Cristiano Ronaldo: Cầu thủ vĩ đại nhất trong hệ quy chiếu số phận
Mỗi con người đều có một số phận. Duy chỉ có Cristiano C.Ronaldo mang một phần số lạ kỳ. Đó là vượt lên chính mình. Không phải một lần mà nhiều lần. Dường như mọi giới hạn đều bị anh vượt qua.
Nếu dùng hệ quy chiếu số phận, dám chắc trong lịch sử bóng đá không ai vượt xa giới hạn phần số bản thân như C.Ronaldo.
Tháng 12/2004, một trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã xảy ra trên Ấn Độ Dương. Những ngọn sóng cao 30 đã tàn phá các cộng động dân cư sinh sống ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và nhiều nơi khác. Sóng thần đã tàn phá hàng triệu ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của 225 ngàn người trên 11 quốc gia.
Một trong những câu chuyện cảm động nhất trong đợt thiên tai này là sự sống sót thần kỳ của cậu bé 7 tuổi người Indonesia, Martunis. Cậu bị mắc kẹt 19 ngày sau khi chứng kiến cả gia đình bị cuốn trôi. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy, Martunis đang mang trên mình chiếc áo số 10 của đội tuyển Bồ Đào Nha. Nước da đen sạm vì nắng gió, gương mặt hốc hác vì thiếu ăn, nhưng ánh mắt cậu trong veo và sáng như ngôi sao.
C.Ronaldo, lúc đó mới 21 tuổi, là tài năng trẻ sáng giá của Man Utd và bóng đá Bồ Đào Nha, đã không giấu được niềm xúc động. Anh lập tức lên đường đến Indonesia, tạm gác lại tất cả lịch trình bận rộn của một cầu thủ bóng đá. Tại đây, anh gặp gỡ cậu bé Martunis và gây quỹ từ thiện tái thiết địa phương.
"Tôi thật sự ngạc nhiên khi một đứa trẻ 7 tuổi có thể sống sót nhiều ngày như vậy", C.Ronaldo chia sẻ trong sự rung cảm và đồng điệu. Hơn ai hết, cầu thủ người Bồ Đào Nha hiểu rõ sự khó khăn khi phải đương đầu với những thử thách khổng lồ của số phận, của định mệnh, hay do thiên ý xếp đặt.
C.Ronaldo sinh ra ở Funchal, thủ phủ đảo Madeira, Bồ Đào Nha. Cậu lớn lên ở một trong những cộng đồng dân cư hẻo lánh và nghèo nàn nhất của đất nước. Hòn đảo này gần châu Phi hơn là châu Âu, cách bờ biển Morocco 520km về phía tây, nhưng cách thủ đô Lisbon và bờ biển Bồ Đào Nha gần 1000km về phía tây bắc.
Anh là con út trong gia đình lao động nghèo có 4 anh chị em. Bố anh là Jose Dinis Aveiro, một người làm vườn. Mẹ là bà Maria Dolores dos Santos Viveiros da Aveiro, một đầu bếp. Gia đình C.Ronaldo khó khăn tới nỗi bà Dolores từng phải sang Pháp làm giúp việc để cải thiện kinh tế và hy vọng đổi đời nhưng bất thành. Ông Jose Dinis thì mất sớm, trong những năm đầu Ronaldo gặt hái thành công sự nghiệp, vì bệnh gan do chứng nghiện rượu.
"Tôi sinh ra trong một gia đình khiêm tốn, nhưng là một gia đình luôn trao cho tôi cơ hội. Bố mẹ tôi đã nhiều lần nói với tôi "nếu con muốn thử sức, hãy cố gắng tiếp tục". Và tôi đã nỗ lực tìm kiếm vận may của bản thân và đạt được thành công", C.Ronaldo, một người luôn nỗ lực hết mình và bị ám ảnh bởi chiến thắng chia sẻ về xuất thân cơ hàn nhưng giàu động lực.
Năm 9 tuổi, C.Ronaldo được nhận giấy phép thể thao đầu tiên, ghi số 17.182 từ Liên đoàn bóng đá Funchal. Đó là thời điểm cậu khoác áo Andorinha, đội bóng địa phương thi thoảng bố cậu vẫn đến phụ việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chính tại Andorinha, C.Ronaldo được gọi với cái biệt danh Abelhinha, có nghĩa là "chú ong nhỏ". Nguyên do là cậu thường vo ve khắp sân như một chú ong chăm chỉ. Ngay từ nhỏ, biếng nhác đã không có trong từ điển của C.Ronaldo.
Sau đó, CR7 gia nhập học viện của đội bóng lớn nhất trên đảo Madeira, Nacional. Phí chuyển nhượng là 20 quả bóng và 2 bộ quần áo thi đấu cho đội trẻ. Con số thật khiêm tốn nhưng là khởi đầu cho ngôi sao hiện có tổng chi phí chuyển nhượng hơn 200 triệu euro và từng nắm kỷ lục cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Tại đội bóng này, tên tuổi của Abelhinha bắt đầu vươn xa. C.Ronaldo được đánh giá là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá Bồ Đào Nha.
Và điều gì đến đã phải đến. Đó là sự chọn lựa. Năm 1997, C.Ronaldo được ký hợp đồng với gã khổng lồ Sporting Lisbon chỉ sau 3 ngày thử việc. Lần này phí chuyển nhượng là 22.500 euro, mức phí vô lý cho một thiếu niên. 12 tuổi, rời quê hương bản quán, xa gia đình để đến nơi hoàn toàn xa lạ để theo đuổi ước mơ không phải là điều đơn giản. "Khó khăn nhất là phải xa bố mẹ. Tôi nhiều lần bật khóc", anh tâm sự.
C.Ronaldo hay khóc. Anh từng bị đặt biệt danh là "thằng nhóc khóc nhè". Kể cả khi đã trưởng thành anh vẫn vậy. Nước mắt vẫn lăn dài trên má mỗi khi thất bại. Nhưng hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng C.Ronaldo ủy mị. Anh luôn biết cách kiểm soát cảm xúc và biến đau thương thành hành động. Cách để anh nguôi đi nỗi nhớ nhà cũng như sự chế giễu vì thứ giọng địa phương trọ trẹ từ đám trẻ con thành phố là tập luyện, tập luyện và tập luyện.
Nhờ vậy, C.Ronaldo thăng tiến nhanh tới nỗi năm mới 17 tuổi, anh đã được HLV Laszlo Boloni gọi vào đội một Sporting Lisbon. Đó là mùa giải 2002/03. Sau 31 lần ra sân, tài năng trẻ này đóng góp 5 bàn thắng và 5 pha kiến tạo. Một khởi đầu hết sức hứa hẹn. Nhưng bước ngoặt thay đổi mãi mãi hành trình sự nghiệp của C.Ronaldo xảy ra vài tháng sau đó, trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2003.
Đó là ngày 6/8/2003. Rio Ferdinand, một trong những trụ cột của Man Utd thời điểm đó nhớ lại: "Trên xe buýt, chúng tôi tràn trề hy vọng để đến gặp GĐĐH David Gill và HLV Alex Ferguson. Tất cả các cầu thủ đều khao khát có Cristiano C.Ronaldo là đồng đội. Và chỉ 1 tuần sau, cậu ấy là thành viên MU". Sự kiện đã đi vào huyền thoại này là trận giao hữu giữa MU và Sporting Lisbon. Những ngôi sao của Quỷ đỏ bị thằng bé chạy cánh phải gầy còm, trong chiếc áo rộng thùng thình, của đội chủ nhà dần cho tơi tả.
Tất nhiên, Man Utd đã theo dõi C.Ronaldo từ lâu. Trận giao hữu huyền thoại là xúc tác cuối cùng để Quỷ đỏ quyết định ra tay, thay vì tiếp tục đắn đo như Arsenal, Valencia hay Barcelona. Vâng, trong một vũ trụ song song, C.Ronaldo sẽ là đồng đội của Messi ở Barca suốt 15 năm. Hoặc cũng có thể khoác áo Parma, đội bóng đã có thỏa thuận miệng với Sporting Lisbon.
Dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson, C.Ronaldo đã tiến hóa một cầu thủ chạy cánh có kỹ thuật điêu luyện và tốc độ tuyệt hảo trở thành cỗ máy săn bàn. Những con số tại Old Trafford chứng minh cho điều này. 6 bàn ở mùa đầu tiên. 9 bàn trong mùa thứ hai. 12 bàn ở mùa thứ ba. 23 bàn ở mùa 2006/07. 42 bàn cho mùa 2007/08. Và 26 bàn ở mùa cuối cùng khoác áo Man Utd.
Tuy nhiên, những con số không thể phản ánh những khó khăn C.Ronaldo phải trải qua ở Old Trafford. Dù được đón chào trong nội bộ Man Utd nhưng C.Ronaldo là cái tên hoàn toàn xa lạ với thế giới bóng đá. Đã vậy, tài năng trẻ người Bồ Đào Nha chịu áp lực vô hình khủng khiếp bởi số áo và vị trí kế thừa của David Beckham cũng như cái tên giống với tiền đạo lừng lẫy người Brazil, cho dù thực tế được đặt theo tên Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Một khía cạnh khác, C.Ronaldo không phải phiên bản kế thừa của Beckham. Tài tử bóng đá người Anh là hình mẫu của tiền vệ cánh truyền thống: bám biên và tạt. C.Ronaldo thì khác. Anh ưa rê dắt, vẽ vời, dứt điểm và… ăn vạ. C.Ronaldo của thời điểm mới bắt đầu sự nghiệp thường chạy khắp sân, đầu luôn cúi để nhìn bóng, do đó bỏ lỡ đường chạy của đồng đội hoặc không phát hiện thời điểm thích hợp để dứt điểm.
Bởi vậy, đã có những sự thất vọng đối với C.Ronaldo từ phía các trụ cột Man Utd. Gary Neville không hiểu tại sao C.Ronaldo lại ăn vạ. Ruud van Nistelrooy thì bức xúc vì thường xuyên "chạy xe không". Đối với các tiền đạo mục tiêu, nguồn cung kiến tạo từ các tiền vệ biên rất quan trọng. C.Ronaldo không đáp ứng được đòi hỏi về chất lẫn lượng những đường chuyền hay quả tạt như Beckham vẫn đem đến. Thế nên đã có giai đoạn C.Ronaldo bị chững lại.
René Meulenstee, trợ lý của Sir Alex từ 2007-2003, là một trong những kiến trúc sư tạo ra sự tiến hóa vĩ đại của C.Ronaldo. "Cậu ấy là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất nhưng hiệu suất là không đủ. Mục tiêu của tôi là giúp cậu ấy hiểu. Từ đó biết cách tiếp cận khung thành hiệu quả và gây nhiều sát thương hơn. C.Ronaldo là một người cầu thị và tiếp thu rất nhanh", Meulensteen lý giải.
Trí não C.Ronaldo có mỗi liên hệ mật thiết với bàn thắng. Anh bị ám ảnh về việc đưa bóng vào lưới đối phương. Và sau sự ra đi của Van Nistelrooy vào mùa hè 2006, cơ hội đã đến với CR7. C.Ronaldo và Rooney, một mẫu tiền đạo không phải kiểu số 9 cổ điển, trở thành trung tâm trên hàng công mới của Ferguson. Cả hai hiểu nhau một cách hoàn hảo.
C.Ronaldo vẫn bám biên nhưng chơi cao hơn, ở vai trò tiền đạo cánh, và thường xuyên bó vào trung lộ để dứt điểm. Ngoài ra CR7 cải thiện đáng kể kỹ năng sút bóng, đặc biệt các pha sút xa và đá phạt. Cú đá tomahawk trở thành thương hiệu của ngôi sao người Bồ Đào Nha. Trong 3 mùa cuối khoác áo Man Utd, trung bình mỗi trận C.Ronaldo tung ra 5 pha dứt điểm. Tổng cộng 527 pha dứt điểm và 60% được thực hiện từ ngoài vòng cấm. Kết quả cho ra 91 bàn thắng.
Từ sự chuyển mình đột biến của C.Ronaldo, trong 3 mùa này Man Utd đều vô địch Ngoại hạng Anh, giành 1 FA Cup, 2 League Cup, 2 Siêu cúp Anh, 1 FIFA Club World Cup và 1 Champions League. Bản thân siêu sao người Bồ Đào Nha lần đầu giành Quả bóng vàng vào năm 2008. Đấy có thể là đỉnh cao danh vọng của nhiều ngôi sao, nhưng với CR7 thì mới chỉ là sự khởi đầu.
Mùa hè 2009, Real Madrid chi ra 96 triệu euro, kỷ lục chuyển nhượng lúc bấy giờ để chiêu mộ C.Ronaldo từ Man Utd. Những con số là quá thừa thãi để chứng minh cho sự thành công của thương vụ. Anh là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, với 450 bàn thắng, bao gồm những pha lập công mang ý nghĩa quyết định trong cả 4 lần giành chức vô địch Champions League trong giai đoạn 2014-2018. Tổng cộng, cùng với Real Madrid, C.Ronaldo giành được 16 danh hiệu lớn nhỏ và giành thêm 4 Quả bóng vàng.
Câu chuyện danh hiệu Champions League và Quả bóng vàng cũng là hành trình vượt lên chính mình lẫn số phận một cách ngoạn mục của C.Ronaldo. Những năm đầu khoác áo Real Madrid, đội bóng Hoàng gia lẫn CR7 vẫn nằm ở thế cửa dưới so với Barca và Messi. Messi chiến thắng nhiều hơn, giành nhiều danh hiệu hơn, nắm kỷ lục ghi bàn ở Champions League và đoạt nhiều Quả bóng vàng hơn. Đại khái, thiên tài bóng đá người Argentina luôn được đánh giá cao hơn.
Đỉnh điểm của sự chênh lệch là mùa 2014/15, mùa giải Barca giành cú ăn ba và Messi nghiễm nhiên đoạt Quả bóng vàng. Đó là lần thứ 5 La Pulga giành được danh hiệu cao quý để vinh danh cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong vòng 1 năm. C.Ronaldo khi đó mới chỉ có 3 QBV, 2 chức vô địch Champions League và vừa bước sang tuổi 30, độ tuổi vẫn được xem bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Nhưng 3 mùa tiếp theo, 3 mùa cuối khoác áo Real Madrid, CR7 liên tiếp vô địch Champions League và giành 2 QBV. Ngoài ra còn vươn lên dẫn đầu danh sách ghi bàn tại đấu trường danh giá nhất châu Âu, bỏ xa kình địch Messi. Đó là một màn ngược dòng ngoạn mục của C.Ronaldo với La Pulga, với thời gian và cả số phận.
Sau chức vô địch Champions League thứ ba liên tiếp và thứ năm trong sự nghiệp, C.Ronaldo quyết định chia tay Real Madrid trong sự ngỡ ngàng của tất cả. "Tôi là người không thích nằm yên trong vùng an toàn, và Madrid đang trở thành nơi chốn như vậy. Tôi muốn một thử thách mới", siêu sao người Bồ Đào Nha chia sẻ.
Thử thách mới của CR7 là Juventus và xứ sở Italia. Real Madrid chi ra 96 triệu euro, trải qua 9 năm tận hưởng một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử túc cầu, và thu về 100 triệu euro từ Juventus. Một vụ đầu tư không thể lãi đậm hơn.
Tại Turin, bất luận không thể giúp Bà đầm già vô địch Champions League, C.Ronaldo vẫn để lại dấu ấn đậm nét với hơn 100 bàn thắng và luôn là hy vọng duy nhất của Juve trong những phút ngặt nghèo. Từ các trận đấu cúp, đặc biệt cúp châu Âu, đến những đại chiến tại Serie A, siêu sao người Bồ Đào Nha thường trực tỏa sáng và là cầu thủ duy nhất của Juve thể hiện bản lĩnh của nhà vô địch.
Có lập luận cho rằng Juve không C.Ronaldo đã đăng quang Serie A 7 lần liên tiếp nên sự hiện diện của CR7 là không nhiều giá trị cho chiến tích này. Quan điểm này hoàn toàn sai bởi không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Mỗi mùa giải đều có đặc thù và thực tế chỉ chứng minh Juventus hay kể cả Real Madrid khi thiếu vắng C.Ronaldo đều rơi vào khủng hoảng.
Định mệnh đã gắn C.Ronaldo với một số phận luôn bị đem ra làm mẫu so sánh kém hơn. Ngay từ cái tên bố mẹ đặt cho, C.Ronaldo đã là sự sao chép. 12 tuổi ngơ ngác đặt chân đến Lisbon, giọng nói của cậu trở thành chủ đề giễu nhại của đám bạn thành phố. Đầu quân cho Man Utd, anh bị xăm soi bởi cái tên và số áo. Những năm đầu khoác áo Real Madrid, anh luôn bị đánh giá thấp hơn Messi về tài năng và mức độ thành công. Và vài năm trở lại đây, không ít đề tài về sự xuống dốc vì tuổi già của lão tướng này đã được viết ra.
Nhưng rốt cuộc, C.Ronaldo vượt qua mọi thử thách và hiên ngang sừng sững như một hiện tượng kỳ vĩ trong lịch sử bóng đá. Cậu bé nghèo quê Madeira đã trở thành cầu thủ tuổi teen đắt giá nhất lịch sử vào thời điểm gia nhập Man Utd. Anh chàng tiền vệ cánh vẽ vời và gầy còm đã trở thành cỗ máy săn bàn tối tân và uy lực khủng khiếp tại Old Trafford. Và ngôi sao của Real Madrid từ chỗ luôn xếp sau Messi đã có được vị thế ngang hàng tiền đạo Argentina.
Và cuối cùng, vị thần tạo hóa sẽ phải tự hỏi tại sao lại tồn tại một cầu thủ tuổi 36, gần 37 lại có thẻ sở hữu thể chất tráng kiện của một người đàn ông tuổi 30 và vẫn chơi bóng ở đẳng cấp không nhiều cầu thủ ở độ tuổi sung mãn có thể đạt được. Ở cái tuổi tuyệt đại đa số huyền thoại bóng đá đã giải nghệ, CR7 vẫn là chân sút chủ lực của MU. Anh quay trở về đội bóng cũ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, và như quan điểm đã nêu, để đi tìm thử thách chứ không phải dưỡng già.
Ngoài tài năng, một ý chí bất phàm đã làm nên C.Ronaldo xuất chúng lâu dài như vậy. Nếu so về xuất phát điểm, tài năng của C.Ronaldo có lẽ không thể sánh Ronaldo "béo" hay Messi. Đó đều là những cầu thủ có thiên chất. Nhưng sự khổ luyện và ý chí đã giúp anh tiến rất xa. Ngày nay chính "Ro béo" mới cảm thấy đau đầu vì bị so sánh với C.Ronaldo chứ không phải ngược lại. Messi vĩ đại nhưng không ai dám nói C.Ronaldo ít vĩ đại hơn.
Thế nên trong hệ quy chiếu số phận, nếu vẽ đồ thị về nỗ lực tiến xa so với xuất phát điểm, có lẽ không một cầu thủ nào trong lịch sử bóng đá đi được hành trình dài và nhiều lần vượt qua bản thân lẫn số phận như C.Ronaldo.
Theo Dân trí