Cấp điện cho bán đảo Phương Mai - những năm tháng không quên
(PetroTimes) - Những năm đầu thập niên 90, phương án kéo điện cho bán đảo Phương Mai theo kiến nghị của thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã được Trung ương đồng ý theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Vào ngày 12/12/2006, cây cầu Thị Nại có chiều dài 7 km, nối liền trung tâm thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Ngoài việc tạo thuận lợi trong giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển qua lại giữa thành phố Quy Nhơn - bán đảo Phương Mai chỉ còn khoảng 20 phút đi bằng xe máy, thì với 2 sợi cáp ngầm 3x240mm2-24kV được treo dọc theo thành gầm cầu nhận nguồn điện từ TBA 110kV Quy Nhơn 2, và TBA 220/110kV Phú Tài để cấp điện cho nhu cầu phát triển phụ tải trên bán đảo Phương Mai, đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn điện cấp cho khu vực này khi đang nhận điện từ trạm trung gian Phước Sơn lúc bấy giờ.
Cầu Thị Nại với 2 sợi cáp ngầm treo dọc theo thành gầm cầu cấp điện cho bán đảo Phương Mai được Công ty Vạn Tường thi công |
Gian nan đưa điện ra đảo
Nằm về phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai gồm 3 xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải và xóm Hải Minh thuộc KV 9 - phường Hải Cảng. Trong những năm của thập niên 80, khi mà đường bộ từ ngã ba Phương Phi - Cát Tiến vào ngã ba Hội Thành (ngã ba Khe Đá) còn là đường mòn nhỏ, thì để đến bán đảo Nhơn Lý chỉ có đi thuyền từ Quy Nhơn qua hoặc đi vòng men theo bờ cát khi thủy triều xuống từ bãi biển Phương Phi, với khoảng thời gian 3 giờ chạy xe máy ven theo mép nước; đi thuyền từ bến Cầu Đen để đến Nhơn Hội và đi thuyền từ bến Hàm Tử để đến Hải Minh, Hải Giang, Nhơn Hải.
Mặc dù bán đảo Phương Mai nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 10 km, khu vực Hải Minh chỉ cách Mũi Tấn - điểm cuối trên đất liền thành phố Quy Nhơn chỉ chừng 700 mét nhưng chính từ việc bị đầm Thị Nại bao bọc, làm cho giao thông khó khăn, cách trở nên việc kéo điện cho các khu vực này là rất khó khăn. Nhưng với vị trí địa lý quan trọng của bán đảo đối với sự mở rộng thành phố Quy Nhơn về hướng Đông Bắc và khả năng phát triển khu vực này thành vùng kinh tế biển, thì nhu cầu “điện đi trước” là rất cấp thiết. Điện là điều kiện đủ để đánh thức tiềm năng kinh tế biển cho vùng đất đầy tiềm năng này.
Những năm đầu thập niên 90, phương án kéo điện cho bán đảo Phương Mai theo kiến nghị của thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã được Trung ương đồng ý theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công trình đường dây 15kV và các TBA 15/0,4kV cấp điện cho bán đảo Phương Mai do Ban quản lý công trình xây dựng thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư, Phân viện thiết kế điện Nha Trang thiết kế, Xí nghiệp xây lắp điện Tuy Phước thi công và chính là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành sau khi hoàn thành. Chiều dài toàn tuyến gần 12 km, sử dụng dây đồng trần M48, cột vuông bê tông cốt thép, đi qua địa hình đầm lầy, nước mặn và đồi cát chạy dọc ven biển. Đường dây được đấu nối nguồn 15kV nhận từ trạm trung gian Phước Sơn 2x3200kVA-35/22/15kV ở thôn Dương Thiện - xã Phước Sơn, vượt qua đầm Thị Nại ở khu vực Huỳnh Giản - Phước Hòa để đến ngã ba Hội Thành, sau đó chia làm hai nhánh: nhánh rẽ trái vượt qua những đồi cát để về xã Nhơn Lý và nhánh còn lại tiếp tục đi ven theo đầm Thị Nại về xã Nhơn Hội, xã Nhơn Hải, khu vực Hải Minh.
Trạm cắt 22kV Phước Sơn hiện nay - trước đây là trạm trung gian Phước Sơn 2x3200kVA-35/22/15kV |
Trên 160 trụ bê tông, vật tư, thiết bị công trình phải vận chuyển đến vị trí và dựng cột bằng thủ công dọc theo tuyến qua các địa hình sình lầy của đầm Thị Nại. Đó là ở Huỳnh Giản, Nhơn Hội, những động cát di động nối dài ở Nhơn Lý, qua những địa hình đồi núi phức tạp ở Nhơn Hải, Hải Giang, Hải Minh; có nhiều vị trí móng ở vùng đầm lầy, cát nhiễm mặn phải vận chuyển nước ngọt để trộn bê tông; còn những vị trí không vận chuyển cột tới được, đơn vị thi công phải bố trí đúc cột tại chỗ. Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật làm việc lâu năm trong ngành điện và các đơn vị thi công xây lắp điện thì đây là công trình điện cấp 15kV có khối lượng lớn, khá phức tạp về mặt kỹ thuật thi công nhất trong khu vực đến thời điểm bây giờ. Nhưng với quyết tâm của địa phương và tinh thần trách nhiệm của đơn vị thi công, vào ngày 20/01/1994, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1, đóng điện cấp cho xã Nhơn Lý, và tiếp tục đến cuối năm đã lần lượt đóng điện cấp xã Nhơn Hội, Nhơn Hải và Hải Minh, vượt trước kế hoạch đề ra với thời gian là 1 năm.
Khó khăn trong quản lý, vận hành
Do được cấp nguồn điện từ trạm trung gian Phước Sơn 2x3200kVA-35/22/15kV, nên thời điểm năm 1994, PC Bình Định đã giao cho Chi nhánh điện An Nhơn chịu trách nhiệm quản lý, ký kết hợp đồng mua, bán điện và sửa chữa lưới điện khu vực bán đảo Phương Mai cho khách hàng. Để đi đến được 3 xã đảo, bộ phận quản lý của Trạm điện Phước Sơn – Chi nhánh điện An Nhơn đã phải sử dụng nhiều hình thức di chuyển: thuận lợi thì đi xe máy Gò Bồi - Phương Phi - Ngã ba Hội Thành, còn không thì đi bộ hoặc đò từ Dương Thiện qua đầm Huỳnh Giản để đến ngã ba Hội Thành rồi đi Nhơn Lý hoặc Nhơn Hội. Nếu lưới điện vận hành trong điều kiện bình thường như ở các khu vực nông thôn khác ở Bình Định chỉ đi kiểm tra, bảo dưỡng theo tần suất quy định thì không nói, đằng này do địa hình khu vực quá phức tạp, khí hậu quá khắc nghiệt nên lưới điện của 3 xã đảo lúc đó liên tục bị sự cố, nên việc thường xuyên di chuyển đến các xã đảo đã khó khăn lại càng khó khăn, phức tạp hơn khi mà tình hình khí hậu thời tiết thực tế mưa gió, bão lũ là rất cực đoan.
Trạm biến áp 15/0,4kV trên bán đảo Phương Mai ngày ấy |
Trong quá trình thiết kế, đơn vị tư vấn đã tính toán cho điều kiện vận hành tại khu vực nhiễm mặn ven biển, nên sử dụng dây đồng trần, cột điện có tăng cường bảo vệ móng cột, xà thép mạ kẽm; tuy nhiên vẫn chưa lường được hết các điều kiện đặc thù thực tế rất khắc nghiệt của khu vực này, độ nhiễm mặn rất lớn, khả năng kim loại bị ăn mòn rất cao, mật độ gió trong năm lớn và tốc độ gió lớn đã gây ra hiện tượng các đồi cát ở Nhơn Lý di động, làm địa hình khu vực lưới điện đi qua không ổn định, gây ra mất an toàn trong quá trình vận hành, nên chưa đưa ra được các giải pháp triệt để về mặt kỹ thuật để lưới điện vận hành đảm bảo an toàn, ổn định. Do đó, sau khi đóng điện vận hành, lưới điện khu vực thường xuyên bị sự cố, làm mất điện ảnh hưởng đến việc sử dụng điện của người dân trong khu vực. Mặc dù UBND thành phố Quy Nhơn đã đầu tư thay dây đồng trần thành dây bọc cách điện 15kV cho nhánh rẽ Nhơn Lý, nhưng cách điện của dây dẫn vẫn bị tác động nặng, lão hóa nhanh nên tình trạng sự cố cải thiện không nhiều. Thời điểm đó các thiết bị điện lắp đặt trên lưới điện còn hạn chế, nên chỉ đầu xuất tuyến-574/TTG Phước Sơn cấp điện là dùng máy cắt, còn lại trên toàn bộ lưới chỉ phân đoạn, nhánh rẽ bằng cầu chì - FCO, nên việc thao tác phân đoạn cô lập, tìm sự cố chỉ bằng thủ công, phải đi tới từng vị trí lưới điện để thao tác trực tiếp, nên thời gian xử lý thường kéo dài, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho khách hàng. Ngoài ra, lúc bấy giờ thông tin liên lạc còn rất hạn chế, về sau mới có bộ đàm cầm tay, nhưng khi di chuyển có nhiều khu vực như Hải Giang, Nhơn Hải thì sóng rất yếu, hầu như không sử dụng được, do đó việc liên lạc của các nhóm lưu động về tổ trực để xử lý sự cố gặp rất nhiều khó khăn.
Khi đó, trạm trung gian Phước Sơn được định biên 10 người để quản lý, nhưng đã dành ra 4 công nhân bậc nghề cao, có kinh nghiệm cho riêng công tác quản lý vận hành xuất tuyến 574 cấp điện cho 3 xã đảo. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều trường hợp sự cố lớn, phức tạp thì cả trạm cùng phải tham gia xử lý nhằm sớm khôi phục lại điện cho khu vực.
Đồi cát Nhơn Lý mỗi ngày hình dạng vân cát thay đổi khác nhau, phụ thuộc vào hướng gió biển và tạo thành hình thù độc đáo, có lúc cao gần sát vào đường dây điện 15kV |
Trước tình hình nhánh rẽ 15kV Nhơn Lý không đảm bảo vận hành cấp điện cho người dân trong khu vực, PC Bình Định đã chủ động đề nghị EVNCPC cho đầu tư xây dựng mới nhánh rẽ với phương án kỹ thuật là đi thấp xuống phía biển, sử dụng sứ đỡ treo, lắp tạ chống rung, dây dẫn ACK,… và một số thay đổi kết cấu khác nhằm phù hợp với khí hậu khắc nghiệt tại đây mà đã được đúc kết qua thời gian thực tế quản lý vận hành lưới điện. Ngày 12/11/2001, cơn bão số 8 đã làm hư hỏng gần như toàn bộ nhánh rẽ Nhơn Lý, thì đến ngày 30/11/2001, PC Bình Định đã đóng điện đưa đường dây nhánh rẽ Nhơn Lý mới xây dựng đi vào vận hành cấp điện cho xã Nhơn Lý tới ngày hôm nay.
Rộng mở hướng phát triển
Bán đảo Phương Mai gồm 4 đơn vị hành chính thuộc thành phố Quy Nhơn, do ngăn cách bởi đầm Thị Nại nên ở vào thế gần nhà - xa ngõ, nên lưới điện trước đây phải giao cho Chi nhánh điện An Nhơn quản lý, vận hành. Nhưng khi cầu Thị Nại đưa vào sử dụng thì yếu tố bất lợi không còn nữa. Để tạo điều kiện phục vụ khách hàng khu vực 3 xã đảo, PC Bình Định đã quyết định chuyển giao quyền quản lý, vận hành cho Chi nhánh điện Quy Nhơn kể từ ngày 01/9/2008. Từ khi có cầu Thị Nại, với 3 nguồn điện lưới cấp về cho bán đảo Phương Mai, đến ngày 27/12/2013, TBA 110kV Nhơn Hội được đóng điện đưa vào vận hành đã đảm bảo các phương án cấp điện cho nhu cầu phát triển của Khu kinh tế Nhơn Hội, theo như cam kết của PC Bình Định với địa phương.
Tuyến đường trục khu kinh tế Nhơn Hội dài 15 km kết nối các KCN A, B, C trong Khu kinh tế Nhơn Hội |
Về bán đảo Phương Mai hôm nay, thấy bừng lên một khí thế mới, một sức sống mới từ các cơ sở sản xuất lớn của Khu kinh tế Nhơn Hội: Nhà máy Tôn Hoa Sen, nhà máy TingCo, Công ty kính Vĩnh Khang, Nhà máy Thủy sản An Hải, Bidiphar Công nghệ cao… và các khu du lịch FLC, Eo Gió Kỳ Co… những thành công của ngày hôm nay trên bán đảo Phương Mai có được nhờ hai yếu tố “đi trước” quyết định là điện, đường mang lại. Nhưng đối với những người đã từng tham gia quản lý vận hành lưới điện ngày ấy về lại bán đảo Phương Mai hôm nay thì lại cảm thấy hết sức khác lạ. Bởi còn đâu ngã ba Hội Thành nơi gặp nhau để phân công kiểm tra lưới điện: ai đi Nhơn Lý, ai đi Nhơn Hội. Còn đâu bến đò Nhơn Hội để về lại Cầu Đen, hay qua ngã ba Nhơn Hải - Hải Giang… Tất cả chỉ còn trong ký ức của những ai đã từng trải qua công tác đưa dòng điện về để làm bừng sáng bán đảo Phương Mai ngày ấy - những năm tháng gian khó nhưng cũng đầy tự hào không thể nào quên.
Hồ Quang Thịnh (EVNCPC)