Lãnh đạo châu Á thảo luận về một tương lai năng lượng không chắc chắn
(PetroTimes) - Trong tháng 9 vừa qua, Wood Mackenzie đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năng lượng toàn cầu thường niên. Phiên họp châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo cấp cao từ khắp các lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, thảo luận về chủ đề không phát thải carbon và tương lai của ngành năng lượng toàn cầu. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài viết phân tích về quá trình chuyển đổi năng lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Á đang tăng tốc nhưng vẫn còn chậm
Các công ty năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trên khắp châu Á - Thái Bình Dương nhận thức rõ cần phải làm gì để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng, giảm phát thải carbon là nhiệm vụ rất quan trọng, đồng thời công bố các lộ trình để giảm cường độ và lượng khí thải carbon. Một số tín hiệu tích cực khác gồm: hỗ trợ tăng tốc năng lượng tái tạo, đầu tư vào các dự án thu giữ carbon, sản xuất hydro, đánh giá cao vai trò của khí thiên nhiên trong bối cảnh giảm nhu cầu than ở châu Á. Tuy nhiên, tất cả các diễn giả đều nhận định, tốc độ thay đổi chung trên toàn châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn quá chậm.
Phần lớn sự thay đổi bắt nguồn từ chính sách của các chính phủ. Trong khi các mục tiêu không phát thải ròng carbon liên tục được công bố, thì hầu như tất các cam kết đều thiếu chi tiết những cách thức để đạt được mục tiêu này. Đối với các công ty, sự không chắc chắn về giá carbon khiến việc hỗ trợ đầu tư vào công nghệ carbon thấp, đặc biệt là CCS đang trở nên cấp thiết.
Nếu không có tiến bộ trong chính sách, tăng trưởng trong tương lai của châu Á sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Hơn 70% lượng khí thải của toàn khu vực bắt nguồn từ than đá. Với việc điện khí hóa là nền tảng của quá trình chuyển đổi năng lượng, nhu cầu điện gia tăng có nguy cơ kéo dài sự phụ thuộc vào than đá ít nhất trong thập kỷ này. Và cuộc khủng hoảng điện hiện nay cũng đặt ra vấn đề an ninh năng lượng cấp bách, nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Á về vai trò của than trong việc đảm bảo ổn định lưới điện.
Nhưng ý chí chính trị cũng phải phù hợp với hành động của doanh nghiệp. Một thông điệp chính từ các diễn giả là tất cả các tùy chọn công nghệ cần được xem xét. Việc các nhà cung cấp năng lượng trên toàn khu vực tạo ra dòng tiền kỷ lục, các công ty biết rằng, họ phải nỗ lực hơn nữa là giảm lượng khí thải carbon trực tiếp từ các hoạt động năng lượng. Đồng thời, việc giảm phát thải carbon từ các sản phẩm năng lượng trong quan hệ với khách hàng nên được coi là một cơ hội thúc đẩy. Khách hàng trên khắp châu Á đang kêu gọi năng lượng sạch hơn và sẽ sớm “quay lưng” lại với các nhà cung cấp không thể giảm phát thải carbon.
Một siêu chu kỳ giá hàng hóa mới có thể xảy ra
Các chuyên gia đồng thuận rằng, sự gia tăng giá nguyên liệu thô là phản ứng tức thì đối với sức mạnh phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhu cầu kết hợp với sự khan hiếm nguồn cung. Lãnh đạo các công ty dầu khí và các nhà đầu tư đều đồng thuận rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững cùng với việc giảm đầu tư vào nguồn cung năng lượng và kim loại sẽ khiến giá hàng hóa tăng cao trong phần lớn thập kỷ này, mở ra giai đoạn đầu của một siêu chu kỳ giá hàng hóa mới. Tuy nhiên, siêu chu kỳ lần này sẽ có những điểm khác biệt so với những chu kỳ trong quá khứ.
Động lực chính sẽ là quá trình điện khí hóa. Và trong khi tốc độ điện khí hóa trên toàn châu Á cần tăng tốc, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đang tăng lên trên toàn cầu, kích thích tăng trưởng nhu cầu đối với các kim loại đóng vai trò chuyển tiếp quan trọng như: đồng, nhôm, niken, coban, lithium và sắt. Nhu cầu tăng cao của châu Á đối với khí đốt thiên nhiên sẽ thúc đẩy giá khí đường ống và LNG tăng mạnh. Điều này sẽ khuyến khích giới đầu tư vào các nguồn năng lượng mới.
Nhu cầu khí đốt tăng cao đối mặt với những lo ngại về nguồn cung trong tương lai
Được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt, các diễn giả của Wood Mackenzie cho rằng, nhu cầu khí đốt của châu Á sẽ tiếp tục gia tăng bất chấp những cam kết giảm khí thải CO2. Điều này đòi hỏi những chính sách nhà nước về định giá carbon và đầu tư lớn hơn vào công nghệ CCS, làm cơ sở để thúc đẩy các dự án khí, LNG mới đến năm 2040.
Tuy nhiên, viễn cảnh về tình trạng suy giảm đầu tư đang gia tăng khi quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD. Hầu hết các nhà cung cấp LNG trong khu vực như Petronas, Woodside, Origin, BP và TotalEnergies đầu cho rằng, nhu cầu LNG của châu Á đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự thận trọng xung quanh việc cam kết nguồn cung khí mới đắt đỏ. Và đối với các chính phủ và khách hàng châu Á, sự suy giảm nguồn cung dầu khí trong tương lai, có nghĩa là sẽ phải đốt nhiều than hơn, không phải ít hơn.
Công ty dầu khí nhà nước (NOC) của tương lai - chuyển đổi mô hình từ công ty dầu khí sang công ty năng lượng
Các công ty dầu khí quốc gia của châu Á có thể đang dõi theo sự chuyển đổi mô hình hoạt động của các majors tại châu Âu, đồng thời đặt ra câu hỏi: làm thế nào để họ theo kịp tốc độ chuyển đổi trước những áp lực chuyển đổi ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ đến từ các chính phủ sở tại, mà còn từ thị trường vốn và khách hàng. Mức độ giám sát đang tăng lên, vượt ra ngoài khuôn khổ các tuyên bố về mục tiêu giảm phát thải, đi vào những chi tiết có thể đo lường được.
Sự tiến bộ có thể dễ dàng đạt được thông qua những nỗ lực để giảm bớt khí thải trong hoạt động dầu khí, tăng cường điện khí hóa và tăng hiệu quả hoạt động thông qua số hóa. Nhưng ngoài vấn đề này, các NOC của châu Á sẽ cần phải xem xét các giải pháp dựa trên điều kiện thực thế để bù đắp lượng khí thải và cuối cùng là áp dụng tín chỉ carbon. Dầu thô và khí đốt sẽ không sớm bị loại bỏ khỏi danh mục đầu tư của NOC nhưng nhiều lãnh đạo cấp cao của các NOC châu Á đang xem xét các lựa chọn CCS và hydro. Những công nghệ mới này ngày càng trở nên quan trọng.
Trung Quốc có thể dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng
Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự phối hợp và thực thi chính sách kịp thời. Những cách tiếp cận và hành động của Trung Quốc đang mang lại hy vọng rằng, những cam kết không phát thải ròng carbon sẽ được thực hiện nghiêm túc. Các chuyên gia của Wood Mackenzie bày tỏ lạc quan rằng, Trung Quốc có cơ hội tốt hơn để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải carbon nếu các cam kết mạnh mẽ được giám sát bởi chính quyền trung ương, dẫn đến thay đổi đáng kể ở tất cả các cấp độ kinh doanh và xã hội.
Những thách thức to lớn vẫn còn, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng điện đang củng cố sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhiên liệu than đá trong thời gian khủng hoảng. Điều này dấy lên hoài nghi rằng, Trung Quốc có thể đạt mục tiêu không phát thải ròng carbon, cũng như trở thành nhà lãnh đạo của quá trình chuyển đổi năng lượng hay không.
Tiến Thắng