“Cơn khát” năng lượng của Trung Quốc
(PetroTimes) - Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết phân tích về việc Trung Quốc đang tập hợp tất cả các nguồn năng lượng về cho mình trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng vừa qua.
Trong vài tháng qua, thị trường đã chứng kiến cuộc tranh luận leo thang về sự thiếu hụt các tàu vận chuyển nhiên liệu trên quy mô toàn cầu, về sự tăng vọt giá khí đốt thiên nhiên và sự gia tăng giá các loại nhiên liệu khác. Trong điều kiện hiện tại, thị trường đang trông đợi những giải pháp có thể giải quyết cuộc khủng hoảng giá năng lượng ở mức độ nào đó tại thị trường châu Âu và tại các thị trường lớn. Sau cuộc họp của liên minh OPEC+ (04/11), Bộ trưởng năng lượng KSA Abdulaziz bin Salman Al Saud cho biết, mức tối đa mà ngành dầu mỏ có thể cung cấp hỗ trợ sản xuất điện là khoảng 600.000 thùng/ngày. Do đó, khả năng thay thế khí đốt thiên nhiên bằng dầu mỏ trong sản xuất điện trên thế giới bị hạn chế đáng kể. Và điều này chỉ đóng vai trò hỗ trợ bổ sung cho nhu cầu khí đốt thiên nhiên ngày càng gia tăng.
Vì vậy ở thị trường châu Âu, việc giá khí đốt tăng vọt khiến nhiều công ty tiện ích buộc phải chuyển sang sử dụng than và dầu mazut để sản xuất điện. Giới chuyên gia cho rằng, mùa đông này sẽ chứng kiến sản lượng tiêu thụ dầu mazut tăng kỷ lục. Lần đầu tiên kể từ những năm 1970, 1 đơn vị dầu mazut có giá chỉ bằng hơn một nửa giá 1 đơn vị khí đốt thiên nhiên nếu xét về nhiệt lượng tạo ra để sưởi ấm. Tình hình trở nên trầm trọng hơn ở châu Âu do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho lĩnh vực điện gió.
Bất chấp các cam kết chắc chắn của giới lãnh đạo EU (trong đó có sự đoàn kết với Chính phủ Mỹ hiện tại) để duy trì chương trình nghị sự xanh làm nền tảng cho chính sách đối nội và đối ngoại của liên minh này, các nhà sản xuất điện tại khu vực Tây Bắc Âu đã bắt đầu quay trở lại vận hành các cơ sở điện than, nơi mà trước đây đã bị đóng cửa do không đảm bảo yếu tố môi trường. Đồng thời, nhiên liệu than đầu vào cho các cơ sở sản xuất điện than cũng bắt đầu tăng giá. Bên cạnh, một vấn đề khác nảy sinh là tổng công suất điện than trong khu vực cũng hạn chế.
Ở phía bên Đông bán cầu, Trung Quốc đang bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt về các nguồn năng lượng, trong đó chủ yếu là than đá. Nước này đã gia tăng thêm sản lượng khai thác than mới, vượt sản lượng khai thác ở khu vực Tây Âu trong năm 2021. Bên cạnh đó, chính quyền nước này cũng cho phép tái khởi động các mỏ than đã đóng cửa trước đó. Hiện nay, số lượng mỏ than khai thác tại Trung Quốc đang ngày càng tăng nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa ở mức 220 triệu tấn/năm.
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tăng sản lượng thêm 110 triệu tấn than, trong khi sản lượng khai thác than năm 2020 đã đạt 3,84 tỷ tấn (để so sánh thì sản lượng khai thác than tại Nga trong năm 2020 đã đạt 441,4 triệu tấn). Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ tăng cường đảm bảo nhu cầu của mình bằng nguồn than nội địa. Theo thống kê sơ bộ của hải quan Trung Quốc trong tháng 9/2021, sản lượng than nhập khẩu đã tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn 32,9 triệu tấn). Đến tháng 10 vừa qua, nhập khẩu than của Trung Quốc tăng tới 96,2% so với cùng kỳ 2020 (tăng thêm 26,9 triệu tấn). Tổng cộng, trong 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng than nhập khẩu đã tăng thêm 257,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Các công ty Trung Quốc hiện đang tích cực ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác Mỹ và Qatar để nhập khẩu LNG. Khi hoạt động kinh tế hồi phục, nhu cầu năng lượng tăng lên, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu LNG đều đặn, kể cả từ Mỹ. Theo ước tính của trang tin Global Times (Trung Quốc), trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng tới 375% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 5,4 triệu tấn.
Cơn khát năng lượng của nền kinh tế Trung Quốc và những hạn chế đối với nguồn cung dầu từ các nước OPEC+ tiếp tục gây lo ngại cho người tiêu dùng năng lượng phương Tây. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, những yếu tố này đang gây ra rủi ro nghiêm trọng cho việc thu hồi đủ khối lượng than và khí đốt thiên nhiên ở Tây Âu và dầu thô ở Mỹ.
Tiến Thắng