Bộ Công Thương: Không tăng giá điện, xem xét giảm giá xăng dầu
(PetroTimes) - Tại họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên cả nước nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đang xem xét nhiều giải pháp linh hoạt trong đó có giảm giá xăng dầu và cả giá điện.
Trong 9 tháng vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều tỉnh thành phố trên cả nước bị đình trệ. GDP sụt giảm ở mức thấp nhất trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam. Để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên cả nước đẩy mạnh SXKD, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, linh hoạt trong điều hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo thường kỳ quý III/2021. |
Về phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển SXKD. Tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch SXKD theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp.
Trong đó, lãnh đạo Bộ và các Cục vụ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động SXKD, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ chủ trì thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số vật liệu cơ bản nhằm từng bước chủ động nguồn linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu; Khẩn trương hoàn thiện hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ... để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong cuối năm 2021 và giai đoạn đến năm 2023.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga trả lời thông tin xem xét giảm giá xăng dầu. |
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.
Cục Xuất nhập khẩu đang tập trung xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam bảo đảm đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tận dụng tối đa cơ hội của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối, vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.
Toàn cảnh họp báo quý III/2021 của Bộ Công Thương. |
Tại buổi họp báo định kỳ quý III/2021, trả lời câu hỏi của một số phóng viên về các thông tin tăng giá điện, giảm giá xăng, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đang xem xét các phương án giảm giá xăng sao cho hợp lý, với mục đích hỗ trợ người dân đi lại, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, phục hồi ngành du lịch nhưng không ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu. Từ đó đưa ra phương án tốt nhất trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Về thông tin tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, không có việc xem xét tăng giá điện trong thời gian tới (ít nhất là 3 tháng cuối năm 2021). Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Bộ Công Thương không xem xét việc tăng giá điện. Không những thế, trong 2 năm qua Chính phủ đã chỉ đạo EVN 5 lần giảm giá điện cho các đơn vị chống dịch và cả người dân tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19.
Thành Công
Bộ Công Thương rà soát sản phẩm plastic nhập khẩu bán phá giá | |
Bộ Công Thương chủ trì phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030 | |
Bộ Công Thương: Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp thực tiễn |