Mỹ có thể đuổi kịp Trung Quốc trong cuộc đua năng lượng sạch?
(PetroTimes) - Cả Mỹ, EU, Trung Quốc đang thống trị hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong số đó, Mỹ bị đánh giá là bị tụt hậu tương đối xa về các khoản đầu tư vào năng lượng sạch so với EU và Trung Quốc mặc dù sở hữu tiềm năng NLTT dồi dào và tiến bộ công nghệ.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Mỹ dường như đang thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để giành lại một số ưu thế từ Trung Quốc và EU. Chuyên gia Vanand Meliksetian của trang tin Oilprice mới đây đã có bài viết đánh giá về sự phát triển năng lượng sạch tại Mỹ so với EU và Trung Quốc.
Dự luật cơ sở hạ tầng trị giá tới 1.200 tỷ USD đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và đang chờ Hạ viện xem xét thông qua. Nếu dự luật này được thông qua, lĩnh vực NLTT của Mỹ sẽ nhận được sự kích thích lớn dưới hình thức đầu tư công để mở rộng quy mô và các nguồn lực bổ sung cho nghiên cứu và phát triển. Nội dung dự luật bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc điện trên toàn liên bang, các nguồn lực để điện khí hóa ngành công nghệ và các thành phần phụ trợ để phát triển các công nghệ liên quan đến hydro và một số công nghệ năng lượng sạch khác.
Quá trình chuyển đổi năng lượng là quá trình phức tạp với nhiều thành phần tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ như sản xuất hydro “xanh” là một trong số rất nhiều lựa chọn cho một tương lai năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc thay thế sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng các lựa chọn thay thế như năng lượng mặt trời và năng lượng gió khiến năng lượng hydro ngày càng trở nên hấp dẫn.
Lợi ích của hydro đối với hệ thống năng lượng trong tương lai là khả năng tạo giá trị tăng thêm từ nguồn năng lượng dư thừa hoặc nguồn năng lượng có chi phí thấp do thời tiết thuận lợi (năng lượng gió, năng lượng mặt trời). Việc đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất phát triển giải pháp cải tiến công nghệ, giảm chi phí, tạo các giá trị thặng dư. Việc sử dụng nguồn năng lượng dư thừa để sản xuất hydro giúp đảm bảo nhu cầu tiêu thụ năng lượng vào những thời điểm khác, như trong khung giờ cao điểm. Do đó, thời gian và sự kết hợp nhiều công nghệ có thể cải thiện thời gian hoàn vốn của các khoản đầu tư, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và những nỗ lực khử carbon.
Giới kinh doanh Mỹ nhận định, dự luật cơ sở hạ tầng mới của Mỹ là bước đi hứa hẹn trong phát triển nền kinh tế hydro ở Mỹ. Nó mang lại cơ hội hấp dẫn cho các công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới này. Dự luật cũng bao gồm khoản hỗ trợ tài chính trị giá 9 tỷ USD cho phát triển 4 trung tâm sản xuất hydro bằng ba phương pháp:
- Sử dụng khí đốt thiên nhiên kết hợp công nghệ thu gom và lưu trữ carbon;
- Sản xuất hydro bằng máy điện phân sử dụng điện tái tạo;
- Sản xuất hydro bằng máy điện phân sử dụng điện hạt nhân.
Các trung tâm này sẽ được đặt tại các khu vực hội tụ các điều kiện thuận lợi như: có vị trí gần các mỏ khí đốt thiên nhiên, khu vực phát triển mạnh NLTT, khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hơn nữa, bên cạnh các cơ sở sản xuất, các trung tâm này nên bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị hydro, bổ sung thêm các mắt xích vận chuyển, lưu kho và phân phối đến người tiêu dùng.
Mặc dù tham vọng của chính quyền Mỹ hiện nay là đáng khen ngợi, song nước này có nguy cơ tụt hậu nhiều hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh lớn ở châu Âu và Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực NLTT và nước này đang duy trì vị thế thống trị NLTT trong tương lai gần. Bên cạnh đó, EU gần đây đã thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu đầy tham vọng, trong đó đề cao vai trò của hydro. Do đó, những động lực ban đầu có thể tạo ra lợi thế thương mại và công nghệ mà các công ty Mỹ khó bắt kịp.
Tuy nhiên, có hai yếu tố có thể giảm thiểu được sự tụt hậu trong thời gian đầu vận hành của Chính phủ của Tổng thống Biden đó là năng lực khoa học và thương mại hàng đầu thế giới của Mỹ và hệ thống chính trị phi tập trung. Mặc dù Mỹ tham gia tương đối muộn và tham vọng năng lượng sạch ở cấp liên bang và tiểu bang là khác nhau. Ở những bang ủng hộ Đảng Dân chủ như California, tham vọng về năng lượng sạch là rất cao. Hệ thống chính trị của Mỹ cung cấp đủ quyền tự chủ cho các tiểu bang ở mức độ nhất định, thậm chí có thể thực hiện các chính sách độc lập với chính quyền trung ương. Do đó, Mỹ vẫn còn cơ hội trong cuộc đua giành ưu thế về năng lượng sạch toàn cầu.
Tiến Thắng