Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi Đun Pù
Để những đứa trẻ không vì đường xa mà dang dở đường đến trường, lớp học đặc biệt được dựng ngay trên đỉnh Đun Pù, thuộc xã Nam Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa).
Lớp học đặc biệt bên dòng sông Con |
Chuyện một lớp học đặc biệt |
“Thầy giáo nhí” với lớp học đặc biệt |
Lớp học đặc biệt
Sau nhiều giờ "đánh vật" với những khúc cua tay áo trên con đường đèo dốc đầy hiểm trở, chúng tôi đến bản vùng cao Đun Pù. Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 5 km đường chim bay nhưng lại nằm chênh vênh trên đỉnh núi khiến Đun Pù và trung tâm xã cách biệt như hai thế giới.
Những năm trước, người dân nơi đây mỗi lần đưa con đến trường phải vượt qua những cung đường vô cùng khó khăn, đặc biệt là con dốc dựng đứng. Bởi thế, nếu muốn vào lớp đúng giờ, học sinh phải đi học khi trời còn chưa sáng.
Ở Đun Pù, một nhóm trẻ mầm non được học ở phòng kiên cố còn một nhóm phải học dưới phòng tranh tre. |
Có lẽ vì vậy mà người lớn đã không còn mặn mà đưa con đến trường, những đứa trẻ dần xa rời lớp học. Thầy cô giáo vô cùng vất vả vì mỗi năm phải đôi, ba lần lặn lội đến nhà học sinh vận động trở lại trường. Và không để vì đường sá xa xôi khiến những đứa trẻ thất học, lớp học được dựng lên ngay trên đỉnh Đun Pù.
Bản Đun Pù với phần lớn đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là một trong số 36 bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa. Chúng tôi đến nơi khi lớp học còn chìm trong sương mù. Điểm trường mầm non có 20 cháu nhưng chỉ có 10 cháu được học phòng kiên cố, số còn lại phải học ở phòng tranh tre.
Cô giáo Hà Thị Thoa, phụ trách lớp mầm non bản Đun Pù chia sẻ: "Để duy trì sĩ số, những ngày trời mưa, cô giáo phải xuống tận nhà đưa học sinh lên lớp. Có hôm lên đến lớp thì áo quần cả cô và trò đều dính đầy bùn đất. Không những vậy, sau mỗi đợt nghỉ dài, các cô giáo lại vượt từng quả đồi đến nhà học sinh để vận động đi học.
Từ ngày có lớp học trên bản, học sinh chăm chỉ đến lớp hơn. Do số học sinh mầm non năm nay đông hơn nên trưởng bản đã vận động người dân đi rừng lấy tranh, tre… rồi dựng cho các cháu phòng học tạm".
Một phòng nhưng 2 lớp ghép cùng học một cô giáo. |
Từ ngày có lớp học trên đỉnh Đun Pù, các cô giáo phải vượt đường xa để lên với học trò nhưng niềm vui nhất là mỗi ngày cô giáo không còn phải nhìn trời để đoán xem hôm nay lớp có bao nhiêu học sinh đến trường.
Cách lớp mầm non không xa, có 3 học sinh lớp một và 6 học sinh lớp hai được học ghép chung một phòng. Học sinh hai lớp quay lưng lại với nhau. Khi cô giáo giảng bài cho lớp này, thì những đứa trẻ ở lớp học kia tự ôn bài.
Trăn trở mùa giá lạnh
Chúng tôi đến trường vào thời điểm đầu mùa đông, thế nhưng cái lạnh nơi đây như đã thấm vào từng thớ da thịt. Những đứa trẻ dù được mặc áo ấm vẫn co ro trong căn phòng tranh tre trống hoác.
Theo cô Trần Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Xuân, do địa hình trên đỉnh núi nên thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa đông thường rét dưới 10 độ.
Cô giáo lo lắng mùa đông đến khiến các con bị lạnh khi phải học trong phòng học tạm. |
"Dù cố gắng mở thêm lớp học bằng tranh tre cho các cháu học nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn mùa đông các con sẽ bị lạnh. Tới đây, chúng tôi sẽ mua bạt về quây quanh phòng để ngăn bớt gió lùa", cô Chinh trăn trở.
Theo ông Lê Đức Hiếu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa, bản Đun Pù là điểm đặc biệt khó khăn, mùa nắng thì học sinh đi học chịu cảnh nắng nóng, mùa mưa thì rét. Do điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn nên chúng tôi đề xuất chính quyền và các ngành tạo điều kiện cho dạy và học lại bản. Tuy nhiên, địa phương khó khăn nên hiện khối mầm non có một lớp phải học tạm ở phòng tranh tre.
Cũng theo ông Hiếu, trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện còn hơn 30 lớp ghép. Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mà tình trạng thiếu giáo viên cũng là bài toán nan giải.
Căn phòng được dựng tạm bằng tranh tre để học sinh được gần hơn với con chữ. |
Thầy cô lo lắng khi đông đến, học sinh sẽ bị lạnh. |
"Là huyện miền núi có điều kiện khó khăn, cùng với đó là chế độ chính sách đối với giáo viên còn bất cập nên không thể khuyến khích sinh viên mới ra trường, giáo viên miền xuôi lên công tác. Điều này đang đặt ra những thách thức trong công tác dạy và học ở miền biên viễn này", ông Hiếu cho biết thêm.
Dù học trong những căn phòng tạm bợ, lớp học phải ghép chung nhưng những đứa trẻ ở Đun Pù vẫn lấp lánh niềm vui khi nghe xa xa tiếng trống trường như mời gọi, thúc giục...
Theo Dân trí