Truyền hình trực tiếp thảo luận sửa Hiến pháp
Với mong muốn nhân dân có thông tin để đóng góp ý kiến cho sửa đổi Hiến pháp 1992, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 diễn ra sắp tới, phiên họp thảo luận về vấn đề này tại Quốc hội dự kiến sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp đến cả nước.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 sắp diễn ra, phiên thảo luận về Quy chế lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, sửa Hiến pháp và Luật phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai sửa đổi nằm trong danh sách các phiên họp được tường thuật truyền hình, truyền thanh trực tiếp đến nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, tăng thời gian truyền hình phát thanh trực tiếp các nội dung quan trọng là một kênh hữu hiệu giúp nhân dân nắm được vấn đề, góp phần giám sát các hoạt động như bỏ phiếu tín nhiệm, chống tham nhũng.
Ảnh: LN |
Đồng thời, Hiến pháp 1992 sửa đổi sắp tới sẽ lấy ý kiến toàn dân nên nếu nội dung này được phát sóng trực tiếp sẽ giúp dân thêm thông tin.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề xuất, Chính phủ nên báo cáo thêm với Quốc hội về những vấn đề nóng, những câu chuyện nổi cộm của đất nước, đang khiến người dân "sôi sục" như tình hình kinh tế khó khăn, chuyện động đất ở Thủy điện sông Tranh...
Ông cho rằng nên dành nhiều thời gian thảo luận các nghị quyết quan trọng đối với đất nước, nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của Đảng như lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện còn đề xuất, có thể áp dụng cách làm như các nước phương Tây là chia đôi hội trường trong các phiên thảo luận toàn thể để đảm bảo nhiều nội dung được thảo luận sâu. Vì với cách làm như hiện nay, gần 500 người ngồi họp nhưng chỉ mươi, mười lăm người được nói, dẫn đến tình trạng hiệu quả các phiên thảo luận chưa cao.
Diễn ra 1 tháng, từ 22/10 đến 23/11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 được đánh giá là kỳ họp có nhiều nội dung "nặng", liên quan đến quốc kế dân sinh, như sửa Hiến pháp, sửa Luật đất đai, luật thuế, phòng chống tham nhũng…
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, như Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật luật sư, Luật điện lực…10 dự án luật khác sẽ được Quốc hội cho ý kiến, như Luật đất đai, Luật việc làm, Luật khoa học công nghệ, Luật đầu tư mua sắm công...
Chương trình chính thức của kỳ họp sẽ được thông qua tại phiên họp trù bị của Quốc hội.