Liên minh quốc tế từ bỏ năng lượng hóa thạch lần đầu được thành lập
(PetroTimes) - Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow, Anh, sẽ bước vào ngày cuối 12/11/2021 (theo giờ Anh), sau gần 2 tuần làm việc. Bất ngờ đã xảy ra với sự ra mắt của một liên minh quốc tế từ bỏ năng lượng hóa thạch. Các thông báo mang lại nhiều hy vọng, nhưng cùng lúc đó là những hoài nghi lớn.
Dù sao, điểm nổi bật tại Hội nghị Khí hậu COP26 lần này được nhiều báo Pháp ghi nhận chính là việc lần đầu tiên một số nước có kế hoạch cụ thể nhanh chóng ra khỏi năng lượng hóa thạch. Le Monde có bài giới thiệu về Liên minh “Beyond Oil and Gas Alliance” (BOGA), gồm 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, ra mắt hôm 11/11. Liên minh do Costa Rica và Đan Mạch khởi xướng, bao gồm Pháp, đảo Groenland (Đan Mạch), Ailen, xứ Wales (Anh), Québec (Canada) và Thụy Điển.
Le Monde cũng nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên một Hội nghị về khí hậu và môi trường của Liên Hiệp Quốc (COP) tấn công trực diện và các năng lượng hóa thạch, thủ phạm số một của biến đổi khí hậu. Liên minh BOGA hy vọng sẽ có nhiều nước gia nhập, và vấn đề từ bỏ năng lượng hóa thạch sẽ phải được tiến hành sao cho bảo đảm công bằng xã hội, không để gánh nặng rơi vào dân nghèo, và các nước công nghiệp cần làm gương trong chuyện này.
Đại diện các quốc gia thành viên BOGA tại COP26 |
Ngoài liên minh BOGA chấm dứt khai thác năng lượng hóa thạch trong nước, hồi tuần trước, khoảng 20 quốc gia cam kết sẽ từ bỏ than đá hoặc trước 2030, hoặc trước 2040. Ông Romain Ioualalen, phụ trách truyền thông của tổ chức phi chính phủ Oil Change International, đặc biệt nhấn mạnh đến sự ra đời của liên minh từ bỏ than đá là “một bước ngoặt trong bối cảnh từ 30 năm nay, các thương lượng về khí hậu đã lờ đi vấn đề các năng lượng hóa thạch”. Bản thân Hiệp định Khí hậu Paris cũng không hề dẫn ra vấn đề các năng lượng hóa thạch, cho dù đây là thủ phạm của 90% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhà môi trường Rebecca Newsom, thuộc Greenpeace, Anh, vui mừng với sự ra mắt của Liên minh BOGA, được coi như “một chiếc đinh mới đóng vào chiếc quan tài của các năng lượng hóa thạch”, nhưng đồng thời cảnh báo thế lực cổ vũ cho năng lượng hóa thạch còn rất mạnh. Những người vận động hành lang cho các năng lượng hóa thạch có mặt đông đảo tại COP26, với 503 thành viên, đông hơn nhiều so với thành viên các nước bị biến đổi khí hậu tác động nặng nề nhất. Theo Greenpeace, hơn 100 tập đoàn dầu khí có mặt tại COP26, 27 quốc gia có các nhân viên vận động hành lang cho năng lượng hóa thạch có mặt trong đoàn đàm phán quốc gia.
Nh.Thạch