Chuyên gia: Giá dầu đang hướng tới 100 USD bất chấp nỗ lực giải phóng dầu dự trữ của chính quyền Biden
(PetroTimes) - CNBC ngày 24/11/2021 đưa trả lời phỏng vấn hôm thứ Tư của nhà phân tích chiến lược Stephen Schork, Biên tập viên Báo cáo năng lượng Schork Report cho biết giá dầu có thể tăng cao hơn bất chấp những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm kiềm chế việc tăng giá dầu bằng cách giải phóng hàng triệu thùng dầu dự trữ chiến lược.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo việc giải phóng 50 triệu thùng dầu từ dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hôm Thứ Ba, ngày 23/11/2021. Ảnh: Susan Walsh/AP. |
Hôm thứ Ba (23/11), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ như một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng nhằm làm dịu sự gia tăng nhanh chóng của giá nhiên liệu. Trong tổng số đó, 32 triệu thùng dầu sẽ được thực hiện theo giao dịch hoán đổi trong vài tháng tới, và 18 triệu thùng sẽ được đẩy nhanh tốc độ bán theo giấy phép được cấp trước đó. Các quốc gia khác thực hiện cam kết chung bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Cho đến nay, Anh đã đồng ý xuất kho 1,5 triệu thùng dầu trong khi Ấn Độ cam kết là 5 triệu thùng. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa công bố con số cụ thể.
Trả lời phỏng vấn CNBC, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ David Turk nói rằng chiến lược giải phóng dự trữ dầu được thiết kế để hạ giá xăng dầu, giúp bảo vệ người tiêu dùng. Stephen Schork cho rằng mọi việc sẽ không diễn ra đơn giản như vậy. Giá dầu có thể vẫn tăng cao hơn bất chấp việc Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác giải phóng hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ. Việc dự trữ dầu chiến lược của bất kỳ quốc gia nào đều chỉ nhằm bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung đột xuất, ngắn hạn, chứ không phải để điều khiển giá. Schork cho biết có nhiều người đánh cược rằng sẽ thấy giá dầu lên tới 100 USD một thùng và việc này có thể xảy ra sớm nhất là vào Quý I của năm 2022, đặc biệt nếu có một mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu.
Một cơ sở khoan dầu của Chevron tại San Ardo, California. Ảnh:David Paul Morris/Bloomberg/Getty Images. |
Nhu cầu làm dịu giá dầu
Giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm nay, với nhu cầu vượt xa nguồn cung khi nhiều quốc gia thoát khỏi tình trạng đóng cửa quốc gia và dừng các hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng do đại dịch kể từ năm 2020. Việc nối lại di chuyển quốc tế khi nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới cũng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay. Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã vượt qua ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý là 80 USD/thùng vào tháng 10 và giá dầu đã giữ ở gần mức đó. Tính đến chiều thứ Tư tại châu Á, hợp đồng quốc tế giao dịch gần 82,50 USD.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), thế giới tiêu thụ 97,53 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2021, tăng từ 92,42 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và tới năm 2022, con số này sẽ tăng lên thành 100,88 triệu thùng/ngày.
Schork dự đoán khoảng 100 triệu thùng dầu sẽ được giải phóng từ dự trữ dầu chiến lược, trong đó có 50 triệu thùng từ Mỹ và có thể là 50 triệu thùng nữa từ các đối tác của Mỹ. Con số này vừa bằng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong một ngày. Việc giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy “sự tuyệt vọng” rằng chỉ còn một công cụ duy nhất trong tay và công cụ này sẽ không đem lại hiệu quả. Thị trường sẽ coi việc giải phóng dầu từ kho dự trữ chỉ là “một mẹo tuyên truyền” và có khả năng thị trường sẽ thấy giá dầu tăng cao hơn thay vì giá hạ thấp hơn trong vòng một tháng tới.
Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác tại Ngân hàng Khối thịnh vượng chung của Úc (Commonwealth Bank’s Australia), cho rằng chính quyền Mỹ nên cân nhắc việc trao đổi với các nhà sản xuất dầu khí Mỹ và đề nghị họ tăng sản lượng dầu để bù đắp sự mất cân bằng nguồn cung.
Trụ sở của OPEC tại Vienna, Áo. Ảnh: Wikimedia. |
Sự đối đầu với OPEC+
Quyết định của chính quyền Biden được đưa ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định không bơm thêm dầu bất chấp giá dầu thô leo lên mức cao nhất trong nhiều năm và sức ép từ chính quyền Mỹ muốn hạ nhiệt thị trường.
Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết cho tới giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ đang xem xét lại kế hoạch của mình. Họ cho rằng việc các nước tiêu thụ dầu giải phóng một lượng lớn dầu dự trữ trước khi OPEC+ họp (2/12) có thể khiến nhóm này có động thái chống trả, dẫn đến “một tình trạng bế tắc gây bất ổn”. Trong điều kiện hiện nay, các động thái đối kháng của mỗi bên có thể dẫn đến sự biến động gia tăng, tạo ra giá dầu bấp bênh hơn và càng thêm bất ổn. Điều này sẽ không làm giảm áp lực về giá tiêu dùng cũng như không mang lại cho các nhà sản xuất sự ổn định cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định và đáng tin cậy cho nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua./.
Thanh Bình