Đại dịch Covid-19 có thể chấm dứt vào năm 2022?
Tạp chí The Economist nhận định, các đại dịch không bao giờ chấm dứt hoàn toàn, mà chỉ giảm bớt. Covid-19 có thể cũng sẽ như vậy vào năm 2022.
Người nhà của nạn nhân Covid-19 đau buồn khi chứng kiến cảnh hỏa thiêu thi thể ở Ấn Độ (Ảnh: AP). |
Các đợt bùng phát dịch cục bộ và theo mùa vẫn sẽ diễn ra, đặc biệt tại các quốc gia chưa tiêm chủng đầy đủ. Các nhà dịch tễ học cũng cần phải theo dõi các biến chủng mới có thể vượt khả năng miễn dịch do vaccine Covid-19 mang lại.
Mặc dù vậy, trong những năm tới, khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm mùa hoặc cảm lạnh thông thường, phần lớn thế giới có thể sẽ trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất là thời kỳ bình thường mới hậu đại dịch.
Đằng sau viễn cảnh này là cả thành công rực rỡ và thất bại đáng buồn.
Thành công ở chỗ có rất nhiều người đã được tiêm chủng và ở mỗi giai đoạn bệnh, từ những người mắc triệu chứng nhẹ cho đến điều trị tích cực, các loại thuốc mới đều có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong.
Việc bào chế và cấp phép nhanh chóng cho nhiều loại vaccine và phương pháp điều trị cho một căn bệnh mới như Covid-19 là một thành công lớn về mặt khoa học.
Vắc xin bại liệt mất tới 20 năm để đi từ những thử nghiệm ban đầu cho đến khi được cấp phép đầu tiên tại Mỹ. Trong khi đó, vào cuối năm 2021, chỉ 2 năm sau khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, thế giới đã sản xuất khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 mỗi tháng. Hãng dữ liệu Airfinity dự đoán vào cuối tháng 6/2022, tổng cộng 25 tỷ liều vaccine Covid-19 có thể sẽ được sản xuất.
Vaccine Covid-19 không có khả năng bảo vệ con người 100%, đặc biệt là người lớn tuổi. Do vậy, y học thế giới đã đạt được thành tựu khi tạo ra thuốc điều trị giúp giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công là thất bại. Một lý do nữa khiến Covid-19 sẽ ít nguy hiểm hơn trong tương lai là vì đại dịch này đã gây ra nhiều thiệt hại trong quá khứ. Rất nhiều người được bảo vệ khỏi các biến chủng hiện tại của SARS-CoV-2 chỉ vì họ đã từng nhiễm bệnh. Nhưng vẫn còn rất nhiều người, chủ yếu ở các nước đang phát triển, vẫn chưa được tiêm vaccine hoặc tiếp cận thuốc điều trị Covid-19, ít nhất cho đến năm 2022.
Để có được khả năng miễn dịch, cái giá phải trả là rất lớn. Theo thống kê của The Economist vào ngày 22/10, số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu là 16,5 triệu người (dao động từ 10,2-19,2 triệu), tức là cao gấp 3,3 lần so với con số thống kê chính thức. Thống kê cũng cho thấy số ca nhiễm có thể lên tới 1,5-3,6 tỷ người, cao gấp 6-15 lần so với con số được ghi nhận.
Sự kết hợp giữa lây nhiễm tự nhiên và tiêm chủng vaccine đã lý giải vì sao ở Anh vào mùa thu, có tới 93% người trưởng thành được phát hiện có kháng thể với Covid-19. Tỷ lệ miễn dịch ở Anh cho thấy, con người vẫn có thể bị tái nhiễm, nhưng sau mỗi lần nhiễm virus như vậy, hệ thống miễn dịch sẽ được trang bị tốt hơn để đẩy lùi virus.
Sự ra đời của các phương pháp điều trị mới và việc ngày càng có nhiều người trẻ bị nhiễm bệnh đã giải thích vì sao tỷ lệ tử vong ở Anh hiện chỉ bằng 1/10 so với hồi đầu năm 2021. Các quốc gia khác cũng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu.
Viễn cảnh trên có thể thay đổi khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm mới. Virus vẫn liên tục đột biến và càng nhiều đột biến thì khả năng xuất hiện biến chủng mới càng tăng lên. Tuy nhiên, các biến chủng mới được cho là khó có khả năng gây chết chóc nhiều như Delta. Trong khi đó, các phương pháp điều trị hiện tại vẫn hiệu quả, đồng thời vaccine có thể được điều chỉnh nhanh chóng để khắc phục các đột biến mới.
Covid-19 vẫn chưa bị xóa sổ. Nhưng đến năm 2023, nó sẽ không còn là căn bệnh gây nguy hiểm cho hầu hết các nước đang phát triển nữa. Dù vậy, nó vẫn sẽ gây nguy hiểm cho hàng tỷ người ở các nước nghèo. Sau đó, Covid-19 dần sẽ trở thành một dịch bệnh như các dịch bệnh khác trong lịch sử.
Theo Dân trí