Nghị quyết về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
(PetroTimes) - Ngày 11/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa |
Nghị quyết nêu rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
Hồ sơ, thủ tục áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nêu trên như sau:
1- Giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố ban hành văn bản phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa nêu trên theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.
2- Cơ quan hải quan căn cứ văn bản phê duyệt của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục không thu thuế nhập khẩu theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 19 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng, Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.
3- Giao Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, được Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại (1), được áp dụng chính sách thuế quy định nêu trên. Trường hợp đã nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì được xử lý số thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đã nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền thuế nộp thừa.
Chính sách thuế ưu đãi đối với đối tượng nêu trên được áp dụng cho đến khi có văn bản công bố hết dịch COVID-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chính phủ giao Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu tài trợ thuộc lĩnh vực y tế đáp ứng điều kiện sử dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để các cơ quan liên quan có cơ sở thực hiện.
Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý, phân bổ và chỉ đạo sử dụng hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng quy định.
Hàng hóa nhập khẩu sẽ "dễ thở" hơn với đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành? Mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. |
P.V