàn tất công đoạn cuối cùng để đóng điện toàn tuyến vào cuối năm 2021.
PV: Đâu là khó khăn vướng mắc chính của dự án trong quá trình thi công, thưa ông?
Ông Bùi Văn Kiên: Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Đầu tiên phải kế đến là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặc dù các địa phương rất tích cực vào cuộc, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vướng mắc về quy định về bồi thường, hỗ trợ, ngoài ra còn có một số hộ dân cố tình không chịu bàn giao mặt bằng khi chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước. Điều này đã làm tiến độ bàn giao mặt bằng dự án bị chậm nhiều tháng, có những vị trí chậm khoảng 1 năm.
Đến thời điểm giữa tháng 11, toàn tuyến đã bàn giao toàn bộ vị trí móng cột, tuy nhiên vẫn còn 20 khoảng néo còn vướng mắc trong BT-GPMB nên chưa thể thi công được. Trong đó chỉ có TP Đà Nẵng là địa phương duy nhất hoàn thành bàn giao mặt bằng. Các tỉnh còn lại: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn còn những vướng mắc.
Khó khăn thứ 2 ảnh hưởng đến dự án đó là trải qua 2 mùa mưa, trong năm 2020 có rất nhiều bão lớn, thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mưa lũ và sạt lở đất khu vực miền Trung khu vực dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Mùa mưa năm 2021 đến thời điểm này mới tạm chấm dứt, tuy nhiên từ tháng 7 đến giữa tháng 11 thời tiết mưa lớn, liên tục, các đơn vị thi công đã tổ chức nhiều biện pháp nhưng cũng không thể triển khai được.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến Việt Nam và thế giới, điều đó ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp vật tư thiết bị, không bố trí chuyên gia giám sát, lắp đặt. Đặc biệt, Ban QLDA các công trình điện miền Trung, các đơn vị thi công gặp khó khăn trong huy động lực lượng, phương tiện, máy móc khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Vị trí còn vướng mắc trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chưa thể kéo dây được |
PV: Thưa ông, hiện nay mặt bằng dự án vẫn chưa được các địa phương bàn giao hết, cùng với đó khối lượng thi công còn nhiều, vậy giải pháp EVNNPT đưa ra để giải quyết những khó khăn này là gì?
Ông Bùi Văn Kiên: Hiện nay mặt bằng của dự án vẫn còn những vướng mắc nhất định. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên được cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Bộ Công Thương, các bộ ngành, EVN đã tích cực vào cuộc.
Với những khoảng néo còn lại, EVNNPT/CPMB và các nhà thầu sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyên, vận động người dân. Trong trường hợp đã vận dụng hết cơ chế chính sách thì sẽ đề nghị các địa phương tổ chức bảo vệ thi công.
Cùng với đó, EVNNPT đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực về những khó khăn, vướng mắc trong mặt bằng của dự án. Trong đó EVNNPT kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực xem xét, có ý kiến với UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi tập trung cao độ để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về BTGPMB để bàn giao các khoảng néo hành lang tuyến còn lại không muộn hơn ngày 30/11/2021 cho chủ đầu tư triển khai thi công nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu.
Về khối lượng thi công còn lại cũng rất nhiều là một thách thức. Tuy nhiên, Tổng công ty đã đề ra giải pháp, trong đó họp điều độ sát sao với từng nhà thầu, từng vị trí khoảng cột, có những khó khăn vướng mắc gì sẽ tháo gỡ ngay. Thời điểm hiện nay, thời tiết đã thuận lơi, Chính phủ mở cửa nền kinh tế, không còn duy trì biện pháp giãn cách như trước đây nên EVNNPT cũng đã yêu cầu nhà thầu tăng cường lực lượng thi công, điều chỉnh khối lượng thi công để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Ngoài ra, EVNNPT đang huy động lực lượng mạnh nhất của Tổng công ty bám sát công trường để thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kỹ thuật để tổ chức thi công dự án, thi công xong vị trí nào sẽ tổ chức nghiệm thu ngay với mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2021.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Công Cường – Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB): Trong giai đoạn nước rút này, từ lãnh đạo Ban đến cán bộ chức năng của Ban thường xuyên có mặt công trường để kịp thời tháo gỡ vướng mắc bàn giao mặt bằng dự án cho đơn vị thi công. CPMB thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công để điều động lực lượng, vật tư, thiết bị, đảm bảo đồng bộ khi có mặt bằng sẽ triển khai thi công ngay, khi thi công xong sẽ triển khai nghiệm thu, khối lượng thi công cuối cùng cũng là hạng mục nghiệm thu cuối cùng. Hiện nay lực lượng trên công trường đã được đảm bảo để thi công tăng tốc giai đoạn cuối năm nhằm đảm bảo mục tiêu tiến độ dự án. |
Làm chủ công nghệ điều khiển tích hợp trạm biến áp tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Lưới truyền tải điện giữ vai trò là “xương sống” trong hệ thống điện quốc gia, trong đó, hệ thống điều khiển trạm biến áp (TBA) được ví như là trái tim của truyền tải điện. |
P.V