Khai thác, sử dụng học liệu trong bối cảnh dịch Covid-19
(PetroTimes) - Nhằm chia sẻ những kĩ năng, bí quyết trong việc tận dụng tối đa hiệu quả các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến, ngày 26/9, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Khai thác và sử dụng học liệu cho các phương án dạy học trong bối cảnh Covid-19 ở tiểu học”.
TS Tôn Quang Cường chia sẻ tại tọa đàm |
Trao đổi tại tọa đàm, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh, không có một công cụ hay công nghệ thần kì nào có thể xử lí được mọi vấn đề mà điều quan trọng nhất là giáo viên phải thiết kế hoạt động học tập sao cho tạo ra được sự tương tác và phản hồi tốt nhất đối với học sinh. Ngoài việc nắm chắc các kĩ năng sư phạm, nội dung bài học thì người giáo viên cần kết hợp với trang bị những kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Việc cung cấp thông tin về cộng đồng học tập trực tuyến, các kho tài nguyên học liệu số cũng được các khách mời chia sẻ và gợi ý.
TS Tôn Quang Cường nhận định, nhìn lại thời gian triển khai dạy học trực tuyến vừa qua, đội ngũ giáo viên đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng về kỹ năng, phương pháp dạy học, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên trong dạy - học trực tuyến. Các cán bộ quản lý giáo dục và nhà trường cần có kế hoạch trang bị cho các thầy cô giáo lấp những khoảng trống này để việc dạy và học đạt hiệu quả ổn định, bền vững và lâu dài.
Cũng theo TS Tôn Quang Cường, bên cạnh việc triển khai dạy học trên các ứng dụng dạy học trực tuyến, cần phải đảm bảo hệ thống hỗ trợ cho phương thức dạy học này. Hệ thống quản lí học tập, nội dung học tập và tài nguyên học liệu số là những vấn đề cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Việc dạy học từ xa cần đạt được các mục tiêu: Đảm bảo sự tương tác không bị đứt gãy (trong trường hợp dừng đến trường); đảm bảo các hoạt động dạy học được thực hiện đồng bộ; đảm bảo sự hỗ trợ tiến trình học tập của học sinh bằng các phương án khác nhau bên cạnh việc có các giờ học online. TS Cường cho rằng, để các phương án tổ chức dạy học từ xa được triển khai đáp ứng 3 mục tiêu trên cần vận hành tốt hệ thống quản lí nội dung và quản lí học tập.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ tại tọa đàm |
Nhấn mạnh về vai trò của học liệu trong dạy học từ xa, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bên cạnh nguồn học liệu truyền thống, trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục và tác động nặng nề của dịch Covid-19, học liệu số cũng trở thành phương tiện thiết yếu phục vụ các mục đích học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Học liệu số bao gồm: Giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra đánh giá điện tử, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu được số hóa khác…
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, có thể chia các học liệu theo các yếu tố công nghệ như các mô phỏng (simulation), đồ họa và hoạt hình (animation), sách điện tử (ebook), câu hỏi (test) phục vụ kiểm tra đánh giá. Tiến trình dạy học được thực hiện thông qua các hoạt động cơ bản: gợi mở/khám phá; làm việc với nội dung mới; luyện tập; vận dụng, củng cố; kiểm tra - đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành lưu ý, việc khai thác và sử dụng học liệu cần được lựa chọn một cách phù hợp, bài giảng phải được thiết kế hợp lý với lứa tuổi học sinh cũng như từng phương án dạy học từ xa. Qua đó, tiến trình dạy học sẽ được xây dựng, phân tích gắn với phương tiện công nghệ và các yêu cầu sư phạm của các học liệu của từng phương án dạy học.
Một số giáo viên và phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại trẻ có thể gặp các vấn đề về tâm lí như trầm cảm vì phải học trực tuyến và ở trong nhà quá lâu, không được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia tâm lí Trần Văn Công - Phó Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục cho rằng, vấn đề trẻ gặp trầm cảm là vấn đề mang tính lâu dài, bản chất. Tuy nhiên, trẻ không được ra ngoài có thể gặp các vấn đề thu mình, mất hứng thú, gây gổ, cáu gắt... hoặc trẻ đã có các vấn đề khó khăn về sức khỏe tâm thần sẽ phải đối diện với vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.
Để tháo gỡ vấn đề này, theo TS Trần Văn Công, những vấn đề tâm lí mang tính thời điểm, nhất thời sẽ dễ dàng khắc phục hơn. Sau khoảng thời gian phải ở nhà, trẻ được giải phóng sẽ nhanh chóng phục hồi, có thể tham gia các công việc như dọn dẹp nhà cửa, chơi đồ chơi lắp ghép, cắt dán, giúp đỡ bố mẹ các việc gia đình.
Phú Văn