Bản tin năng lượng xanh: lưu trữ năng lượng toàn cầu, đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh
(PetroTimes) - Theo báo cáo của EIA tại Triển vọng năng lượng quốc tế 2021, NLTT sẽ là nguồn chính để phát điện mới, nhưng các nguồn điện khí, điện than sẽ tiếp tục đáp ứng phụ tải và cung cấp điện ổn định cho hệ thống truyền tải điện. Mức tiêu thụ NLTT sẽ tăng hơn hai lần trong giai đoạn 2020 - 2050.
Bên cạnh đó, tiêu thụ than được dự báo sẽ giảm dần trong giai đoạn này, mặc dù nhiên liệu than tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng. EIA nhấn mạnh, khi các nguồn NLTT, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời trở nên cạnh tranh về chi phí, tất cả động lực tăng trưởng sản xuất điện sau năm 2020 sẽ tập trung ở các nước OECD, thay thế đáng kể các nguồn năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, EIA còn dự báo, sản lượng dầu thô và khí đốt thiên nhiên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng để hỗ trợ tiêu thụ ngày càng tăng ở các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á.
Theo Wood Mackenzie, công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2020, đạt mức 12 GW/28 GWh. Trên toàn thế giới, quá trình phục hồi kinh tế là tiêu chí hàng đầu của các chính trị gia, trong đó việc việc tích hợp NLTT sẽ là trung tâm. Bất chấp sự gián đoạn từ đại dịch Covid-19, Wood Mackenzie dự báo, nhu cầu lưu trữ năng lượng toàn cầu sẽ đạt 1 TWh trong giai đoạn 2021 - 2030. Mỹ và Trung Quốc sẽ thống trị thị trường lưu trữ toàn cầu, chiếm hơn 70% tổng công suất lắp đặt đến năm 2030. Các động thái nhằm đẩy nhanh quá trình khử carbon của ngành điện Mỹ và Trung Quốc cung cấp nền tảng cho dự báo thị trường toàn cầu của hãng. Tại khu vực châu Á-TBD, mục tiêu nâng tổng công suất lưu trữ năng lượng lên 30 GW vào năm 2025 của Trung Quốc có tác động lớn đến thị trường lưu trữ năng lượng trong khu vực này. Số lượng lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng năm 2021 của nước này sẽ tăng 3 lần so với năm 2020 và đạt 260 GWh dung lượng lưu trữ mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, quy mô thị trường lưu trữ năng lượng khu vực châu Á-TBD sẽ tăng gấp 20 lần, đạt 400 GWh dung lượng lưu trữ.
Tại khu vực Bắc Mỹ, chính sách tín dụng thuế đầu tư hiện nay của Mỹ đã khuyến khích phát triển các công suất lưu trữ năng lượng mới, dự kiến trong năm 2021 sẽ tăng 4,5 lần so với năm 2020. Việc điều chỉnh ngân sách và cải cách thuế năng lượng của Mỹ sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030. Thị trường lưu trữ năng lượng của châu Âu cũng được dự báo tăng mạnh, dự kiến đạt dung lượng 100 GWh vào năm 2030, dẫn đầu tại Đức và Italia. Tại khu vực Mỹ Latinh, tổng dung lượng lưu trữ điện năng cho sinh hoạt sẽ đạt 9,7 GWh vào năm 2030, góp phần hỗ trợ sự ổn định của hệ thống lưới điện trong bối cảnh các nguồn NLTT có thể thay đổi liên tục. Để hỗ trợ nhu cầu mở rộng toàn cầu, dự báo của Wood Mackenzie lưu ý rằng, dung lượng lưu trữ bằng pin lithium-ion toàn cầu sẽ tăng trưởng gấp đôi trong hai năm tới, đạt 2,3 TWh vào năm 2030, chiếm 89% dung lượng pin toàn cầu.
Chính phủ Đức mới đây thông báo sẽ đầu tư trực tiếp 115,7 triệu USD để đẩy nhanh phát triển NLTT trên khắp châu Phi. Nguồn vốn này sẽ được giải ngân thông qua Quỹ năng lượng bền vững cho châu Phi (SEFA) của Ngân hàng phát triển châu Phi nhằm thúc đẩy tham gia của khu vực tư nhân trong hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng carbon thấp trong khu vực. SEFA sẽ sử dụng khoản đầu tư để nâng cấp mạng lưới phát điện, truyền tải và phân phối điện nhằm đảm bảo các nguồn NLTT kết nối vào mạng lưới điện ở châu Phi. Động thái này của Đức diễn ra sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng tài trợ cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Một số nước châu Phi, bao gồm Zimbabwe, Zambia và Malawi đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ từ Trung Quốc để mở rộng công suất điện than. Với thông báo gần đây của một số quốc gia lớn về việc ngừng tài trợ loại hình điện than, các cơ chế như SEFA là cần thiết để hỗ trợ tăng cường triển khai NLTT tại châu lục này. Trong những năm vừa qua, các yếu tố như thiếu kinh phí và nhiều chính phủ tại lục địa này không muốn triển khai các nguồn năng lượng sạch đã khiến châu Phi tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới trong quá trình khử carbon trong ngành năng lượng. Ví dụ, toàn lục địa mới chỉ khai thác 0,01% tiềm năng năng lượng gió. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng đang điều chỉnh khoản viện trợ cho chương trình “G20 với châu Phi” nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế vĩ mô, kinh doanh và tài chính, giúp thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào lục địa này.
Viễn Đông