Đảm bảo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19
(PetroTimes) - Tại Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 ban hành ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.
Theo đó, Thủ tướng lưu ý các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân lực thu hoạch, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản. Các địa phương cũng xây dựng, hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 ở vùng xanh, giữa các vùng xanh để thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Cũng tại chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm thông suốt trên toàn quốc cho vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Yêu cầu các địa phương bãi bỏ các văn bản trái với quy định của Chính phủ trong lưu thông hàng hóa. Các địa phương không được ban hành các giấy phép con làm ách tắc lưu thông hàng hóa.
Ảnh minh họa |
Đối với các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Các địa phương lập tổ công tác để hướng dẫn tư vấn chuyên môn phòng, chống dịch cho cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị vận tải lưu thông hàng hóa và kịp thời giải quyết ngay khi có các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng.
Địa phương cũng cần có chính sách giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ chủ xe, lái xe; đảm bảo di chuyển lao động liên tỉnh, liên huyện nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19.
Cũng liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND đảm bảo cân đối, cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân, Kế hoạch triển khai các nội dung chủ yếu như: tăng nguồn cung tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Phương án cung cấp nguồn hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, đối với tăng nguồn cung tại chỗ trên địa bàn tỉnh, sẽ tập trung các phương án cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; bảo quản, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Phương án cung cấp nguồn hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ nguồn cung thực tế trên địa bàn và nhu cầu cần sử dụng hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh đã nêu trên, việc kết nối các sản phẩm còn thiếu về Thừa Thiên Huế để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường là cần thiết.
Đối với phương án vận chuyển hàng hóa:
Về phương tiện, sẽ huy động toàn bộ lực lượng các phương tiện trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn khi cần thiết như: Xe của các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất, kinh doanh; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn (các Hợp tác xã vận tải, Bưu điện tỉnh, các đơn vị logistics, thương mại điện tử, taxi, xe huy động của các địa phương...) tham gia vào hoạt động vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh tới các kho, điểm bán trên địa bàn.
Các phương tiện vận chuyển (xe ô tô, xe máy) của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến điểm tiêu thụ.
Về hỗ trợ vận chuyển, sẽ hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký “luồng xanh” toàn quốc và trên địa bàn tỉnh theo quy định (đối với xe ô tô).
Các sở, ngành (Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông…), chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ tối đa cho các hệ thống phân phối vận chuyển lưu thông hàng trong và ngoài tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh.
Cấp mã được phép lưu thông cho xe mô tô hai bánh đối với các cơ sở xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch, có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ. Các đơn vị tham gia vận chuyển hỗ trợ phương tiện, con người, xăng dầu, các chế độ cho cán bộ, lái xe tham gia trong điều kiện cho phép của đơn vị.
Trong trường hợp vượt quá khả năng cho phép báo cáo tỉnh (qua Sở Giao thông Vận tải) để xem xét hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu cụ thể công tác điều hành vận chuyển và điều động phương tiện trong điều kiện bình thường và trong tình huống khẩn cấp…
Xuân Hinh