Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp
(PetroTimes) - Ngày 5/11, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ ra mắt kênh “Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp”, với mục đích phát triển văn hóa chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Toàn cảnh lễ ra mắt kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp |
Phát biểu tại lễ ra mắt, GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, với vai trò, sứ mệnh thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng đổi mới giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN luôn nỗ lực để có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ĐHQGHN luôn coi văn hóa chất lượng là gốc và sẵn sàng chia sẻ, mong muốn lan tỏa và phát triển văn hóa chất lượng.
Theo GS.TS Lê Quân, hoạt động chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐHQGHN. Vừa qua, ĐHQGHN đã ra mắt kênh “Trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học”, một hệ thống hỗ trợ công tác dạy - học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng và các địa phương cả nước nói chung. Hiện nay, đã có trên 100 nghìn người từ gần 40 địa phương đăng ký tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ trực tuyến qua kênh này. ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh giáo dục phổ thông thông qua các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Văn hóa chất lượng luôn được đề cao và đóng vai trò là số 1, xuyên suốt các hoạt động của ĐHQGHN. Do đó, việc ra mắt kênh “Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp” sẽ góp phần phát triển chất lượng giáo dục của ĐHQGHN nói riêng, hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp cả nước nói chung.
GS.TS Lê Quân chia sẻ, kênh “Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp” hướng tới tạo lập và phát triển nền tảng để thúc đẩy văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam, hoạt động trên cơ sở 4 trục nội dung chính gồm: Đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục và quản trị trường học.
Kênh hướng tới triển khai các hoạt động chính: nghiên cứu và tư vấn chính sách; báo cáo và đánh giá giáo dục; hội nghị/hội thảo/diễn đàn; bồi dưỡng và tăng cường năng lực; tôn vinh, ghi nhận, lan tỏa các thực hành xuất sắc trong quản trị đại học. Mục đích cuối cùng của kênh là tạo được nền tảng để phát triển văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.
GS.TS Lê Quân cũng cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ giới thiệu kênh phát triển nguồn nhân lực, tập trung kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nền tảng này hướng tới kết nối việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, gắn với giáo dục học tập suốt đời. GS.TS Lê Quân cũng khẳng định: ĐHQGHN phát triển nền tảng công nghệ, dùng công nghệ để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc chuyển đổi số, hướng tới mục đích kết nối, hình thành mạng lưới, chia sẻ cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh văn hóa hợp tác và cùng nhau phát triển.
Cũng tại lễ ra mắt, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐHQGHN, đơn vị thường trực của kênh đã tổ chức hội thảo khoa học “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ công tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học cùng làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác đảm bảo chất lượng; cập nhật và phổ biến các xu thế mới trong hoạt động đảm bảo - kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học; nhận diện thực trạng và đánh giá hiệu quả việc triển khai chính sách về tự chủ đại học, quản trị đại học nói chung, kiểm định - đảm bảo chất lượng và xếp hạng đại học nói riêng tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong hoạt động đảm bảo, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học.
Phú Văn
ĐHQGHN sẽ tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực cho học sinh phổ thông |
Khai thác, sử dụng học liệu trong bối cảnh dịch Covid-19 |
ĐHQGHN trong top 601-800 thế giới về lĩnh vực Khoa học cơ bản |