Thêm một lần biết ơn nước Nga
(PetroTimes) - Trước sự hy sinh, và nỗ lực to lớn của đội ngũ ngành Y trong 4 đợt chống dịch Covid-19 tại nước ta trong hai năm qua, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã lên tiếng tri ân ngành Y Việt Nam và nêu ý tưởng tuyên dương Anh hùng cho những tập thể và cá nhân tiêu biểu có công lớn trên mặt trận chống dịch. Bên cạnh đó, ông cũng nêu quan điểm rằng, chúng ta cần tri ân nước Nga, trong khó khăn đã tặng Việt Nam vắc xin phòng dịch Covid-19 và cũng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V cho Việt Nam.
Tướng Hiệu gặp gỡ các nhà khoa học Y nước Nga năm 2010 |
Trong mỗi khó khăn của Việt Nam, nhân dân và đất nước Nga (trước đây là Liên Xô) đều sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại, thời nước ta trong chiến tranh với Mỹ, bộ đội trú trong rừng sâu, thường bị sốt rét, hy sinh tương đối nhiều. Trước tình hình đó, Liên Xô đã viện trợ cho chúng ta loại thuốc ký ninh (gồm cả loại thuốc uống và thuốc tiêm) rất hữu hiệu trong chữa trị bệnh sốt rét ác tính cho bộ đội Việt Nam trong rừng, cùng nhiều loại thuốc chữa bệnh khác. Biết bao người lính Việt Nam trong chiến trường những năm 60 đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo nhờ thuốc men của Liên Xô, để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chúng ta cần biết ơn nhân dân và đất nước Liên Xô, nay là nước Nga, vì nghĩa cử cao đẹp đó.
Vào tháng 12/2010, nước Nga đã mời một đoàn các sỹ quan, cán bộ ngành Y của Việt Nam sang thăm nước Nga và thực tế nền khoa học Y của Nga. Trong đoàn có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình - Giám đốc Học viện Quân Y cùng các đồng chí khác trong Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học ngành Y của Việt Nam. Đặc biệt, bà Lại Thị Xuân, phu nhân Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu từng học ngành Y tại Odessa nên được phía bạn rất yêu quý, đón tiếp tình cảm như đón người thân lâu ngày trở về nhà.
Đoàn đã được tham quan các cơ sở y tế, các thành tựu trong khoa học ngành Y tại Moscow. Tướng Hiệu khi đó rất ấn tượng với việc các danh y sư tổ của Nga được dựng tượng đài trang trọng ở Moscow. Ông cũng xúc động khi thưởng lãm những công nghệ tiên tiến điều chế và sản xuất dược phẩm của Nga, nơi từng sản xuất thuốc men cứu trợ cho bộ đội Việt Nam nơi chiến trường xưa ông từng chiến đấu. Những viên thuốc ký ninh đắng ngắt dường như còn nguyên vị trong tâm cảm ông. Tướng Hiệu đã thực sự cảm kích và khâm phục nền Y học tiên tiến, phát triển tột bậc của bạn. Từ những vị danh y đầu ngành thời Cách mạng tháng Mười Nga, cho đến nay, các thế hệ nhà khoa học Y của Nga vẫn kế tục được thành công đó của cha ông và tiếp tục tạo nên những thành tựu mới trong y học.
Sau khi thăm các cơ sở nghiên cứu y khoa tại Moscow, đoàn Việt Nam đã đến thực tế tại trường Đại học Y khoa quốc gia Pavlov tại Saint Petersburg, được giới thiệu về thành quả giáo dục, đào tạo đội ngũ ngành Y cho nước Nga và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều thế hệ ngành Y Việt Nam đã theo học ở trường, khi về nước trở thành những cánh chim đầu đàn, những nhà khoa học xuất sắc, có đóng góp những thành tựu lớn cho y học nước nhà.
Tướng Hiệu ghi lưu bút tại Đại học Y Pavlov |
Trong khi Việt Nam gồng mình chống dịch như chống giặc, chính nước Nga cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam số lượng lớn liều vắc xin Sputnik, góp phần quan trọng để kịp thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin trên toàn quốc.
“Ngay khi nước Nga tuyên bố họ đã phát triển được vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19, tôi đã tin tưởng rằng các nhà khoa học ngành Y nước Nga và nền y tế Nga sẽ giúp được Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chống lại bệnh dịch hiệu quả. Và đúng như vậy, hiện nay vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga đã được cung cấp cho nhiều nước trên toàn cầu. Hơn 70 nước đã phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 của Nga, và tổ chức Y tế thế giới cũng đã công nhận” - Tướng Hiệu cho biết.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân Lại Thị Xuân tại nước Nga năm 2010 |
Để Việt Nam có thể chủ động trong việc phòng chống dịch Covid-19, nước Nga cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam. Tình cảm lớn lao của nước Nga dành cho Việt Nam thực sự không lời nào tả xiết. Sự tận tâm chia sẻ nguồn vắc xin của nước Nga với Việt Nam trong giai đoạn chống dịch vô cùng khó khăn, thật đáng trân trọng và cần được toàn dân ta ghi nhớ, biết ơn mãi mãi.
Kiều Mai