Hà Nội: Cần đẩy nhanh tiến độ và rà soát kỹ các đối tượng hưởng chính sách
(PetroTimes) - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu các ban ngành cần tạo điều kiện để người dân được hưởng chính sách nhanh nhất, phải rà soát kỹ, phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho thành phố đầy đủ về cơ chế chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.
Sáng 8/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành liên quan về tình hình, kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kết luận hội nghị. |
Theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, việc thực hiện công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Trung ương và thành phố đã được các sở, ngành có liên quan, các địa phương nhanh chóng thực hiện. Mặc dù trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng các đơn vị, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp vẫn đang khắc phục mọi khó khăn để rà soát, thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách và tổ chức chi trả cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần vào việc chăm lo đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đến ngày 7/9, toàn thành phố đã hỗ trợ được hơn 946 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố, bao gồm cả nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, giúp các đối tượng ổn định đời sống.
Tuy vậy, Thường trực HĐND thành phố cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, thì công tác tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến nhiều đối tượng thụ hưởng chưa nắm bắt và làm thủ tục hồ sơ để hưởng các chế độ, chính sách. Việc rà soát một số nhóm đối tượng tại một số đơn vị còn hạn chế, đặc biệt là nhóm lao động tự do, có tâm lý chờ người dân đến làm các thủ tục dẫn đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng chưa kịp thời và đúng thời điểm.
Nguyên nhân là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiếp cận tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng gặp nhiều khăn; việc đi lại, làm thủ tục đề nghị hỗ trợ của người lao động, hộ kinh doanh cũng bị hạn chế; thời gian tiếp nhận, giải quyết chính sách hỗ trợ dài nên nhiều đối tượng thuộc diện hỗ trợ chưa làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ ngay trong thời điểm này.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ các phường, xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị phải tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch (trực chốt, phục vụ công tác xử lý, điều tra khoanh vùng dịch các trường hợp F0, F1...), công tác tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kịp thời các nguồn vận động, xã hội hóa đến các hộ gia đình, người lao động khó khăn... trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên công tác đôn đốc, hướng dẫn người lao động, hộ kinh doanh làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ có lúc, có nơi còn hạn chế. Số đối tượng được hưởng chính sách nhiều, có đối tượng cùng hưởng 2-3 chế độ dẫn tới quá trình rà soát trùng lặp mất nhiều thời gian; trong khi số lượng công chức, cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, toàn thành phố đã triển khai chính sách của Trung ương và thành phố hỗ trợ các nhóm đối tượng kịp thời; nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, để nhanh chóng tiếp cận người dân khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và thành phố đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ, nhưng một số đơn vị vẫn lúng túng, cứng nhắc, nên hiệu ứng của chính sách đến với người dân chưa bao quát hết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sau buổi giám sát, UBND thành phố sẽ có văn bản yêu cầu các đơn vị đôn đốc, chấn chỉnh; rà soát, bổ sung đối tượng ngoài các chính sách đã ban hành để tham mưu cho thành phố xem xét, hỗ trợ. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nắm bắt các vấn đề khó khăn của người dân, doanh nghiệp, để đề xuất giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời.
Chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại quận Hoàn Kiếm |
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng do dịch bệnh nghiêm túc, đúng quy định, nhưng trong quá trình vẫn còn có chậm trễ, có nơi, có lúc còn chờ đợi người dân đến mà chưa chủ động đến với người dân để hướng dẫn tiếp cận, tạo điều kiện để người dân được hưởng chính sách nhanh nhất. Trong đó, có một số đối tượng còn chưa được bao phủ bởi chính sách hỗ trợ.
“Qua giám sát, một số địa phương phản ánh việc chi chế độ cho lực lượng chống dịch trực theo ngày còn có bất cập, vì một ngày có nhiều ca kíp trực. Ngoài ra, việc xét duyệt đối tượng cũng gặp khó khăn, đa số lao động không có hợp đồng lao động… Vì vậy, ngành Tài chính và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải rà soát lại, điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp thực tế với mục tiêu là bao phủ các đối tượng được hưởng đúng quy định, đồng thời cần đánh giá xem chính sách được ban hành có phù hợp thực tiễn hay không”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị, thời gian tới, Sở Tài chính phải rà soát kỹ, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tham mưu đầy đủ về cơ chế chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổng hợp toàn bộ kết quả đã triển khai, đặc biệt là với các đối tượng chính sách được hưởng. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở cũng cần có những thông tin chuyên đề trên các cơ quan báo chí của thành phố, để người dân nắm rõ được chính sách.
Thành Công