Philippines phát triển năng lượng địa nhiệt
(PetroTimes) - Philippines là một trong số những quốc gia có vị trí địa lý tại Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có hàng chục ngọn núi lửa đang hoạt động. Cuộc sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng khá nhiều bởi hoạt động của núi lửa. Tuy nhiên, chính quyền Philippines đã biến sự nguy hiểm thành cơ hội khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt.
Trang tin Oilcapital.ru mới đây đã có bài viết phân tích về việc Philippines đã phát triển năng lượng địa nhiệt như thế nào để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới khai thác loại năng lượng này.
Hiện nay, năng lượng địa nhiệt chưa trở thành nguồn NLTT phổ biến do những đặc điểm địa lý. Đây là loại năng lượng tích tụ dưới dạng nhiệt dưới bề mặt trái đất và liên kết với núi lửa, suối nước nóng, mạch nước ngầm và phân bố không đồng đều trên Trái Đất. Nguyên tắc cơ bản trong khai thác loại năng lượng này là bơm nguồn hơi nước ở nhiệt độ cực cao trong lòng đất làm nhiên liệu đầu vào cho các tuabin hơi nước để sản xuất điện. Theo thời gian, công nghệ địa nhiệt phát triển để mở rộng khả năng sản xuất điện từ các nguồn địa nhiệt có nhiệt độ trung bình thấp hơn so với điều kiện nhiệt độ đầu vào của nhiều năm về trước.
Không giống như năng lượng gió và mặt trời, năng lượng địa nhiệt ít bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hơn. Năng lượng này có thể được khai thác 24/7 và không cần vận chuyển, chuyển đổi do được lưu trữ trong đá, đất và nước ngầm. Khi được sử dụng đúng cách, địa nhiệt là nguồn năng lượng gần như vô tận, không phát thải bất kỳ khí nào và tác động rất thấp đến môi trường. Có thể khẳng định, đây là nguồn năng lượng “xanh” tuyệt đối, sẵn có, nhưng không dành cho tất cả các quốc gia.
Ngày nay, một số quốc gia tại Bắc Âu đã sử dụng địa nhiệt để sưởi ấm trong mùa Đông. Tại Iceland, 66,3 % sản lượng năng lượng đến từ năng lượng địa nhiệt. Khoảng 85% các ngôi nhà tại đây được sưởi ấm bằng nhiệt từ dòng dung nham dưới lòng đất (nơi nhiệt độ có thể lên tới 460 độ C).
Quần đảo lửa
Thế giới hiện ghi nhận các nhà máy địa nhiệt quy mô lớn đang hoạt động tại Mỹ, Indonesia, Philippines, New Zealand và Mexico. Tất cả các quốc gia này đều nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có hoạt động địa chấn mạnh.
Philippines là quốc gia sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Mexico. Quá trình thăm dò địa nhiệt đã bắt đầu ở quốc gia này từ năm 1962. Đến năm 1979, Philippines đã đưa những nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên vào vận hành thương mại. Đến năm 1984, tổng công suất lắp đặt điện địa nhiệt đã đạt 890 MW, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu điện của Philippines lúc bấy giờ.
Nguyên nhân chính dẫn đến phát triển năng lượng địa nhiệt tại Philippines xuất phát từ khủng khủng hoảng dầu mỏ và nhu cầu điện tăng nhanh. Trong những năm 1970, Chính phủ Philippines đã tích cực hỗ trợ đầu tư vào loại năng lượng này, đưa nước này trở thành quốc gia sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, giá điện địa nhiệt vẫn còn khá đắt đỏ. Do đó ở Philippines, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm vị thế số 1. Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện ở Philippines luôn ở mức trên 70%.
NLTT chiếm khoảng 25% tổng sản lượng năng lượng tại quốc gia này. Trong đó, thủy điện chiếm khoảng 11,8%, năng lượng địa nhiệt chiếm khoảng 13,3%. Trong vòng 20 năm qua, sản lượng điện địa nhiệt ở Philippines hầu như không thay đổi, trong khi sản lượng điện than và điện khí đã tăng gấp ba lần.
Thị phần năng lượng địa nhiệt trong cơ cấu năng lượng toàn cầu là khoảng 14,8%. Tại Philippines, 7 mỏ địa nhiệt của nước này đang cung cấp năng lượng cho khoảng 2.000 MW công suất phát điện. Đến năm 2040, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong khuôn khổ kế hoạch của Bộ năng lượng nước này. Theo đó, năng lượng địa nhiệt sẽ tăng tỷ trọng lên 40% trong cơ cấu NLTT vào năm 2030 và tổng công suất lắp đặt sẽ tăng lên 4.000 MW vào năm 2040. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển năng lượng địa nhiệt, nhưng giới thị trường vẫn cho rằng, Philippines vẫn chưa tận dụng được hết nguồn tài nguyên địa nhiệt khổng lồ của mình.
Năng lượng địa nhiệt tại Philippines có triển vọng?
Trở ngại chính đối với phát triển năng lượng địa nhiệt hiện nay là chi phí vẫn còn cao. Bên cạnh đó, kế hoạch của Chính phủ Philippines về phát triển loại năng lượng này bị đánh giá vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Điều này không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển các nguồn địa nhiệt tại đây.
Một giếng thăm dò địa nhiệt hiện có giá khoảng 8 triệu USD và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để ước tính chính xác hơn trữ lượng địa nhiệt trong khu vực thăm dò, nhà đầu tư cần phải khoan hai giếng thăm dò. Lợi tức đầu tư vào năng lượng địa nhiệt chỉ thu được trong dài hạn mặc dù tỷ hoàn vốn đầu tư là khá cao.
Theo Bộ năng lượng Mỹ, chi phí đầu tư sản xuất năng lượng địa nhiệt là từ 2,5 - 5 triệu USD/MW, chưa bao gồm chi phí thăm dò và phát triển. Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư vào địa nhiệt cần được hỗ trợ nhiều hơn. Một số đề xuất chính sách đã được đưa ra như giảm thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị khai thác địa nhiệt; trợ cấp giá điện; hỗ trợ tín dụng cạnh tranh. Nước láng giềng Indonesia đang vượt trội hơn so với Philippines ở khía cạnh này.
Bộ năng lượng Philippines đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển năng lượng địa nhiệt tại quốc gia này cho đến nay. Tuy nhiên, trước mắt họ còn một chặng đường dài và đòi hỏi những cải tiến, nỗ lực nghiêm túc hơn nữa để giải quyết bài toán an ninh năng lượng trong tương lai.
Tiến Thắng