Tuyên dương 50 giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong dạy học
(PetroTimes) - Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức gặp mặt các giáo viên tiêu biểu dạy có nhiều sáng kiến, đổi mới trong dạy học tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các giáo viên tiêu biểu |
50 giáo viên được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 là các thầy giáo, cô giáo đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Các thầy, cô là tấm gương về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, tận tụy cho các em học sinh. Nhiều thầy, cô giáo có hòan cảnh gia đình, kinh tế khó khăn; điều kiện giảng dạy, trường lớp còn thiếu thốn về cơ sở vật chất; phương tiện di chuyển đên trường không đảm bảo; nhiều thầy, cô đã hy sinh, dành cả tuổi thanh xuân của mình gắn với sự nghiệp giáo dục ở những vùng, miền khó khăn.
Các thầy cô giáo tham dự buổi gặp mặt là những người đang trực tiếp giảng dạy có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Tại chương trình gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy như: Thiếu về cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị để giảng dạy trực tuyến; Học sinh là người dân tộc còn chưa sõi tiếng Việt...; Đồng thời đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn tiếp tục có giải pháp hỗ trợ các trường còn nhiều khó khăn; chăm lo cho học sinh, nhất là các em vừa mất bố mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thầy giáo Lê Châu Khoa, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), lại mạnh dạn lập một kênh Youtube riêng để truyền tải tri thức đến học trò. “Đối với học sinh ở vùng cao, vùng sâu, có nhiều điều giáo viên không thể áp dụng theo kiểu khô cứng, “cào bằng”. Thay vì sử dụng bài giảng mẫu, các thầy, cô giáo hoàn toàn có thể tự biên soạn giáo án trực tuyến trên các trang mạng xã hội. Một bài giảng như vậy sẽ chứa đựng nhiều tâm huyết, phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh khác nhau”, thầy Khoa chia sẻ.
Cô Phạm Thị Tuyết (Trường Tiểu học Vân Am 1, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) chia sẻ, là giáo viên chủ nhiệm lớp, cô luôn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của các em, ban đầu rất khó để các em mở lời. Cô dành nhiều thời gian bên các em, đi sớm về muộn, tranh thủ cả những lúc ra chơi để cùng chơi, cùng học với các em. Lúc nói tiếng Mường, lúc lại nói tiếng kinh, khi thì như người bạn, lúc thì như người chị, người mẹ… chỉ bảo cho các em cách học, các kỹ năng sống thông qua các bài học, lâu dần các em đã mạnh dạn hơn, gần gũi với cô hơn và đặc biệt là ham học hỏi. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phúc tạp, cô đã tích cực ôn luyện cho qua zalo, dạy online cho các con thường xuyên nên chất lượng giáo dục của lớp luôn dẫn đầu.
Thầy Vũ Trường Hải (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Gò Vấp, TP HCM) cho hay: "Dạy học trực tuyến khó, dạy thể dục còn "khó dữ". Khi học trực tiếp thổi còi chưa chắc các em đã làm theo, nay lại còn học online. Do vậy, giáo viên thể dục phải phối với công nghệ, quay clip các bài học, soạn thành giáo án gửi đến cho các em học sinh làm theo. Sau đó, ứng dụng phần mềm để các em tự tập, quay rồi đăng tải lên".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại chương trình |
Biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, gắn bó với học sinh và phụ huynh vùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Mỗi thầy cô một điều kiện hoàn cảnh nhưng đã có những đóng góp ý nghĩa trong sự nghiệp trồng người. Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các thầy cô giáo không ngừng phấn đấu rèn luyện, sáng tạo trong xây dựng các bài giảng giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”, đóng góp cho ngành Giáo dục. Đặc biệt, các thầy cô giáo nơi vùng đồng bào khó khăn thực hiện tốt công tác vận động đưa trẻ đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học. Qua đó, nâng cao trình độ, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.
Các thầy cô phải khơi dậy cho nhau, khơi dậy cho các học sinh khát vọng cống hiến. Hiện các chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách với đội ngũ giáo viên đang từng bước quan tâm đến các thầy cô và các em để có môi trường cho các thầy cô đóng góp, làm việc một cách tốt nhất. Công việc đổi mới này tiếp tục còn có những gian truân, nên rất mong các thầy, cô vững tâm, mỗi thầy cô là những hạt nhân tiêu biểu lan tỏa mạnh mẽ tới đồng nghiệp, học sinh của mình, để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho cộng đồng, cho thầy cô, cho học sinh.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng các thầy cô, ghi nhận những đóng góp, những thành tích xuất sắc của họ trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trước đó, ngày 18/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021. Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng và biểu dương những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhà giáo nói chung, các thầy cô giáo tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021; đồng thời, biểu dương sáng kiến tổ chức Chương trình của Trung ương Đoàn. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Chủ tịch nước chúc các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Phú Văn