Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số: (Kỳ 3) Làm gì để đạt được tham vọng?
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt để đạt được tham vọng số, nhưng cần tận dụng sức mạnh của mình và thu hẹp khoảng cách ở những điểm còn yếu để chuyển đổi số nền kinh tế.
Lợi ích về năng suất của các công nghệ và phương thức mới sẽ không trở thành hiện thực nếu không có nỗ lực của doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để đẩy nhanh việc ứng dụng. |
Việt Nam đạt kết quả tốt về kết nối nhưng tốc độ còn chậm và cần đầu tư khoảng 6 tỷ USD để hiện đại hóa và duy trì cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn dân trong những năm tới. Chính phủ đã chứng tỏ được hiệu quả xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua hợp tác giữa các DNNN và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT&TT. Nếu được thực hiện, các dự án đầu tư này sẽ khuyến khích và bổ trợ cho quá trình ứng dụng các công nghệ và dịch vụ số khác, trong đó có thương mại điện tử, thanh toán điện tử, và cung cấp dịch vụ công có mục tiêu.
Tuy nhiên, lợi ích về năng suất của các công nghệ và phương thức mới sẽ không trở thành hiện thực nếu không có nỗ lực của doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để đẩy nhanh việc ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng trưởng, và thúc đẩy lan tỏa năng suất.
Nâng cao kỹ năng số
Nâng cấp kỹ năng số bằng cách tăng cường giáo dục và đào tạo CNTT ở các cấp, đặc biệt thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề (TVET), đang trở thành cấp thiết với Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải cải cách nền móng hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, bao gồm mô hình hoạt động (ví dụ, cấp vốn dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, đối tác công-tư), thiết kế chương trình học (ví dụ, ngành khoa học và phân tích dữ liệu), kết nối hiệu quả với giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng, đại học. Cải cách hệ thống đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cũng hết sức quan trọng để phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Việt Nam cũng cần cải thiện kỹ năng mềm cho người lao động, qua đó củng cố khả năng thích ứng của họ trong một môi trường mà bản chất công việc và việc làm cụ thể đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều kỹ năng nghề nghiệp truyền thống đang trở nên lỗi thời. Cùng lúc đó, những cơ hội mới đang xuất hiện thông qua các hoạt động và mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn ngày càng có nhiều cơ hội về việc làm cộng tác dựa trên CNTT&TT trên các mạng xã hội, về tạo dựng thương hiệu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, và phân tích dữ liệu thu thập từ các trang web. Các kỹ năng mềm - như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý - sẽ quan trọng để thành công. Vì lẽ đó, các kỹ năng hành vi-xã hội cần được chú trọng hơn trong giáo dục tiểu học và trung học.
Bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo
Nhóm phân tích thông tin rằng doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang được bảo hộ, thay vì được khuyến khích đổi mới sáng tạo trong một môi trường cạnh tranh. Lĩnh vực truyền thông do ba công ty lớn trong nước chi phối; mạng xã hội do Facebook chi phối; còn các lĩnh vực công nghệ số khác, như thương mại điện tử, fintech, tài chính số, và quản lý dữ liệu đang bắt đầu hợp nhất. Rào cản gia nhập vẫn cao đối với những doanh nghiệp mới ở nhiều lĩnh vực dịch vụ, trong khi chính sách cạnh tranh vẫn chưa phát triển do tốc độ đổi mới sáng tạo đang bỏ xa tốc độ điều chỉnh chính sách quản lý nhà nước.
Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Trong những năm tới, ba phương án bổ trợ cho nhau dưới đây có thể được cân nhắc: Chính phủ nên hỗ trợ hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt đối với các công ty có năng lực công nghệ cao. Chính phủ cũng có thể cải thiện chính sách và việc triển khai thực hiện chính sách cạnh tranh. Chính phủ và khu vực tư nhân có thể thúc đẩy các doanh nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ số.
Đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng thông tin và an ninh thông tin
Trong lúc hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo mật thông tin cá nhân, Chính phủ cần cân bằng giữa quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tạo thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu số. Điều này đặc biệt liên quan mật thiết đến yêu cầu về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới và lưu trữ dữ liệu tại địa bàn. Các điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu trong nước và phải được sự đồng ý của Bộ Công an mới được chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài sẽ dẫn đến tăng chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, làm giảm lợi ích mà Việt Nam có thể khai thác.
Để có được sự cân bằng đó, theo WB, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trong khu vực mà đang từng bước chuyển từ giảm bảo hộ dữ liệu sang tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều đó có nghĩa là quan tâm ít hơn đến người kiểm soát dữ liệu và nhiều hơn đến bảo vệ việc sử dụng dữ liệu đó. Trong những năm tới, có hai phương án bổ trợ nhau sau đây nên được cân nhắc: Thứ nhất, Chính phủ nên ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu, được Liên minh châu Âu thông qua năm 2016, là tiêu chuẩn vàng quốc tế.
Thứ hai, Chính phủ và khu vực tư nhân nên xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi tài chính khi xảy ra sự cố mạng. Các rủi ro khó có thể được hạn chế hoàn toàn, nhưng gộp chúng lại có thể khuyến khích đổi mới sáng tạo và chia sẻ dữ liệu. Đây là một lĩnh vực mới trên thị trường bảo hiểm, và sản phẩm trong lĩnh vực này có thể cần có thời gian để phát triển và trưởng thành.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số: (Kỳ 2) Kinh tế số xoay quanh bốn trụ cột |
Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số: (Kỳ 1) Những lợi thế chính của kinh tế số |