Iran đồng ý quay trở lại đàm phán hạt nhân và Mỹ thúc đẩy lập trường chung với các đồng minh
(PetroTimes) - Các hãng tin Mỹ và quốc tế CNBC, CNN, AP, Reuters đưa nhiều tin về việc Iran đồng ý quay trở lại đàm phán, sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trước cuối tháng 11 (trước ngày 30/11). Mỹ và các đồng minh thúc giục Iran sớm quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để tránh “leo thang nguy hiểm”.
Sau cuộc họp với các quan chức EU tại Brussels, hôm thứ Tư (27/10), Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani viết trên Twitter cho biết Iran sẽ nối lại các cuộc đàm phán với các nước tham gia Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) trước cuối tháng 11. Ali Bagheri Kani cho biết đã có một cuộc đối thoại rất nghiêm túc và mang tính xây dựng với Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora về “các yếu tố cần thiết để đàm phán thành công. Chúng tôi đồng ý bắt đầu đàm phán trước cuối tháng 11”. Đại diện EU cũng cho biết EU sẵn sàng hợp tác với Iran và các bên liên quan khác.
Iran đồng ý quay trở lại đàm phán hạt nhân nhưng dư luận hoài nghi việc sớm đạt thỏa thuận. Ảnh: Askin Kiyagan/ Anadolu Agency/Getty Images. |
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Iran và phương Tây khi Tehran tăng cường hoạt động hạt nhân vi phạm các tham số của thỏa thuận hạt nhân. Iran đã ngừng tham gia các cuộc đàm phán đa phương ở Vienna từ tháng 6 và từ chối thông báo chính xác ngày quay lại đàm phán. Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium và tiến gần hơn đến ngưỡng có thể có đủ nguyên liệu phân hạch cho một thiết bị hạt nhân. Chính phủ Iran khẳng định các phát triển này là vì mục đích hòa bình, nhưng cuối tháng 10, Tổng Giám đốc Rafael Grossi của Cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc (IAEA) cho biết Iran “trong vòng vài tháng nữa” sẽ có đủ nguyên liệu để chế tạo bom hạt nhân.
Mỹ thúc đẩy một lập trường thống nhất với các đồng minh về vấn đề hạt nhân Iran
Ngày 26/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran với các đồng minh châu Âu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP26, đặc biệt là với E3, Anh, Pháp và Đức, những nước tham gia vào thỏa thuận hạt nhân 2015 để Mỹ và châu Âu có thể thể hiện một mặt trận thống nhất sau bốn năm chia rẽ về chính sách với Iran dưới thời chính quyền Trump.
Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan cho biết Mỹ theo dõi chặt chẽ tiến trình trong chương trình hạt nhân của Iran và “rất lo lắng và quan ngại về các bước đi mà Iran đã thực hiện sau khi rời khỏi JCPOA". Mỹ và các đối tác vẫn muốn có một giải pháp ngoại giao để đưa cả Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. “Ưu tiên hàng đầu và cao nhất của chúng tôi là quay trở lại bàn đàm phán và quay trở lại với một thỏa thuận mà trên thực tế có thể kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran."
Tuy nhiên, Sullivan nhấn mạnh cửa sổ ngoại giao không phải là không có giới hạn. Mỹ sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới người Iran rằng “chúng tôi cần thấy việc quay trở lại giải pháp ngoại giao và tiến bộ trên bàn đàm phán ngoại giao, và chúng tôi giữ lại tất cả các lựa chọn khác để có thể đối phó với chương trình hạt nhân này khi cần thiết."
Phát biểu trên CNN hôm Chủ nhật (31/10), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu trong việc đưa Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Hôm thứ Bảy (30/10), tại Hội nghị G20, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức bày tỏ hy vọng thuyết phục Tehran ngừng làm giàu uranium ở mức gần cấp vũ khí, nói rằng họ muốn có một giải pháp thông qua đàm phán. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Đức thúc giục Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để "tránh leo thang nguy hiểm".
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson chụp ảnh chung trong cuộc gặp để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran bên lề Hội nghị thượng đỉnh G 20 tại Rome, Italy, ngày 30/10/2021. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters. |
Ngoại trưởng Mỹ cho biết tất cả các đồng minh của Mỹ đang làm việc với Nga và Trung Quốc và tin tưởng mạnh mẽ rằng đó sẽ là con đường tốt nhất. "Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết liệu Iran có sẵn sàng quay trở lại đàm phán để tham gia một cách có ý nghĩa hay không". "Nếu không, thì chúng ta cùng nhau xem xét tất cả các phương án cần thiết để giải quyết vấn đề này."
Dư luận không kỳ vọng về việc sớm đạt một thỏa thuận
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng vẫn còn lâu mới đạt được một thỏa thuận. Theo các nhà phân tích, phía Iran đang thực hiện một chiến thuật trì hoãn nhằm tạo ra một vị trí vững chắc hơn. Sanam Vakil, chuyên gia cao cấp về Trung Đông Bắc Phi tại Chatham House cho rằng không thể mong đợi việc sẽ sớm đạt được một thỏa thuận. Chiến thuật trì hoãn của Iran và thông điệp đến từ chính quyền mới ở Tehran cho thấy rõ ràng rằng Iran đang có ý định thực hiện một đường lối cứng rắn và một lập trường đàm phán cứng rắn hơn. Vakil lưu ý rằng việc Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani đã từ chối gặp một cách phối hợp với các Bộ trưởng Ngoại giao E3 là Đức, Pháp và Anh, cho thấy rằng cùng với các chiến thuật trì hoãn mà các nhà quan sát đã chứng kiến trong vài tháng qua, Iran đang cố gắng gây chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ.
Hôm thứ Tư, Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group khẳng định hiện nay họ tin rằng “việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là khó có thể xảy ra vào năm tới, vì việc phát triển hạt nhân nhanh chóng và các yêu cầu theo hướng tối đa của Iran có thể sẽ khiến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trở nên không còn phù hợp”. Eurasia Group cho rằng xác suất của việc đạt một thỏa thuận vào năm 2022 là 30%.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng
Việc trì hoãn đạt một thỏa thuận hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng. Mỹ và các đồng minh sẽ phải cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt hoặc các hành động răn đe khác, đẩy cả hai bên đi xa hơn theo hướng tới sự đối đầu. Thỏa thuận hạt nhân không phải là điểm gây tranh cãi duy nhất giữa Iran và Mỹ.Vừa qua, một căn cứ của Mỹ ở Syria đã bị tấn công bởi các máy bay không người lái bị nghi ngờ là do lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn thực hiện. Lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn cũng sử dụng máy bay không người lái tấn công các căn cứ có quân đội Mỹ ở Iraq.
Hôm thứ Sáu, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra biện pháp trừng phạt hai thành viên cấp cao của IRGC và hai công ty liên kết với lý do đã cung cấp máy bay không người lái cho các nhóm dân quân ở Iraq, Lebanon, Yemen và Ethiopia gây chết người, đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Hôm Chủ nhật, trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ "đáp trả" các hành động mà Iran đã thực hiện chống lại lợi ích của Washington, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái./.
Thanh Bình