Man Utd thua sốc "tí hon": "Lá gan nhỏ" khó làm việc lớn
Man Utd đã thua ngược trong thế thiếu người. Điều đó không làm ai bất ngờ. Thế nhưng, cái cách mà đội bóng đương đầu với khó khăn mới là câu chuyện đáng bàn…
Con số chỉ ra tất cả yếu kém của Man Utd trước Young Boys. Trong cả trận đấu, Quỷ đỏ chỉ tung ra… 2 cú dứt điểm. Kể từ khi Opta thống kê ở mùa giải 2003/04, nửa Đỏ thành Manchester chưa bao giờ dứt điểm ít tới vậy trong một trận đấu ở Champions League.
Chiếc thẻ đỏ của Wan-Bissaka có thể là bước ngoặt nhưng không phải nguyên nhân chính khiến Man Utd thất bại. |
Trong đó, lần cuối cùng mà họ bắn phá khung thành của đội bóng Thụy Sỹ là... phút 25. Có nghĩa rằng trong gần 70 phút sau đó, Man Utd chỉ biết chịu trận giống như "bị bông" và không hề có sự uy hiếp tới khung thành đối thủ.
Câu hỏi đặt ra là liệu Young Boys quá mạnh để khiến Man Utd sợ hãi tới vậy? Câu trả lời đương nhiên là không. Đội bóng Thụy Sỹ chỉ bị xếp vào nhóm hạt giống thứ 4 (tức nhóm yếu ở Champions League).
Từ bao giờ, Man Utd đã quên mất mình là một đội bóng lớn, để chấp nhận chịu trận một cách bạc nhược như vậy.
Chuyên gia Paul Merson đã nhấn mạnh: "Man Utd không thể đưa bóng lên quá giữa sân thì còn làm ăn được gì. Nếu Man City thi đấu với 10 người như vậy, tôi dám chắc rằng Young Boys không chạm nổi bóng".
Có chi tiết đáng chú ý, trong bài phát biểu trước thềm trận gặp Young Boys, C.Ronaldo đã nhấn mạnh tới "tâm lý chiến thắng của kẻ mạnh" . Ngụ ý của CR7 trong toàn bộ bài phát biểu ấy là muốn biến Man Utd thành "chúa sơn lâm" như thời trước.
Điểm yếu cố hữu của HLV Solskjaer là tâm lý sợ hãi, khiến Man Utd ôm hận. Họ tự biến mình thành bị bông, để đối thủ yếu Young Boys mặc sức tấn công. |
Nhưng có lẽ, Man Utd đã rời xa đỉnh cao quá lâu để ý thức được rằng mình từng là "chúa sơn lâm" như vậy. Đôi khi, họ chỉ cần cái uy cũng khiến những đối thủ tầm cỡ Young Boys phải khiếp sợ.
Thay vào đó, trong ánh nhìn của Man Utd giờ đây, người ta thấy nỗi sợ hãi của thỏ đế. Rõ ràng, Man Utd có thể tránh được thất bại trước Young Boys. Họ không nhất thiết "ôm khư khư khung thành" ngay từ phút 35 với tư tưởng cầu hòa. Đơn giản, đó là tâm lý của những kẻ nhược tiểu.
Bóng đá là cuộc chiến của tâm lý. Khi bạn không có tâm lý đủ mạnh để khiến đối thủ rụt rè, sợ hãi thì ngay lập tức hứng chịu đòn tấn công mạnh mẽ. Nếu Man Utd không cho thấy biểu hiện của sự sợ hãi (lùi hết đội hình về phòng ngự) thì Young Boys chưa chắc "dám" dồn cả đội hình tấn công và tạo ra sức ép tới ngạt thở như vậy.
Có một con số thống kê khiến nhiều người ngạc nhiên, Man Utd đã thua tới 7/11 trận đấu ở Champions League dưới thời HLV Solskjaer. Trong lịch sử, chưa có HLV nào của Man Utd tệ hại tới vậy ở đấu trường này. Dù chỉ dẫn dắt Man Utd trong 4% số trận ở Champions League (11/231 trận) nhưng Solskjaer đã thua tới 13% số trận (7/54 trận).
Bản đồ nhiệt cho thấy Man Utd gần như không có sự uy hiếp khung thành của Young Boys. Chính việc Man Utd lùi sâu về sân nhà, tạo điều kiện cho Young Boys vùng lên mạnh mẽ. |
Tỷ lệ thất bại của Solskjaer ở đấu trường danh giá nhất châu Âu cấp CLB là 63%. Con số lớn tới mức khó có thể hình dung đó là Man Utd, CLB lừng danh của bóng đá thế giới.
Những con số thống kê không biết nói dối. Nó chỉ rõ thực tế rằng Man Utd của HLV Solskjaer thực sự "yếu bóng vía" ở đấu trường Champions League. Một phần cũng xuất phát từ chính cách tiếp cận của họ.
Kẻ mạnh không phải là kẻ thắng tưng bừng (rồi ngay sau đó thất bại bạc nhược). Sức mạnh của đội bóng lớn thể hiện qua cách họ đương đầu với khó khăn. Tới đây, có thể hiểu vì sao Man Utd chưa giành được danh hiệu nào dưới thời HLV Solskjaer.
Nhà báo Adam Bate của tờ Sky Sports nhấn mạnh: "Man Utd vẫn là hình ảnh cũ kỹ. Họ rõ ràng có thể chọn cách đương đầu với khó khăn khác như những gì thể hiện trong trận hiệp hai trận đấu với Young Boys".
Thay vì cho rằng tình huống thẻ đỏ của Wan-Bissaka là bước ngoặt khiến Man Utd thất bại, có lẽ HLV Solskjaer cần trách chính bản thân mình, vì tâm lý sợ hãi trong tư tưởng.
Theo Dân trí