Bài học đắt giá từ cuộc chiến chống khủng bố "ngốn" nhiều tỷ USD của Mỹ
Kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ Taliban và làm suy yếu Al-Qaeda, nhưng các mối đe dọa về khủng bố vẫn đang hiện hữu, để lại nhiều bài học đắt giá cho nước Mỹ.
Nhìn lại những hình ảnh thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9 |
Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001 (Ảnh: Reuters). |
Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố sau khi trở thành mục tiêu của vụ tấn công kinh hoàng vào ngày 11/9/2001, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.
Sau 20 năm, 4 đời tổng thống cùng những chiến lược khác nhau, "cuộc chiến chống khủng bố" trên toàn cầu của Mỹ đã thu được kết quả khá quan trọng. Mỹ đã ngăn chặn được nhiều âm mưu khủng bố và không để xảy ra những vụ khủng bố tương tự, nước Mỹ đã an toàn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc chiến chống khủng bố cũng để lại những bài học đắt giá.
Không mơ hồ về đối tượng khủng bố
Ngay sau khi các cuộc tấn công 11/9 xảy ra, Tổng thống George W. Bush tuyên bố sẽ tiêu diệt "chủ nghĩa khủng bố toàn cầu". Đối tượng của cuộc chiến này là mọi tổ chức khủng bố trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia hậu thuẫn và cung cấp thiên đường trú ẩn an toàn cho khủng bố. Kế hoạch bắt đầu với Al-Qaeda và sau đó mở rộng nhằm tiêu diệt mọi phần tử khủng bố trên khắp thế giới.
Danh sách hàng trăm tổ chức khủng bố trên toàn cầu được đưa ra, trong đó có "trục liên minh ma quỷ" (theo cách gọi của ông Bush, gồm Iran, Iraq, Triều Tiên) và coi đó là những mục tiêu cần đặc biệt quan tâm. Vì thế, sau khi hoàn tất cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ đơn phương đem quân tấn công Iraq, lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein.
Khi lên nắm quyền, năm 2009, Tổng thống Obama có sự chuyển đổi chính sách chống khủng bố. Thay vì dàn trải trên toàn cầu, ông Obama chỉ xác định các tổ chức khủng bố trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ và tập trung vào Al-Qaeda. Tuy nhiên, năm 2014, ông Obama lại bất ngờ tuyên bố điều chỉnh đối tượng chống khủng bố sang mục tiêu chủ yếu là IS, với lý do Mỹ và "Liên minh quốc tế" chống khủng bố đã "đánh giá quá thấp năng lực của IS".
Gần 2 năm kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, ngày 4/10/2018, Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới. Theo đó, đối tượng của Mỹ là các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả Iran và các nhóm được Tehran bảo trợ, như phong trào Hezbollah ở Lebanon, Hamas và lực lượng thánh chiến Hồi giáo của Palestine.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho rằng, nước Mỹ nên tập trung trong phạm vi hẹp chống khủng bố, không phải chống nổi dậy hay xây dựng quốc gia khác. Theo ông, ngày nay, một mối đe dọa khủng bố đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Al-Shabab ở Somalia, Al-Qaeda ở Bán đảo Ả Rập, Al-Nusra ở Syria, ISIS cố gắng tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq và thành lập các chi nhánh ở nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mơ hồ trong quan niệm về khủng bố và đối tượng khủng bố đã dẫn đến việc Mỹ ngày càng tạo ra nhiều kẻ thù, đưa Mỹ vào một cuộc chiến không lối thoát, phải chiến đấu một mình, vì không có nhiều sự ủng hộ. Về mặt quân sự, việc mơ hồ trong xác định đối tượng tất yếu dẫn đến việc hoạch định chiến lược và điều hành chiến tranh thiếu hiệu quả và khiến cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ rơi vào thế "lợi bất cập hại".
Một nghi phạm bị thương được di chuyển bằng cáng tới phòng thẩm vấn tại nhà tù Guantanamo của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba hồi năm 2002 (Ảnh: Reuters). |
Can thiệp quân sự dễ bị "sa lầy"
Ngay từ đầu, Mỹ đã can thiệp trực tiếp bằng quân sự để có thể nhanh chóng tiêu diệt được khủng bố. Nhưng sau 20 năm, Mỹ đưa quân sang Afghanistan, Iraq, tiêu tốn sức người, sức của, khủng bố không những không bị diệt tận gốc mà càng lan rộng ra khắp các khu vực trên thế giới.
Tư tưởng chủ đạo của Chiến lược "đánh đòn phủ đầu" của ông Bush là sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự đánh phủ đầu mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ trong trứng nước. Kết quả là Mỹ đã tiến hành thắng lợi "thần tốc" ở Afghanistan (năm 2001) và ở Iraq (năm 2003), nhưng Mỹ đã bị "sa lầy" tại đây.
Ông Obama coi trọng tính hiệu quả dựa trên các hoạt động quân sự có chọn lọc, thay đổi phương thức tiến hành, phát huy vai trò, chia sẻ trách nhiệm với các nước thuộc "Liên minh quốc tế" chống khủng bố. Tuy nhiên, chiến lược mới đã không mang lại kết quả như tham vọng.
Chính ông Obama đã nhận ra, việc tấn công quân sự có thể giành chiến thắng ban đầu, nhưng không thể kết thúc cuộc chiến, do đó, có ý định rút quân Mỹ vào năm 2014 và bàn giao nhiệm vụ cho chính phủ Afghanistan, song kế hoạch không khả thi. Cựu Tổng thống Trump khởi xướng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện và thỏa thuận rút quân đã đạt được, nhưng ông phải rời nhiệm sở trước khi thực hiện.
Từ khi còn là Phó Tổng thống, năm 2009, ông Biden phản đối việc tăng quân và đề xuất rút binh sĩ từ Afghanistan về nước song không được chấp nhận. Những tháng đầu của nhiệm kỳ, mặc dù được cảnh báo việc rút quân đội Mỹ, Taliban sẽ tái chiếm quyền lực, ông Biden vẫn tuyên bố rút hết binh sĩ về nước. Tuy nhiên, việc rút quân được cho là thiếu đi một chiến lược, dẫn tới sự hỗn loạn.
Ông Biden cho rằng, mối đe dọa khủng bố đã lan rộng, song Mỹ vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố hiệu quả mà không có sự hiện diện quân sự thường xuyên, do Washington đã phát triển khả năng chống khủng bố từ xa.
Tính toán chiến lược và chi phối nguồn lực
Theo các nhà phân tích, khủng bố chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ an ninh mà Mỹ phải đương đầu. Sau khi tấn công Taliban, Mỹ không nhất thiết phải lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, mà có thể triển khai quân sự quy mô nhỏ, kết hợp sử dụng các công cụ tài chính, hợp tác quốc tế,... để chống khủng bố hiệu quả với chi phí thấp. Tuy nhiên, Mỹ đã không làm như vậy.
Theo một thống kê, trong hai thập kỷ, Mỹ đã tiêu tốn hơn 6.000 tỷ USD cho chống khủng bố. Chỉ riêng Bộ Quốc phòng đã chi khoảng 1.900 tỷ USD. Bộ An ninh Nội địa chi 1.000 tỷ USD. Tại Afghanistan, 2.448 binh lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 lính Mỹ bị thương.
Việc coi khủng bố là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Mỹ và dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố, đã làm phân tán nguồn lực, lệch hướng các ưu tiên của Mỹ, xao nhãng thách thức và nguy cơ khác. Khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến, lao đao trong cuộc khủng hoảng tài chính thì cũng là lúc đối thủ của Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ. Khi nhận ra điều này, Mỹ mới bắt đầu chính sách "xoay trục" sang châu Á, và tiếp đó là Chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Cân bằng quyền lực
Sự can thiệp quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố và dựng lên các chính quyền thân Mỹ tại khu vực Trung Đông đã làm phá vỡ sự cân bằng quyền lực, khiến tình hình khu vực này vốn đã bất ổn lại càng bất ổn hơn, thể hiện qua phong trào "Mùa xuân Arab", nội chiến tại Syria, sự xuất hiện của tổ chức IS...
Ngay cả sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ ở Kabul và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trong hỗn loạn, đã để lại một khoảng trống địa - chính trị khổng lồ, khiến cán cân quyền lực chao đảo. Một Afghanistan ổn định có thể lại nằm trong tay các đối thủ của Mỹ. Sự cân bằng quyền lực cũng là bài học đáng giá cho Mỹ.
Như vậy, sau hai thập kỷ chống khủng bố, Mỹ vẫn để lại cho Afghanistan một tương lai bất định và phải chấp nhận một thực tế là, "bóng ma" khủng bố đã len lỏi khắp toàn cầu. Mỹ cần định hình lại tương lai cuộc chiến chống khủng bố từ những bài học được rút ra.
Theo Dân trí