Bản tin năng lượng xanh: Chevron và thế giới cam kết không phát thải carbon ròng
(PetroTimes) - Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) mới đây đã thông qua nghị quyết nhằm đạt mục tiêu không phát thải carbon ròng trong lĩnh vực vận tải hàng không toàn cầu vào năm 2050.
Mục tiêu này của hiệp hội sẽ phù hợp với các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris 2015, song đặt ra những thách thức. Lưu lượng giao thông bằng đường hàng không được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi các hãng hàng không sẽ phải giảm dần lượng khí thải. Theo những ước tính khác nhau, lĩnh vực hàng không phải giảm khoảng 21,2 gigaton CO2 vào năm 2050 để đạt được mục tiêu nêu trên. IATA xác định công cụ trực tiếp quan trọng để thực hiện mục tiêu là Chương trình bù đắp và giảm thiểu carbon cho các hãng hàng không quốc tế (CORSICA) nhằm giúp ổn định lượng khí thải trong ngắn và trung hạn. Một chiến lược xa hơn là giảm tối đa lượng khí thải CO2 bằng các giải pháp công nghệ như sử dụng nhiên liệu sạch trong lĩnh vực hàng không, hoạt động và cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng không phát thải mới. Việc khử carbon ròng trong lĩnh vực hàng không ở quy mô toàn cầu sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ USD và cần sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, theo kịch bản dự báo cơ sở của IATA, máy bay chạy bằng điện và hydro sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2035.
10 quốc gia khối EU bao gồm Pháp, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Phần Lan, Croatia và CH Czech lên tiếng ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Điện hạt nhân hiện là nguồn năng lượng ổn định với giá thành phải chăng, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng bảo vệ khí hậu khi cung cấp tới 50% điện không phát thải CO2 tại châu Âu. Đáng chú ý, 9/10 quốc gia tán thành ý tưởng này hiện đang sử dụng hoặc có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện theo công nghệ của Nga.
Bản báo cáo "Phác thảo lộ trình loại bỏ điện than: cơ hội dẫn đầu của G7 - Xếp hạng nỗ lực giảm than của G7" được tổ chức E3G thực hiện đã chỉ ra rằng nhiệt điện than đang không còn chỗ đứng tại các quốc gia trong khối G7. Từ năm 2010, các nước G7 đã cho ngừng hoạt động khoảng 174GW các nhà máy điện than, và dự kiến sẽ ngừng hoạt động thêm 138GW vào năm 2030. Điều này có nghĩa là 59% tổng công suất điện than của các nước G7 đã dừng hoạt động từ năm 2010, hoặc dự kiến dừng hoạt động vào năm 2030. Công suất điện than đã được giảm nhanh chóng trong thập kỷ qua. Phần lớn quá trình này diễn ra ở Anh, Pháp, Ý và Canada, tất cả các nước này đều đang hướng tới loại bỏ hoàn toàn than đá muộn nhất vào năm 2030.
Tập đoàn dầu khí Chevron, Mỹ mới đây đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Chevron đã hoàn thành gần 100 dự án khử carbon và dự kiến đầu tư hơn 300 tỷ USD vào các dự án carbon thấp trong năm 2022. Việc đạt mục tiêu giảm phát thải phụ thuộc vào tiến độ phát triển các công nghệ khả thi về mặt thương mại, chính sách của chính phủ sở tại, việc áp dụng công nghệ thu gom và lưu trữ carbon trong các dự án khí thiên nhiên. Các công ty dầu khí Mỹ vốn hạn chế triển khai các hoạt động phù hợp với chương trình nghị sự toàn cầu và khí hậu, không chủ động mở rộng phân khúc hoạt động và không nâng cao năng lực về triển khai các dự án NLTT. Tuy nhiên, những áp lực ngày càng tăng từ xã hội và các nhà đầu tư đang buộc các công ty dầu khí Mỹ phải định vị lại chiến lược của mình và đi theo con đường giảm phát thải CO2, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Trước đó vào tháng 8, truyền thông Mỹ cho biết, ExxonMobil đang xem xét cam kết giảm lượng phát thải ròng carbon về mức 0 vào năm 2050.
Viễn Đông