Na Uy đặc biệt quan tâm tới tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam
(PetroTimes) - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy (25/11/1971 - 25/11/2021). Ngày 28/10, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã trao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bản báo cáo “Nghiên cứu về Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam”.
Đây là bản báo cáo do Công ty năng lượng Equinor - Na Uy, thành viên của Liên minh Đối tác Năng lượng Na Uy (NORWEP) xây dựng, cung cấp một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, báo cáo nghiên cứu đã nhận được những ý kiến đóng góp chuyên môn thiện chí của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, điện gió ngoài khơi có khả năng đáp ứng 12% nhu cầu điện của Việt Nam |
Báo cáo cũng khuyến nghị những biện pháp mà Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trong nước, tạo thêm việc làm cho lao động có tay nghề, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi sẽ mang lại cho các nhà cung ứng Việt Nam, xác định những lĩnh vực mà các công ty Na Uy/công ty nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác trong nước để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện năng với chi phí thấp hơn và từng bước hợp lý hóa giá thành điện từ năng lượng tái tạo.
"Na Uy và các công ty Na Uy luôn sẵn sàng chia sẻ với các đối tác Việt Nam những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm lâu năm của mình trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lợi ích của hai bên và vì những mục đích chung về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, bà Grete Lochen nhấn mạnh.
Với hơn 3.000 km đường bờ biển, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được đánh giá vô cùng dồi dào, vì thế Việt Nam đang trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi, có khả năng thu hút được nhiều khoản tài chính và đầu tư quốc tế dài hạn hơn cho biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam ý thức rõ về sự cần thiết phải có những hành động cấp bách về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh hơn. Bằng việc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như các thành viên khác, đều nhận thức được những nguy cơ mà biến đổi khí hậu và xu thế nóng lên toàn cầu gây ra. Chuyển đổi từ việc dùng than sang sử dụng các năng lượng khác sạch hơn và xanh hơn để sản xuất điện là con đường tất yếu của tương lai.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, điện gió ngoài khơi có khả năng đáp ứng 12% nhu cầu điện của Việt Nam. Thay thế điện than sẽ giúp Việt Nam giảm 200 triệu tấn khí CO2 thải ra, đồng thời đem lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam từ chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, việc làm được tạo thêm và xuất khẩu…
M.C