Người Tà Ôi "chơi" du lịch
(PetroTimes) - Vốn là một xã đặc biệt khó khăn giáp với biên giới Việt Nam - Lào, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh chạy qua xã, cùng với những chính sách mới đã khiến cuộc sống người dân tộc Tà Ôi ở vùng đất này đổi thay đáng kể.
Đường Hồ Chí Minh qua A Roàng đã mở ra sự đổi thay cho vùng biên viễn này |
A Roàng là xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), hầu hết người dân là người dân tộc Tà Ôi (chiếm 91%) cùng người Cơ Tu, người Kinh sinh sống. Cách TP Huế chừng 70km, đường lên A Roàng xanh ngắt một màu với núi rừng trùng điệp. Thế nhưng, cách đây chừng hơn 30 năm, ai muốn lên được A Roàng phải vượt Quốc lộ 1 ra Đông Hà (Quảng Trị), theo đường 9 ngược lên huyện Hướng Hóa, vượt qua huyện Đắk Rông mới có thể tới được A Roàng. Con đường ngày ấy dài gấp 4 lần bây giờ và phải đi trong 2 ngày mới tới nơi.
Nghề dệt zèng đã được người dân tận dụng để làm du lịch |
Trở lại A Roàng hôm nay, nhiều người sẽ không tin vào mắt mình vì những đổi thay đáng kể. Xe ôtô có thể chạy vào tận xã, vào nhiều thôn làng. Đêm đến, đèn điện sáng trưng khắp các thôn buôn, dân cư đông đúc, các trường học, bệnh xá, khách sạn đã mọc lên. Những con đường phẳng phiu dưới bóng núi ngút xanh là niềm vui của cư dân, góp phần xóa nỗi khổ cực của cuộc sống giữa rừng núi miền biên viễn.
Từ một xã có nhiều hộ nghèo với các tập tục lạc hậu, đến nay người dân A Roàng đang dần ổn định cuộc sống và từng bước phát triển kinh tế nhờ thực hiện hiệu quả mô hình “không sinh con thứ 3”, trong đó, thôn A Roàng 1 là một điển hình. Giờ đây, đời sống của bà con dân bản đã khấm khá hơn trước nhờ không sinh nhiều con để chú trọng phát triển các mô hình trồng rừng kinh tế, sản xuất sản phẩm truyền thống dệt zèng, đan lát phục vụ du lịch...
A Roàng hiện đang là một điểm đến hấp dẫn với loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng đặc sắc, lôi cuốn. Như một thung lũng nhỏ xinh giữa đại ngàn, A Roàng có tiết trời mát mẻ, thoáng đãng với một màu xanh ngắt, xung quanh núi rừng trùng điệp. Những khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn với diện tích 3.000ha cùng hệ động vật, thực vật quý hiếm. Có khu rừng nguyên sinh kéo dài từ A Lưới đến tận Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu đẹp ngỡ ngàng. Khách du lịch còn có thể thăm hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh. Xã A Roàng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch như rừng nguyên sinh, thác, suối nước nóng và đặc biệt là nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc của dân tộc Tà Ôi.
Nhà văn hóa cộng đồng tại xã A Roàng được bàn giao ngày 13-8-2021 |
Xác định du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã A Roàng đã tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Đặc biệt, từ khi được dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng A Ka, A Chi, việc giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương có điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn.
Những căn nhà to được xây dựng thêm bên cạnh những căn phòng nhỏ tại homestay, sức chứa có thể tới 40-50 khách mỗi đêm, đã giúp khách lưu trú có nơi để ở lại tốt hơn, có những trải nghiệm thú vị hơn cùng bản làng nơi đây, rất hấp dẫn khách du lịch. Khác với trước đây, mô hình làm du lịch cộng đồng ở A Roàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, ăn ở của du khách.
Lãnh đạo xã A Roàng quyết tâm xây dựng một địa phương với nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ mới |
Ông Hồ Văn Nở, Phó chủ tịch HĐND xã A Roàng, cho biết: Trong những năm gần đây, nhiều thôn, làng của xã đã chủ động xây dựng các quy ước văn hóa, trong đó tập trung thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Người Tà Ôi có nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, có nhiều truyện cổ tích, nhiều câu chuyện được kể bằng những hình thức phong phú như lễ hội Aza; các làn điệu dân ca ka lợi, pa booch... Đó là những nét văn hóa đặc trưng đang được quan tâm lưu giữ, phục hồi.
Hiện nay, xã A Roàng có 8 nhà rông, 4 nhà sàn được bảo tồn, gìn giữ và phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát có từ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân thì hiện nay còn phục vụ khách du lịch. Các mặt hàng thổ cẩm được các nghệ nhân sáng tạo và dệt nên với đủ hoa văn, mẫu mã đặc sắc đã trở thành sản phẩm ưa chuộng của du khách khi đến A Roàng. Văn hóa ẩm thực đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ hội, đặc biệt phục vụ khách du lịch.
Cán bộ xã, cán bộ đồn biên phòng Hương Nguyên luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống người dân |
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có khoảng 4-5 đoàn khách du lịch đến A Roàng. Mỗi tháng điểm du lịch này thu hút hơn 2.000 lượt khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và có cả khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. A Roàng cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục như làm nhà để xe, đường cấp phối, thành lập thêm các tổ đan lát, tổ dệt, tổ văn nghệ dân gian, xây dựng nhà bán hàng lưu niệm... hướng đến phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng. Bản làng với những mái nhà tươi tắn quây bên con đường rộng rãi khiến núi rừng miền biên viễn bừng sáng tươi vui.
Trung bình mỗi tháng điểm du lịch A Roàng thu hút 4-5 đoàn với hơn 2.000 lượt khách du lịch từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, có cả khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. |
Minh Ngọc
"Rượu trời" vùng biên viễn |