Giới khoa học thế giới: Người đã tiêm chủng đầy đủ chưa cần mũi tăng cường
Theo các nhà khoa học thế giới, các vắc xin Covid-19 hiện nay hoạt động tốt đến mức hầu hết những người đã tiêm chủng đầy đủ chưa cần tiêm mũi thứ 3 tăng cường.
Một phụ nữ được tiêm chủng tại Anh (Ảnh: Getty). |
Báo SCMP đưa tin, trong một đánh giá được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, một hội đồng gồm các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới cho biết không có "bằng chứng đáng tin cậy" nào cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin "đang giảm đáng kể".
Các nhà khoa học nhấn mạnh, vắc xin Covid-19 hoạt động tốt đến mức hầu hết mọi người chưa cần tiêm mũi thứ 3 tăng cường. Theo đó, hiệu quả bảo vệ trung bình của vắc xin vẫn là 95% đối với bệnh nặng, kể cả với chủng Delta, và hơn 80% hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm.
"Không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy cho thấy vắc xin giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh nặng. Cũng có thể có thêm rủi ro về tác dụng phụ nếu tiêm mũi tăng cường quá sớm", bản đánh giá nêu rõ.
Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, các nước nên tập trung vào việc tiêm vắc xin cho những người chưa được tiêm và chờ đợi thêm dữ liệu về việc mũi tăng cường như thế nào, liều lượng ra sao để mang lại hiệu quả nhất. "Ngay cả khi việc tiêm mũi tăng cường được chứng minh là làm giảm nguy cơ nhiễm nặng trong trung hạn, thì nguồn cung vắc xin hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho những người chưa được tiêm", các nhà khoa học nhấn mạnh.
Thực tế là ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm cao, những người chưa tiêm là nguồn lây nhiễm khiến dịch bệnh bùng và chính là những người có nguy cơ nhiễm nặng cao nhất.
Các nhà khoa học đưa ra bản đánh giá này dựa trên một loạt các nghiên cứu quan sát thực tế cũng như dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng trước khi vắc xin được phê duyệt.
Đánh giá trên được đưa ra giữa lúc hầu hết các quốc gia có nguồn cung cấp vắc xin dồi dào đang tranh cãi về việc có nên bắt đầu chiến dịch tiêm mũi thứ 3 để tăng cường khả năng miễn dịch và giúp ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta hay không.
Mỹ có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm tăng cường từ ngày 20/9, mặc dù kế hoạch này vẫn cần Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chấp thuận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nỗ lực kêu gọi các nước ngừng mở rộng chiến dịch tiêm mũi tăng cường và nhấn mạnh, việc tập trung vào việc tiêm cho những người chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào sẽ có ý nghĩa hơn về sức khỏe cộng đồng.
Theo Dân trí