Tin tức kinh tế ngày 21/10: VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2021
(PetroTimes) - VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2021; 3 cảng của Việt Nam nằm trong top 50 cảng biển hiệu quả nhất thế giới; Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng;… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/10.
VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2021 |
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng
Rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.782 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với chốt phiên trước. Tại thị trường châu Á, sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.784 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Ở thị trường trong nước, mở cửa phiên sáng 21/10, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 57,65 - 58,37 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày 20-10.
Hòa Phát lần đầu lãi trên 10.000 tỷ đồng trong một quý
Tập đoàn Hòa Phát vừa thông tin về kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2021 với doanh thu ước đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp đạt quy mô lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng chỉ trong một quý.
Với kết quả kinh doanh kỷ lục, Hòa Phát cho biết cũng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính riêng 9 tháng hoạt động vừa qua, tập đoàn này đã nộp ngân sách 8.106 tỷ đồng, cao hơn 11% so với số nộp cả năm 2020.
Cá tra là thủy sản tăng giá mạnh nhất ở thị trường Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt container, từ đầu năm đến nay, giá 10 loại thủy sản phổ biến nhất ở Mỹ đều tăng. Trong đó, nhiều loại tăng giá rất mạnh.
Tăng giá mạnh nhất là cá tra. Một miếng cá tra phi lê có độ ẩm tiêu chuẩn, 5-7 ounce, được bán với giá 3,40 USD/pao vào ngày 5/10, tăng 97% so với mức 1,73 USD/pao mà nó đã được bán vào đầu tháng 1/2021.
VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2021
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.
Theo kịch bản xấu, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát tại Việt Nam. Tình trạng “đóng-mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. Theo đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 1-1.5%.
Ở kịch bản tốt, trong điều kiện cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu năm quý 4/2021. Tình trạng phong tỏa như trong quý 3 không lặp lại. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2-2.5%.
3 cảng của Việt Nam nằm trong top 50 cảng biển hiệu quả nhất thế giới
Ngày 21/10, hãng Reuters lật lại bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container năm 2021 do Ngân hàng Thế giới (Word Bank - WB) phối hợp với IHS Markit thực hiện.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hoạt động Cảng container năm 2021 kể trên, Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực có nhiều cảng chiếm lĩnh top 50 cảng hiệu quả nhất thế giới.
Đặc biệt, trong top 50 cảng có tên 3 cảng của Việt Nam, bao gồm Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) được xếp ở vị trí 46, cảng Hải Phòng chiếm vị trí 47 và Cái Mép (Vũng Tàu) đứng ở vị trí 49.
Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg là 75 triệu đồng).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc lớn nhất của Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 783,74 triệu USD, tăng mạnh 36% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Trong đó riêng tháng 9/2021 đạt 85,55 triệu USD, tăng 6,1% so với tháng 8/2021 và tăng 16,8% so với tháng 9/2020.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thức ăn gia súc lớn nhất của Việt Nam, mặc dù tháng 9/2021 giảm 25% so với tháng 8/2021 nhưng tăng 26% so với tháng 9/2020, đạt 21,32 triệu USD.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 9 tháng năm 2021 đạt 270,96 triệu USD, tăng mạnh 82,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 34,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5% Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5%; Thu ngân sách Trung ương hụt khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng; Đồng Nai thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn FDI… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 20/10. |
P.V