Tiêu thụ khí giảm, một số mỏ có nguy cơ dừng sản xuất
Tiêu thụ khí từ đầu năm tới nay giảm và dự báo năm 2022 cũng chưa tăng mạnh, kéo theo nguy cơ một số mỏ phải dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng.
Hoạt động khai thác và tiêu thụ khí đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Đức Thanh |
Tiêu thụ thấp
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong năm 2021, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên hoạt động khai thác và nghiêm trọng.
Tổng lượng khí ẩm khai thác về bờ năm 2021 dự kiến khoảng 7,9 tỷ m3, đạt 81% kế hoạch. Trong đó, lượng khí cấp cho các nhà máy điện khoảng 5,53 tỷ m3, đạt 75% kế hoạch; các nhà máy đạm đạt khoảng 1,11 tỷ m3, đạt 103% kế hoạch và các khách hàng công nghiệp khác khoảng 0,99 tỷ m3, đạt 93% kế hoạch.
Lượng khí tiêu thụ năm 2021 giảm mạnh được cho là có nguyên nhân chính từ việc các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ giảm nhu cầu khí cho phát điện.
So với kế hoạch huy động khí cho phát điện được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định 3598/QĐ-BCT về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021, thì lượng khí cấp cho các nhà máy điện ở khu vực Đông Nam bộ dự kiến khoảng 4,45 tỷ m3 - đạt 87% kế hoạch của Bộ Công thương. Lượng khí cấp cho các nhà máy điện ở khu vực Tây Nam bộ là 1,08 tỷ m3 - đạt 73% kế hoạch của Bộ Công thương.
Trong năm 2022, lượng khí về bờ theo kế hoạch khai thác dự kiến là hơn 9 tỷ m3, nếu trừ lượng khí cấp cho đạm và các khách hàng công nghiệp thì lượng khí cấp cho điện vào khoảng 6,4 tỷ m3.
Petrovietnam cũng đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và được biết, dự báo khả năng huy động khí cho điện tiếp tục giảm mạnh, chỉ cần khoảng 3,88 tỷ m3, trong đó, riêng khu vực Đông Nam bộ là 2,8 tỷ m3 và khu vực Tây Nam bộ là 1,08 tỷ m3.
Chênh lệch giữa cung và cầu về cấp khí cho điện có nguy cơ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) bị ảnh hưởng lớn. Điều này cũng kéo theo phần đóng góp cho ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, nếu thực tế diễn ra như vậy, một số mỏ khí đang khai thác sẽ có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng.
Nộp thuế giảm
Nhìn vào dự báo công suất huy động điện từ ngày 26/9/2021 - ngày bắt đầu được công khai dữ liệu này, thì nhiệt điện chạy khí chỉ được huy động khoảng 1.300 - 2.500 MW hàng ngày. Con số này dĩ nhiên thấp xa so với công suất 7.185 MW của loại hình điện từ tua-bin khí hiện có trong hệ thống điện Việt Nam.
EVN cũng cho hay, năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở miền Nam, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện có xu hướng giảm.
Trong giai đoạn từ tháng 7/2021 tới nay, do thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt 90%, riêng khu vực miền Nam tiêu thụ điện tháng 8/2021 chỉ đạt 78% so với kế hoạch tại Quyết định 3598/QĐ-BCT.
Hệ quả tất yếu khi nhu cầu điện giảm, sẽ dẫn đến việc huy động các nhà máy sản xuất điện ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng theo, trong đó có điện từ khí.
Trong tình huống này thì lại không có bất cứ quy định nào về việc ưu tiên huy động nguồn điện khí từ các cơ quan quản lý nhà nước, nên bên mua điện phải tuân theo các quy định do Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực ban hành nhằm đảm bảo một số nguyên tắc như công bằng, minh bạch và tối thiểu hóa chi phí mua điện của hệ thống.
Lẽ dĩ nhiên, việc không mua điện khí nhiều sẽ khiến nguồn khai thác khí bị ảnh hưởng như đã nói ở trên.
Theo tính toán, tổng khoản giảm thu của riêng Petrovietnam/PV Gas trong năm 2021 có thể lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Nếu tính các khoản giảm thu của Nhà nước, Petrovietnam và các đơn vị thì con số có thể lên tới hơn 13.000 tỷ đồng trong năm nay.
Sang năm 2022, với dự báo việc huy động khí cho phát điện tiếp tục giảm mạnh, có thể chỉ còn ở mức hơn 6 tỷ m3 so với khả năng khai thác được là 9,1 tỷ m3, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam/PV Gas/PV Power (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) và phần thu của Nhà nước sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh hơn so với năm 2021.
Dự kiến, các khoản giảm thu của Petrovietnam/PV Gas có thể lên tới gần 7.000 tỷ đồng; tổng khoản giảm thu của Nhà nước, Petrovietnam và các đơn vị có thể lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.
Bởi vậy, Petrovietnam đã khẩn cấp kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN tăng cường huy động các nhà máy nhiệt điện khí nhằm bảo đảm tiêu thụ khí theo kế hoạch vận hành tại Quyết định 3598/QĐ-BCT.
Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách về tổng thể, Petrovietnam đã đề nghị khi xây dựng kế hoạch cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 thì sản lượng khí cho phát điện sẽ là 6,4 tỷ m3, để đảm bảo sản lượng khai thác cả năm là 9,1 tỷ m3.
Theo Báo Đầu tư
Giảm huy động điện khí và câu chuyện công bằng trong điều tiết các nguồn điện |
Huy động thấp, điện khí thiệt đủ đường |
Giảm huy động nguồn điện khí: Những thiệt hại khó lường |