Cảnh báo đỏ việc thuốc bảo vệ thực vật chứa chất cấm
(PetroTimes) - Để trục lợi, các đối tượng vẫn làm giả bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trộn chất cấm làm hàng nhái lừa bán cho nông dân.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về chống buôn lậu, hàng giả, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành phố đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.
Phun thuốc bảo vệ thực vật khi cho lúa gạo. |
Đơn cử, qua thời gian dài theo dõi và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Gia Lai) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra đột xuất đại lý chuyên bán thuốc BVTV tại xã An Phú, TP Pleiku (Gia Lai), phát hiện đang bày bán 7 chai thuốc trừ sâu loại 500ml, thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl; 20 chai thuốc trừ cỏ loại 900ml thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Glyphosate.
Kiểm tra kho chứa của cửa hàng, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 12 sản phẩm có các hoạt chất cấm tương tự. Sau khi kiểm đếm, đoàn kiểm tra đã xác định được tổng số lượng 3.643,85 lít và 94kg thuốc BVTV có chứa 2 hoạt chất cấm là Chlorpyrifos Ethyl và Glyphosate. Đáng nói, trụ sở của đại lý này nằm ngay khu vực xã An Phú - khu vực trồng rau xanh lớn của tỉnh Gia Lai. Xã An Phú cũng là nơi cung cấp số lượng rau lớn cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai và đầu mối để cung cấp rau, củ cho một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Ông Đinh Văn Hà - Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai - cho biết, đây là vụ phát hiện lượng thuốc BVTV có chất cấm lớn nhất tại tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và dấu hiệu tội phạm hình sự, sau khi kiểm đếm số lượng, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm và đề xuất chuyển cho cơ quan Công an tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý theo quy định.
Không chỉ các đại lý lén lút bán chất cấm, trên các trang mạng xã hội đang có hàng trăm hội nhóm kinh doanh phân bón và thuốc BVTV khác nhau. Các hội nhóm này có đến hàng chục nghìn thành viên hoạt động sôi nổi với rất nhiều chất cấm được chào bán với số lượng lớn. Phần lớn những điểm bán chất cấm trên các nhóm đều chỉ bán sỉ cho đại lý, rất ít bán lẻ; đa dạng vùng miền, quảng cáo giao hàng toàn quốc cho tất cả khách có nhu cầu. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng trở thành nơi quảng bá và kinh doanh chất cấm.
Để kịp thời cảnh báo nông dân trên địa bàn, ngành nông nghiệp các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng vừa phát đi văn bản cảnh báo nông dân không sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate trong hoạt động canh tác cà phê và sản xuất trồng trọt theo khuyến cáo của Tổ chức Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP).
Lạng Sơn thu giữ hàng trăm chai thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. |
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - cho biết: Trên thị trường thuốc BVTV, có đến hàng nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh với hàng chục nghìn tên sản phẩm khác nhau. Điều này khiến tình trạng buôn bán tràn lan, hàng giả lộng hành, trục lợi gây ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 13/2/2021; đối với hoạt chất Glyphosate, không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2021.
Có thể thấy rằng, tình trạng loạn thuốc BVTV đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đã đến lúc cần xem xét tăng nặng khung hình phạt, trong đó có cả xử lý hình sự các đối tượng làm giả, làm nhái thuốc bảo vệ thực vật vì hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến thị trường mà còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Tùng Dương