Tiền đổ vào chứng khoán Việt lập kỷ lục mọi thời đại
VN-Index có lúc giảm hơn 30 điểm nhưng đã kịp thu hẹp thiệt hại, thanh khoản kỷ lục 2,4 tỷ USD. Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp đánh giá: "Thị trường chứng khoán đang là kênh hút tiền".
Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, cầu bắt đáy cực mạnh
Một phiên giao dịch không dành cho những nhà đầu tư "yếu tim". Chỉ số VN-Index dập dình lên xuống như "tàu lượn" trong suốt phiên sáng và đầu phiên chiều. Rốt cuộc, điều gì đến cũng phải đến, một cú chỉnh sâu đẩy VN-Index có lúc mất mốc 1.440 điểm, tương ứng rơi hơn 30 điểm và giảm hơn 40 điểm so với mốc cao nhất phiên.
Hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn. Nhiều nhà đầu tư "đứng hình" khi thị trường biến động quá nhanh. Có những mã đầu phiên đang tăng cao, nhà đầu tư chưa kịp chốt lãi thì cuối phiên đã giảm sàn. Lệnh thị trường (MP) dồn dập. Nhiều mã dư bán giá sàn, nhà đầu tư bán bằng mọi giá, bất chấp việc bán cả mức giá thấp nhất phiên.
Nhiều cổ phiếu "nóng" bị chốt lời, thị trường có thời điểm giảm rất sâu (Ảnh chụp màn hình). |
Tuy nhiên, phần lớn mã giảm sàn trong phiên hôm nay đều là những mã đã có diễn biến tăng nóng trong thời gian gần đây. Do vậy, ngay cả khi nhà đầu tư đặt mua giá sàn thì họ cũng đã có lãi. Còn trạng thái hoang mang phải kể đến những nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu ở mức giá "xanh", mua xong đã lỗ trong phiên hơn 7%.
"Quá bất ngờ, tôi không nghĩ thị trường đảo chiều nhanh như thế. Tôi cứ nghĩ là thị trường sẽ hồi phục sau khi đáo hạn phái sinh tương đối an toàn" - anh Nguyễn Huy Hùng, một nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội, chia sẻ.
Chị Phương Nhung, một nhà đầu tư khác ở TPHCM, lại cho hay: "Buổi sáng, mở app thấy cổ phiếu đang tăng 5% yên tâm họp, đến cuối ngày đã thấy cổ phiếu giảm sàn".
786 là số mã giảm giá ghi nhận trên toàn thị trường trong phiên hôm nay, bỏ xa số lượng mã tăng (461 mã). Tuy nhiên, rất nhiều mã đã thoát sàn và hồi phục, thời điểm đóng cửa toàn thị trường chỉ ghi nhận có 40 mã giảm sàn trong khi đó vẫn có 148 mã tăng trần.
Điều này phản ánh tiền vào thị trường vẫn khỏe và phiên giảm này khả năng chỉ mang tính chất "nắn" lại hướng đi của dòng tiền. Nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội chứ chưa rời bỏ thị trường.
VN-Index đóng cửa tại 1.452,35 điểm, thu hẹp biên độ thiệt hại còn 17,48 điểm, tương ứng 1,19%. VN30-Index giảm 3,37 điểm, tương ứng 0,22%, còn 1.500,05 điểm. Trong khi đó, HNX-Index thiệt hại nặng 14,75 điểm, tương ứng 3,15%, còn 453,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,28 điểm, tương ứng 0,24%, còn 113,24 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì mức cao là động lực giúp cổ phiếu ngành chứng khoán "thoát sàn" nhanh chóng (Ảnh chụp màn hình). |
Giá trị giao dịch trên HSX lên tới 44.802,5 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 1,52 tỷ cổ phiếu. Áp lực chốt lãi mạnh và dòng tiền bắt đáy cũng cực "khủng". Con số này trên HNX là 250,85 triệu cổ phiếu, tương ứng 6.379,56 tỷ đồng và trên UPCoM là 317,21 triệu cổ phiếu, tương ứng 4.799,99 tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường xấp xỉ 56.000 tỷ đồng (2,46 tỷ USD) - một lần nữa đánh dấu thanh khoản kỷ lục trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, điều này chứng tỏ "thị trường chứng khoán đang là kênh hút tiền".
Dòng tiền cơ cấu, chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng
Trong phiên hôm nay, VN30 vẫn có 11 mã tăng giá và 1 mã tăng trần. Đáng chú ý là hầu hết cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng giá trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường bị điều chỉnh. HDB "sáng" nhất phiên với diễn biến tăng trần lên 30.200 đồng, khớp lệnh gần 21 triệu cổ phiếu và trắng bên bán.
BVB tăng 6,7%; SGB tăng 5,9%; PGB tăng 5,3%; BAB tăng 4,5%; EIB tăng 3,7%; MSB tăng 3,4%; VIB tăng 3,2%...
Sau thời gian tích lũy, cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh và đi ngược dòng thị trường trong phiên "bão tố" (Ảnh chụp màn hình). |
Như vậy có thể thấy, ở phiên này chưa có tình trạng bán tháo trên diện rộng mà mới chỉ là hoạt động chốt lãi tại những cổ phiếu "nóng". Hiệu ứng bán xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, tuy vậy, thị trường đã "cầm cự" được trên vùng 1.450 điểm nhờ lực cầu bắt đáy. Hơn nữa, dòng cổ phiếu ngân hàng cũng đã giữ vai trò "giữ nhịp" khá tốt - đây là dòng tích lũy khá lâu trong thời gian qua.
Cổ phiếu ngành chứng khoán sau một số phiên tăng mạnh cũng đã bị chốt lời, nhiều mã giảm sàn trong phiên. Tuy nhiên, lực cầu với dòng này vẫn rất mạnh, ngoại trừ APG thì đều đã "thoát sàn". Một số mã hồi phục khá tốt sau khi giảm sàn chớp nhoáng trong phiên là SHS, VND, VCI, AGR, IVS, CTS, SBS, BSI. Một số mã vẫn đạt được trạng thái tăng lúc đóng cửa như ART, HBS, VIX.
Giá dầu thế giới ở phiên hôm nay đã hồi phục, tuy nhiên, cổ phiếu dòng dầu khí lại phân hóa. Trong khi PVC giảm 7,7%; BSR giảm 7,7%; PVD giảm sàn, trắng bên mua; GAS giảm 6,9%; POS giảm 6,8%; PLC giảm 6,7%; PVS giảm 5,4%... thì PXL, PVX, PXI lại tăng trần, PTL tăng 1,9%; PXS thoát sàn và cuối phiên chỉ còn giảm 1,1%.
Theo Dân trí