Hà Nội thúc đẩy kinh tế trong trạng thái "bình thường mới"
(PetroTimes) - Hà Nội đã sẵn sàng, chủ động các phương án tái khởi động sản xuất khi trở lại trạng thái “bình thường mới” nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau giãn cách xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021
Chủ động thích ứng sản xuất
Trong 3 tháng qua, cơ sở may mặc của chị Thắm (Ứng Hòa, Hà Nội) bị ngưng trệ sản xuất, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 buộc nhân viên công ty phải tạm nghỉ, các đơn hàng, nguyên liệu may mặc cũng tạm dừng. Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội cho phép nới lỏng nhiều hoạt động tại “vùng xanh" đã giúp cơ sở của chị Thắm có điều kiện tái khởi động sản xuất. “Tranh thủ điều kiện thuận lợi, cơ sở chúng tôi tranh thủ ngay các biện pháp khôi phục sản xuất, bổ sung tuyển dụng nhân lực bị thiếu hụt, mặt khác tích cực thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. ” chị Thắm cho hay.
Công nhân May 10 (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Tương tự, với cơ sở cung cấp, lắp đặt thiết bị nhà ăn công nghiệp của anh Cao Sơn Tùng trên địa bàn quận Ba Đình cũng phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất do thực hiện giãn cách xã hội. “Nhu cầu của khách hàng rất lớn, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 cơ sở chúng tôi gần như không dám nhận bất cứ hợp đồng lắp đặt nào. Việc thành phố cho phép mở lại các hoạt động sản xuất-kinh doanh tại những vùng an toàn vào thời điểm được coi là "thời khắc vàng" rất đáng mừng, chúng tôi sẽ nối lại chuỗi cung ứng vốn có một cách nhanh nhất,” anh Tùng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, với sự chủ động trong phòng chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đương đầu trong những lúc khó khăn nhất, với nhiều giải pháp thích ứng, linh hoạt không thể sản xuất ngưng trệ, nỗ lực đảm bảo các hợp đồng đã ký với khách hàng. Đơn cử như Công ty May 10, vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường và đảm bảo cho doanh nghiệp không bị động về nhân lực, tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Đây là phương pháp rất hợp lý đảm bảo được "mục tiêu kép" vừa chống dịch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Chia sẻ về điều này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 cho hay, May 10 đã triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng, chống dịch thường xuyên, liên tục đến từng người lao động, qua đó lan tỏa tinh thần chống dịch của từng cá nhân đến với gia đình và những người xung quanh họ.
Trong gần hai năm qua từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, giữ được việc làm thường xuyên, liên tục cho người lao động là sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo đơn vị, đồng thời cũng chứng minh được giá trị thương hiệu của một Tổng Công ty hàng đầu khu vực miền Bắc. "Doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các hợp đồng tuy nhỏ lẻ, lợi nhuận không nhiều nhưng có thể đảm bảo được mục tiêu quan trọng nhất, cũng là tôn chỉ hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, và đã trở thành truyền thống trong rất nhiều năm của May 10, ấy là "tất cả vì người lao động", để ai cũng có việc làm, ai cũng có thu nhập, cho dù không được như trước đây, nhưng vẫn có thể đảm bảo cuộc sống và lo cho gia đình, tại một đô thị đắt đỏ như ở Hà Nội", ông Việt chia sẻ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, hiện nay Hà Nội đã sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, song song với bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn.
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Vsmart tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh chụp trước ngày 27/4/42021) |
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, thời gian qua Hà Nội đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển, như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Ủy ban Nhân dân đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc…
Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh…” ông Đàm Tiến Thắng nói. Để khởi động lại hoạt động kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của doanh nghiệp quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Song song với nhiệm vụ lâu dài, ngay lúc này, Thành phố Hà Nội quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển sau dịch bệnh. Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan thuế đang kích hoạt hàng loạt các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, từ đó có thêm nguồn lực vượt qua dịch bệnh. Qua rà soát, bước đầu, Cục Thuế Thành phố đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 27.000 doanh nghiệp, tổ chức với số thuế đề nghị gia hạn khoảng 7.000 tỷ đồng; số tiền thuế đất đề nghị gia hạn khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 600 hộ kinh doanh với số thuế đề nghị gia hạn hơn 12 tỷ đồng...
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố đã có kế hoạch với mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025. Điều này cho thấy Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng KCN Quang Minh II (huyện Mê Linh), khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), KCN sạch Sóc Sơn. Thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh. Ông Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận những khu, cụm công nghiệp nói trên được hình thành không chỉ là chỗ cho “đại bàng” làm tổ, góp phần cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng 4.0 mà còn bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.
Tại địa bàn huyện Hoài Đức, hiện có 3.575 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, trong đó có 313 doanh nghiệp nằm trong 10 cụm công nghiệp (Trường An - An Khánh, Lại Yên, Lai Xá, Di Trạch…) với 7.288 lao động và 3.262 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do các xã, thị trấn quản lý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp muốn trở lại sản xuất, phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, trình UBND huyện phê duyệt.
Đối với các cơ sở sản xuất ngoài cụm công nghiệp, sẽ do UBND xã, thị trấn phê duyệt phương án sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, toàn huyện đã có 825 doanh nghiệp được phê duyệt phương án, trở lại sản xuất trong tháng 8 và 9-2021, trong đó UBND huyện phê duyệt 189 phương án; UBND các xã, thị trấn đã phê duyệt 636 phương án.
Tương tự, huyện Quốc Oai với quyết tâm bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, đã nhanh chóng có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh đi đôi với phòng, chống dịch. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, địa bàn huyện có Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và 2 cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Yên Sơn với tổng số 92 doanh nghiệp. Huyện cũng đã phê duyệt các phương án sản xuất an toàn, cho phép 58 doanh nghiệp trở lại hoạt động với tổng số 1.320 lao động. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện Quốc Oai cũng đang tập trung ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, đã có gần 80% số công nhân lao động được tiêm mũi 1, gần 30% lao động được tiêm mũi 2
Lấy lại đà tăng trưởng
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho rằng doanh nghiệp Thủ đô đã rất nỗ lực, sát cánh cùng chính quyền Thành phố thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, doanh nghiệp kỳ vọng việc cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn cùng với thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục... Các khoản hỗ trợ phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
“Cả Thành phố như một cơ thể sống, có quan hệ tuần hoàn, chặt chẽ nên không thể chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà sao nhãng phát triển giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Vì vậy sau khi dỡ bỏ giãn cách, Thành phố cần quan tâm đến vấn đề tạo nền tảng cho tăng trưởng”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, thành phố Hà Nội còn nhiều khó khăn do đại dịch song trên địa bàn vẫn có hơn 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thức rõ thời cơ đang đến, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của doanh nghiệp quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố đã có kế hoạch với mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025. Điều này cho thấy Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo
Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng KCN Quang Minh II (huyện Mê Linh), khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), KCN sạch Sóc Sơn. Thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Năm 2021, cũng là năm thành phố đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Lấy lại đà tăng trưởng, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân.
Có thể thấy, dù trong bộn bền khó khăn trước tác động của dịch COVID-19, Hà Nội vẫn tạo được dấu ấn trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Điều đó được minh chứng từ những nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền địa phương dưới sự chỉ đạo sâu sát của thành phố đã và đang đẩy mạnh sản xuất hiệu quả, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Đó là những giải pháp cần thiết sớm đưa Hà Nội trở lại trạng thái "bình thường mới", bắt kịp đà tăng trưởng theo những mục tiêu đã đề ra.
Minh Châu
Thủ tướng: Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế |
Vắc xin Covid-19 - “vũ khí” xoay chuyển tình thế |
Chuyên gia "hiến kế" phục hồi kinh tế giữa đại dịch Covid-19 |