Phân tích về cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Ukraine - Nga và Hungary
(PetroTimes) - Sau khi Nga và Hungary ký hợp đồng trong 15 năm cung cấp khí đốt không đi qua lãnh thổ Ukraine, Kiev đã phản ứng dữ dội và kéo cả Ủy ban châu Âu vào cuộc tranh chấp, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới giữa hai nước.
Tổng thống Ukraine (trái) và Thủ tướng Hungary |
Ngày 27/9/2021, Nga, thông qua Gazprom (công ty khí đốt của Nga) thông báo rằng họ đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt với Hungary trong thời hạn 15 năm, mà không đi qua phần lãnh thổ Ukraine. Theo hợp đồng, Nga sẽ cung cấp 4,5 tỷ mét khối khí đốt cho Hungary mỗi năm. Trong tổng số này, 3,5 tỷ mét khối sẽ đi qua Serbia và 1 tỷ qua Áo. Lễ ký kết được tổ chức tại Budapest với sự hiện diện của Yelena Bourmistrova, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của Gazprom Export, và Peter Szijjártó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary. Hợp đồng kéo dài 15 năm này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10/2021 và các điều kiện hợp đồng có thể được sửa đổi sau 10 năm. “Một yếu tố quan trọng khác của hợp đồng là đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp. Kể từ ngày 1/10, Hungary sẽ bắt đầu nhận khí đốt từ Gazprom thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Đông Nam Âu”, ông Bourmistrova nói.
Việc không cho khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraine của Nga và Hungary càng khiến thu nhập của Kiev từ vận chuyển khí đốt thêm thiệt hại do vốn trước đó Nga đã xây dựng tuyến đường ống Nord Stream 2 bỏ qua lãnh thổ Ukraine. Như thường lệ, Ukraine đã phản ứng một cách kịch liệt, và yêu cầu Ủy ban châu Âu xác minh rằng hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga và Hungary có tuân thủ luật pháp châu Âu về năng lượng hay không. Phản ứng của người đứng đầu công ty phụ trách hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, ông Sergei Makogon, cho rằng Nga và Hungary nên tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine. "Một ví dụ rõ ràng về chính sách của Điện Kremlin đối với Ukraine ngay cả khi có khả năng vận chuyển khí đốt từ Nga sang Hungary đi qua Ukraine, Gazprom đã quyết định dùng các đường ống khác không phải của chúng tôi. Mặc dù hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine có giá trị đến năm 2024, nhưng việc đường ống dẫn khí Nord Stream 2 hoàn thiện về mặt kỹ thuật gây ra những rủi ro lớn cho việc vận chuyển hiện tại qua Ukraine và cho việc gia hạn hợp đồng sau năm 2024”, ông Makogon viết Facebook.
Kể từ ngày 1/10, Hungary sẽ bắt đầu nhận khí đốt từ Gazprom thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ |
Việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, kể từ sau phong trào Maidan, đã trở thành mối quan hệ kinh doanh thuần túy không hề như trước. Trong 7 năm qua, Ukraine không ngừng chỉ trích Nga một cách có hệ thống, cáo buộc nước này là "quốc gia xâm lược", đồng thời theo đuổi các chính sách phân biệt đối xử với người gốc Nga ở Ukraine, nhưng đồng thời lại yêu cầu Moscow tiếp tục đưa khí đốt qua lãnh thổ của mình. Điều này chứng minh rằng những câu chuyện về chiến tranh giữa 2 quốc gia chỉ là một câu chuyện cổ tích. Không một quốc gia nào có chiến tranh và bị xâm lược bởi một quốc gia khác lại yêu cầu quốc gia này tiếp tục cung cấp khí đốt! Mối quan hệ kinh doanh như vậy là đầy rủi ro, vì Ukraine đã từng chặn khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ của mình làm con tin trong quá khứ để mặc cả với Moscow. Ngoài ra, hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này cũng xuống cấp nghiêm trọng và có thể bị sụp đổ nếu không được cải tạo. Và trên hết, việc khí đốt qua Nga đi qua Ukraine đắt hơn đi qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu, như phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã chỉ ra. Do đó, việc Gazprom tìm cách bỏ qua lãnh thổ Ukraine là điều hợp lý và bình thường.
Liên quan đến Hungary, không chỉ phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga, Kiev cũng đã phân biệt đối xử với những người gốc Hungary ở Ukraine, những người này cũng bị ảnh hưởng bởi các luật về ngôn ngữ Ukraine và giáo dục. Điều này đã khiến quan hệ giữa Ukraine và Hungary trở nên căng thẳng. Thêm vào đó là các tuyên bố của một số đại biểu và chính trị gia Ukraine xúc phạm người gốc Hungary ở Ukraine và kêu gọi trục xuất họ… Do vậy, Budapest có rất nhiều lợi ích khi không để nguồn cung khí đốt của mình đi qua Ukraine.
Với tất cả những điều trên, phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kouleb, người nói rằng Kiev rất thất vọng với quyết định của Hungary khi ký hợp đồng dài hạn với Nga về việc cung cấp khí đốt bỏ qua Ukraine, khi cho rằng quyết định này làm suy yếu mối quan hệ song phương giữa Hungary-Ukraine, và Kiev sẽ đáp lại một cách “thích hợp”. Chính các quyết định chính trị của Kiev đã gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ với Hungary, khiến nước này phải tránh chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine, chứ không phải ngược lại. Ukraine có thể nói điều này là "phá hoại an ninh quốc gia và an ninh năng lượng của châu Âu", nhưng sự thật là hành động của Nga và Hungary chủ yếu ảnh hưởng đến ví tiền của Kiev.
Trong khi giá khí đốt ở châu Âu đã vượt quá 1.000 USD/1.000 m³, mức cao nhất trong lịch sử, Hungary hiểu được giá trị của việc ký kết các hợp đồng dài hạn, theo đó đảm bảo cho khách hàng một mức giá cố định và tương đối thấp. Khi Hungary càng quay lưng lại với Ukraine và củng cố bằng quyết định mua khí đốt từ Nga không đi qua lãnh thổ Ukraine, Kiev càng phản ứng dữ dộ. Ukraine đã vượt qua ranh giới, yêu cầu Ủy ban châu Âu kiểm tra việc tuân thủ hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga và Hungary với luật năng lượng của châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjártó đã phản đối mạnh mẽ "nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary". Ông nói thêm rằng đó là vì nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hungary và những quyết định như vậy không thể bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Ủy ban châu Âu đã quyết định can dự vào vấn đề này, yêu cầu Hungary biện minh cho hợp đồng này với Nga, quốc gia cung cấp hơn 28% nhu cầu của EU và chứng minh rằng điều này không gây nguy hiểm cho an ninh cung cấp năng lượng của Nga cho EU. Có khả năng Budapest không chỉ chống lại Ukraine, mà còn chống lại cả EU. Bởi vì Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, Peter Szijjártó, đã rất rõ ràng rằng Hungary “có toàn quyền để ký các hợp đồng cung cấp năng lượng với bất kỳ quốc gia nào theo các điều kiện phù hợp với quốc gia đó”, và “từ chối mọi nỗ lực xâm phạm chủ quyền”.
Trên thực tế, điều thúc đẩy EU không phải là an ninh năng lượng, điều khiến Brussels sợ hãi là Hungary là quốc gia đầu tiên trong danh sách dài các quốc gia có thể tự ký hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga, bỏ qua Ukraine, điều này sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho tài chính của Ukraine. EU biết rằng họ sẽ bỏ tiền túi để lấp đầy những lỗ hổng trong ngân sách Ukraine nếu muốn Kiev còn trong quỹ đạo của mình.
EU, cũng như Mỹ, hy vọng sẽ khiến Nga phải đi giải quyết hậu quả của phong trào Maidan ở Ukraine và họ sẽ rút đi an toàn. Nhưng mọi thứ không như mong muốn, EU muốn và hỗ trợ Maidan và hiện họ đang trả giá cho điều này...
H.Phan