Cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn tình trạng xe chở thiết bị điện gió vi phạm khoảng cách gây sự cố lưới điện truyền tải
(PetroTimes) - Đó là kiến nghị của ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) khi trao đổi về nội dung liên quan đến tình trạng sự cố lưới điện truyền tải do xe chở thiết bị điện gió vi phạm khoảng cách an toàn.
PV: Vừa qua, lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý đã bị một số sự cố do xe chở thiết bị điện gió vi phạm khoảng cách an toàn. Xin ông cho biết cụ thể hơn vấn đề này?
Ông Đinh Văn Cường: Trong khu vực hiện nay đang có rất nhiều dự án điện gió đang xây dựng và phải vận chuyển thiết bị, đặc biệt là cánh quạt gió có chiều dài, trọng tải lớn lên công trường. Trong quá trình vận chuyển, đơn vị vận tải đã không tuân thủ khoảng cách an toàn đã gây ra một số sự cố lưới điện truyền tải.
Ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3 |
Cụ thể, lần thứ nhất xảy ra ngày 13/7/2021 đơn vị vận chuyển cánh quạt điện gió trong quá trình vượt đèo An Khê (ranh giới từ Bình Định đi Gia Lai) đã để cánh quạt vi phạm khoảng cách gây phóng điện khoảng cột 127-128 đường dây 220kV Nhà máy thuỷ điện An Khê - Nhà máy sinh khối An Khê. Quá trình vận chuyển đơn vị vận tải không thông báo cho Truyền tải điện Bình Định cử người hướng dẫn an toàn về điện.
Sự cố lần thứ hai xảy ra ngày 9/11/2021 do đơn vị vận chuyển cánh quạt điện gió trong quá trình vượt đèo An Khê đã để cánh quạt vi phạm khoảng cách gây phóng điện tại khoảng cột 122-123 đường dây 220kV Nhà máy thuỷ điện An Khê - Nhà máy sinh khối An Khê. Đơn vị vận tải này cũng không thông báo cho Truyền tải điện Bình Định cử người hướng dẫn an toàn về điện.
Trong Giấy phép lưu hành tổ hợp xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ do Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp có quy định công ty vận tải phải làm việc với đơn vị ngành Điện chấp thuận phương án vận chuyển và phối hợp hướng dẫn an toàn về điện. Tuy nhiên cả 2 đơn vị vận chuyển gây sự cố lưới điện nêu trên đều không thông báo, phối hợp với ngành Điện.
PV: Sau khi sự cố xảy ra, Công ty Truyền tải điện 3 đã xử lý vụ việc này như thế nào?
Ông Đinh Văn Cường: Ngay sau khi sự cố xảy ra, PTC3 đã mời Phòng An ninh Kinh tế (PA04) – Công an tỉnh Bình Định vào cuộc cùng Truyền tải điện Bình Định làm việc với 2 công ty vận chuyển gây ra sự cố: Nêu những thiệt hại đối với lưới điện truyền tải; lập biên bản về trách nhiệm gây ra sự cố, phải có giải pháp không để xảy ra sự cố lập lại, cam kết không để tái lập vi phạm; Bắt buộc phải thông báo kế hoạch vận chuyển và trước 2h của từng chuyến vận chuyển để đơn vị truyền tải cử cán bộ tham gia hướng dẫn, giám sát an toàn về điện.
Phương tiện vận chuyển thiết bị điện gió gây sự cố lưới điện truyền tải ngày 9/11 |
Đã lập hồ sơ về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành trong lĩnh vực Điện lực gửi UBND tỉnh Bình Định; Gửi văn bản đồng thời cử cán bộ đến làm việc với các sở, ban ngành trong tỉnh Bình Định, các Cảng biển tiếp nhận cánh quạt điện gió (Cảng Quy nhơn, Cảng Thi Nại, Tân cảng miền Trung); Công ty Điện lực Bình định; Cảnh sát giao thông đề nghị hỗ trợ PTC3 trong việc yêu cầu các công ty vận tải cánh quạt gió phải có giải pháp đảm bảo không gây sự cố đối với đường dây truyền tải điện.
Cùng với đó, Công ty lắp đặt camera trên các cột điện để liên tục theo dõi từ xa việc vận chuyển cánh quạt điện gió qua các khoảng giao chéo giữa đường dây truyền tải điện trên đèo An Khê.
Ngày 15/11/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 7240/UBND-KT chỉ đạo Sở Công thương, Sở Tư pháp và Truyền tải điện Bình Định chỉ đạo xem xét, đề xuất xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Hiện PTC3 đã tích cực phối hợp với các sở liên quan triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, sẽ có tác dụng rất lớn đối với các công ty vận tải không thực hiện đúng yêu cầu để gây ra sự cố lưới điện truyền tải. Công an tỉnh đã có chỉ đạo công an trên địa bàn yêu cầu các công ty vận tải cung cấp thông tin việc vận chuyển cho đơn vị truyền tải biết để cử cán bộ hướng dẫn an toàn về điện.
Hình ảnh vết phóng điện trên cánh quạt |
PV: PTC3 đánh giá như nào về mức độ nguy hiểm, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn có thể tiếp tục xảy ra với lưới truyền tải điện khu vực này, thưa ông?
Ông Đinh Văn Cường: PTC3 đánh giá quá trình vận chuyển có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra sự cố như: Do áp lực về tiến độ của các chủ đầu tư điện gió nên việc vận chuyển càng phải càng rút ngắn về thời gian vận chuyển, tăng số lần vận chuyển, đi cả ngày lẫn đêm, do đó các nhà thầu vận tải sẽ bỏ qua các bước đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bỏ qua việc thông báo phối hợp với đơn vị truyền tải điện trong phối hợp giám sát an toàn về điện.
Về mặt kỹ thuật, do số lần vận chuyển qua đèo còn rất lớn, mỗi lần vận chuyển chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể gây ra sự cố. Cụ thể, số lượng vận chuyển vượt đèo khoảng 4-5 chuyến/ngày (theo số lượng cánh quạt điện gió đã về ở các cảng, phải 5 tháng nữa mới vận chuyển hết). Thời điểm để xảy ra sự cố với lưới điện là thời điểm điều khiển quay tổ hợp mâm xoay cánh quạt gió từ trạng thái đang vuông góc với mặt đường chuyển sang nghiêng với mặt đường để vượt qua dây điện khá phức tạp vừa phải đảm bảo xe vận chuyển không vị lật (cánh quạt dài 77m, rộng 4,3m, cao 3,36m, nặng 18,2 tấn) vừa đảm bảo khoảng cách an toàn phóng điện nên chỉ sai sót nhỏ là gây ra lật xe.
Ngoài ra, thời tiết khu vực đang mùa mưa, sương mù nhiều làm cho khả năng gây phóng điện dễ xảy ra hơn so với trời khô ráo nếu cùng khoảng cách từ cánh quạt điện gió chưa kể để làm tín hiệu đầu cuối cánh quạt gió công ty vận tải còn gắn dây vải có màu dài khoàng 1-2m khi có gió bay lên càng dễ gây phóng điện.
Phương tiện vận chuyển thiết bị điện gió qua đèo An Khê |
PV: Trước những nguy cơ như ông vừa nêu, PTC3 có đề xuất, kiến nghị gì với các bên liên quan để góp phần đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải?
Ông Đinh Văn Cường: PTC3 quản lý vận hành lưới điện truyền tải khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, các tỉnh này có nhiều công trình điện gió nên vấn đề vận chuyển luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên các khoảng giao chéo giữa quốc lộ và đường dây truyền tải. Chính vì vậy, PTC3 kiến nghị cơ quan công an, quản lý nhà nước tại địa phương tăng cường kiểm soát các công ty vận chuyển phải có “Giấy phép lưu hành tổ hợp xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ do Tổng cục đường bộ Việt Nam cấp” (đã có phương tiện vận chuyển mà không có giấy phép).
Tuân thủ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong đó có yêu cầu “Phải làm việc với đơn vị ngành Điện chấp thuật phương án vận chuyển và phối hợp hướng dẫn an toàn về điện”. Chính quyền địa phương thực hiện các hình thức xử lý theo quy định hiện hành đối với các đơn vị vận chuyển đã gây ra sự cố lưới điện truyền tải.
Các cơ quan truyền thông cùng vào cuộc để xã hội cùng hiểu chia sẻ cùng tất cả CBCNV ngành Điện nói chung và CBCNV Truyền điện nói riêng về những khó khăn vất vả trong việc đảm bảo vận hành an toàn, liên tục lưới truyền tải điện.
Trước mặt, để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải, PTC3 đã giao Truyền tải điện Bình Định đã cử 1 nhóm 5 công nhân thường trực trên đèo An Khê khi có xe vận chuyển cánh quạt điện gió đi qua để chủ động để hướng dẫn đảm bảo an toàn về điện nhất là các xe vận chuyển của công ty vận tải không thông báo cho Truyền tải điện Bình Định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Công ty Truyền tải điện 3 sẵn sàng ứng phó với hình thái mưa bão cực đoan Hiện nay khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đang có mưa lớn, cùng với đó dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào khu vực trong ngày tới. PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Doãn Anh – Trưởng phòng An toàn, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3). |
Minh Anh