Cần hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi trở lại trường
(PetroTimes) - Nhiều tỉnh thành đang có kế hoạch mở cửa trường học trở lại. Để học sinh dễ dàng thích nghi sau thời gian dài học trực tuyến, các nhà trường cần tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý để các em yên tâm, trở lại trường trong tâm thế tốt nhất, cả về học tập lẫn sinh hoạt.
Phụ huynh giúp đỡ con thích nghi với điều kiện mới
Chị Phương Huệ (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, đã nửa năm nay con không đến trường. Mọi giao tiếp với xã hội, bạn bè cũng cực kỳ hạn chế, chủ yếu qua mạng xã hội thay vì giao lưu trực tiếp dù trước đó, con là người thích các hoạt động tập thể, hội nhóm ở trường. Khi năm học bắt đầu với học online ở nhà, trừ thời gian học cố định từ 8 - 10h sáng mỗi ngày còn lại toàn thời gian con hoạt động tự do. Việc sắp xếp ăn học chơi thế nào chị để con tự chủ động nên nếu trở lại trường học sẽ phải thay đổi hàng loạt thói quen, nếp sinh hoạt.
Để con không bị “sốc”, chị Phương Huệ cho biết đang dần uốn nắn trẻ vào nề nếp cũng như thảo luận với con về các biện pháp đảm bảo an toàn trường học. Trong đó nêu ra các tình huống có thể xảy ra để con có sự chuẩn bị, không hoang mang cũng như không chủ quan thái quá đều không có lợi.
Ảnh minh họa |
Đại dịch Covid-19 đã khiến trẻ không đến trường thời gian dài, bị hạn chế vận động thể chất, thiếu kết nối xã hội với bạn cùng lứa… Trong khi đó, người lớn có thể bị khủng hoảng về thu nhập, sức khỏe và gây ra tác động tiêu cực với trẻ. Các chuyên gia cho rằng nhà trường và giáo viên cần chung tay với gia đình để có giải pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm giảm tác động của đại dịch gây ra cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là mỗi khi có những thay đổi lớn như trở lại trường học.
Hỗ trợ tâm lý cho học sinh trở lại trường
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì khi cho học sinh quay lại trường, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng. Để học sinh không bị “sốc” đột ngột khi thay đổi thời gian biểu thì giáo viên có thể chia thành các buổi nói chuyện chuyên đề trong phạm vi một lớp hoặc chia thành các nhóm nhỏ để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời nhất là những học sinh mất bố, mẹ và người thân trong đại dịch thì cần sự động viên, chia sẻ, khuyến khích của giáo viên và tập thể lớp.
Còn theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mấy tháng dài học trực tuyến đương nhiên trẻ sẽ có những thay đổi về mặt tính cách, thói quen cũng như hành vi ứng xử khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Khi các con quay lại trưởng để trẻ thích nghi sớm bố mẹ hãy gần gũi, chia sẻ và trò chuyện cùng con để hiểu con, đưa ra định hướng để giúp con dần thay đổi và biết cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi quay trở lại trường học nhất là học sinh tiểu học bè chắc chắn các con sẽ có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn và bản thân các bậc phụ huynh cũng không tránh khỏi áp lực tâm lí.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh, cha mẹ cần chấp nhận và dần dần mỗi hôm một chút, trò chuyện, thủ thỉ với con về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô, những việc con thích làm ở trường là gì rồi sau đó hướng sự chú ý của con vào những việc con hứng thú nhất, tạo cảm giác con được thầy cô, bạn bè yêu thương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh đại dịch đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến các thầy, cô. Do đó, các thầy, cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.
Liên quan tới việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ hè những năm trước. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng. Tuy nhiên, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em, trở lại trường là trở lại với những nỗi lo. Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác.
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn - ngủ phù hợp với học kỳ. Bố mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần.
Theo Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến 17h ngày 31/10, cả nước có 22 tỉnh thành tổ chức được cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, các địa phương sẽ căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. |
Phú Văn